Để rồi giữa cuộc sống xô bồ, gấp gáp này chỉ cần gợi chút kỷ niệm thuở xưa cũng đủ khiến chúng ta cảm thấy ấm áp lạ thường. Đối với riêng tôi, miền Tây hiện lên thật thân thương với những hoài niệm về mùa nước nổi thời thơ bé bên má.
Hằng năm, mùa nước nổi thường rơi vào tháng chín, tháng mười. Cứ đến thời điểm nước ngập lênh láng là lũ trẻ con lại thi nhau lội lõm bõm trong nhà đến ngoài sân. Với suy nghĩ đơn giản của trẻ thơ ngày ấy, mùa nước nổi chẳng hề đáng sợ mà chúng tôi còn hồn nhiên ngồi trên chiếc giường tre cho khỏi ngập rồi thách nhau câu cá. Mấy con nhền nhện, con trùng, con dế được “tận dụng” làm mồi câu nhanh chóng. Những thú vui của trẻ thơ thật giản dị, tiếng cười nói rộn rã cả xóm làng đọng mãi trong tâm trí như một bản nhạc du dương trong trẻo, thuần khiết đến nỗi chỉ cần nghĩ về thôi đã đủ khiến khóe miệng chợt mỉm cười thích thú.
Mùa nước nổi miền Tây |
Thanh dũng |
Nhớ lại ngày ấy, cá mùa nước nổi rất rẻ tính ra một cân gạo đổi được ba bốn cân cá. Thế nhưng đêm đêm hai má con vẫn phải rong ruổi giăng câu để kiếm miếng ăn hàng ngày. Cứ chiều đi học về tôi lại vội quăng quyển tập bọc tuềnh toàng trong bao đựng thóc của ngoại rồi bới nhanh tô cơm nguội ăn nhoáng nhoàng để kịp chuẩn bị cho chuyến giăng câu đêm. Trời chạng vạng là lúc tiếng gọi nhau í ới vang lên khắp nơi, tiếng lạch cạch của mái dầm khua vang lên đều đặn. Mùa đông nổi gió, len lỏi qua từng vạt áo và lăn tăn gợn sóng mặt hồ khiến con người đôi khi cảm thấy rùng mình. Một lúc sau, từng xuồng chia ra nhiều hướng khác nhau để tìm luồng cá, thời điểm này mới thấy cánh đồng nước rộng mênh mông biết nhường nào!
Chiếc xuồng nhỏ của nhà trông xa như một ngôi nhà tí hon di động, lập lòe ánh sáng đèn dầu vi vu nhẹ lướt trên dòng nước. Cánh đồng mùa ấy rất lắm cá vì chỉ mọc rặt bông súng, lát và năng mọc hoang quanh năm. Không những thế, bên cạnh còn có nghĩa địa nên nhiều người không dám bén mảng dòm ngó. Chỉ cần lấy dầm đánh tẹc nhẹ vào nước là đủ khiến chúng nhảy cẫng lên náo động vui mắt. Những chú cá rô đớp mồi lách tách, hào hứng lấy đà bật lên rồi rơi xuống đánh “tõm” làm văng nước tung tóe lên cả mạn xuồng. Thi thoảng tiếng cá lóc quẫy mồi khiến mặt nước trở nên xáo động, lung linh ảo diệu dưới ánh trăng thanh vằng vặc.
Tôi ì ạch bưng thau câu có tất cả ba nghìn lưỡi câu để thả ba cây số, cứ cách mỗi mét là một lưỡi câu. Chúng sẽ được thắt gọn theo kiểu tóm cổ chó chắc chắn, càng kéo mạnh thì dây càng siết chặt hơn. Món ăn khoái khẩu của cá là trùng vì thế ai cũng thoăn thoắt móc trùng hổ, trùng cơm vào lưỡi câu dụ cá. Màn đêm che kín đầu trời như một tấm áo choàng đen bao trùm lên vạn vật, tiếng cá đớp mồi liên hồi làm tôi chợt cảm thấy nóng ruột râm ran. Ánh đèn dầu le lói nhấp nháy trên cánh đồng tạo thành điểm nhấn cho không gian, mọi người thi nhau cắm câu mồi, giăng lưới. Giọng má ôn tồn: “Nhà mình cũng giăng câu thôi con!”. Má bưng thau câu cùng chiếc đèn dầu lên chiếc sạp ở mui tôi thì ngồi lái và chống xuồng cho má thả câu. Chốc chốc hai má con lại dừng tay vì câu rối phải gỡ từng đoạn lưới. Công việc cứ lặp lại quen thuộc từ ngày này sang ngày khác nên phối hợp rất nhịp nhàng, suôn sẻ. Chốc chốc, chỉ cần nghe tiếng cá đớp mồi lách tách là tôi lại vội vàng lùi xuống lại để má gỡ cá ngay không uổng phí mất thứ món quà vô giá của tự nhiên.
Cá dù nhiều nhưng không phải ngày nào người đi bắt cũng gặp được may mắn. Nhớ có lần chúng tôi đang lênh đênh giữa dòng nước mênh mông thì tận góc trời luồng gió lạnh cứ ào ào kéo đến, chiếc xuồng bé nhỏ dập dềnh nhanh chóng bị đánh bạt sang hướng khác. Mây đen phủ đầy trời, đêm đã tối lại càng trở nên đáng sợ hơn. Má lo lắng nói: “Mưa lớn sắp tới rồi, bủa câu mau mau còn về con ơi!”. Tôi cố gắng giữ chiếc xuồng ổn định để má giăng câu nhưng sức người không địch lại nổi với trời, gió to khiến cho xuồng cứ quay vòng vòng một chỗ. Má khoác vội tấm áo nilon đã rách tả tơi cho tôi rồi nhảy ngay xuống làn nước lạnh thấu tim, hai hàm răng vô thức va cầm cập vào nhau. Gió gầm gào vô tình không ngớt, nước sâu ngập đến ngang thắt lưng, có chỗ dâng lên đến cả đầu nên má phải bám chặt men theo xuồng qua những đoạn sâu ấy. Mưa đã bắt đầu xuất hiện, lộp độp rơi vào tấm áo nilon mỏng manh, đau rát cả đôi má bầu bĩnh. Ngay tắp lự mưa đã trút xuống ào ào như chực nuốt chìm con xuồng nhỏ bé. Má vừa nhanh chóng tát nước dâng lên trong xuồng vừa nghiêng thau lưỡi câu ra ngoài để thả cho hết. Vài giờ đồng hồ trôi qua, trời đã ngớt mưa và số câu cũng đã bủa xong. Tháo dây ra khỏi lưng, má cắm dằm buộc dây xuồng rồi vuốt chặt ống quần, tay áo cho ráo bớt nước. Nhìn sang chiếc đèn dầu chẳng hay vì gió to đã tắt ngấm từ lúc nào…
Trời vẫn tối om, mưa lớn nên cá trốn ăn hết, có một số ít đã ăn từ trước đó thì cũng bị chết ngộp cứng đờ. Mấy miếng mồi câu đã trở nên trắng bệch sau thời gian dài ngâm nước lạnh, tiếng gà gáy báo canh, tiếng ếch ộp oạp sau mưa xao động cả cánh đồng. Tiếng hú nhau cuốn câu, thu lưới vang lên, ai cũng than cá ít, chẳng thể đủ đổi gạo. Ánh mắt mọi người đượm buồn khiến tôi cũng buồn theo, tiếng thở dài càng khiến cho khung cảnh trở nên ảm đạm, tiêu điều. Bất giác lúc yếu lòng tôi lại xót xa cho cảnh má phải lặn lội mò mẫm trong đêm trời gió bấc, tủi thay cho phận mình chẳng được vùi đầu trong chăn ấm đệm êm như chúng bạn đương thời. Cuộc sống chẳng dễ dàng khi giữa lúc đêm tối giữa cánh đồng hoang thân đàn bà con gái phải một mình chống trả lại sức mạnh của thiên nhiên. Cái lạnh nhanh chóng len lỏi khiến đôi môi tôi chợt rung lên liên hồi, nước mắt cứ lã chã rơi âm thầm trên gò má ửng đỏ. Tôi khẽ rúc vào trong lòng má, tay chân má cũng lạnh buốt cả rồi nhưng chẳng hiểu sao tôi cảm thấy bình yên, có lẽ bởi cái tình mẫu tử đã khiến cho tôi cảm thấy được an ủi phần nào… Xa xa tiếng hò đâu đó vẳng lại:
“Hò ơi! Con không cha như nhà không nóc,
Cha mất rồi con ướt tả tơi”...
Đến giờ dù đã trưởng thành và rời xa quê hương tôi vẫn không thể quên những ký ức về mùa nước nổi miền Tây. Có thể nói khi ấy làng quê còn nghèo khó, tiêu điều nhưng rất đỗi ấm áp tình người và có nhiều trải nghiệm bên má mà giờ đây khó lòng tìm lại được… Những mùa nước nổi năm nào đã ươm mầm và nuôi dưỡng tuổi thơ, chắp cánh tâm hồn tôi bay xa vời vợi. “Thương lắm. Yêu lắm. Nhớ lắm miền Tây ruột thịt ơi!”.
Bình luận (0)