Ký ức sâm nam

22/05/2016 05:41 GMT+7

Lâu không được ăn sương sâm (phương ngữ đất Phú Yên gọi là “sâm nam”), món ăn lũ trẻ nhà nghèo chúng tôi ngày nhỏ rất quen, rất mê. Quà vặt ăn chơi vốn nhiều thứ, nhưng không thứ nào gắn bó cùng tuổi thơ tôi như món sương sâm.

Gọi chính xác là thạch sương sâm, bởi nó được vò, kết đông từ lá cây sương sâm, một loại cây thân bò dạng dây leo mọc hoang nhiều nơi ở các vùng đồi núi miền Trung.
Lá sương sâm nhỏ, hình trái tim, hơi giống loại lá mối dưới đồng mà người quê thường hái nấu canh. Cái khác chính là lá mối nhẵn, xanh sáng, còn lá sương sâm xanh sẫm ngả xám, nhiều lông tơ trắng phủ trên, quen nhìn là biết ngay. Mà với lũ trẻ chăn bò, “chuyên gia” sục sạo núi rừng lùm bụi kiếm cái ăn, gì chớ lá sương sâm thì quen lắm!
Lý thuyết vậy, nhưng thực ra, để phát hiện được lùm sương sâm trong tự nhiên cũng không phải dễ, bởi cây sương sâm “ngụy trang” rất tài. Len lỏi đu bám vào cả cây sống lẫn cây khô, cái thân dây xanh mốc phủ đầy lông tơ trắng của sâm nam cứ tiệp vào thân cây chủ rất khó nhận ra. Còn lá? Khôn ngoan “trốn” vào các nách lá, các khe hở giữa cành nhánh của thân cây chủ, cũng thập thò ẩn hiện cái gam màu xanh - trắng - mốc khiến ngay khi cây chủ… chết khô cũng không dễ gì nhận ra dây sương sâm đang đeo bám trên cây! Và nữa, ngoắt ngoéo thân bò từ một gốc tỏa lan ra rất nhiều dây, rất nhiều nơi. Vậy nên, người dày kinh nghiệm hái sương sâm nhiều khi chỉ cần phát hiện một lá, một dây sâm bé tẻo teo là… cứ thế phăng theo: rất nhiều cơ may sẽ tóm nguyên cả bụi sương sâm bự chảng!
Lá sương sâm hái về vò ăn không hết thì bán. Không bán, có thể phơi khô dành vò ăn dần. Đường nào cũng hay. Vậy nên, ngày nhỏ tôi rất mê hái lá sương sâm: lùa bò vô núi thả xong là xách túi chui bờ lủi bụi suốt ngày. Có hôm mê theo lá ra muộn, để bò tự theo bò hàng xóm về chuồng. Không thấy tôi, mẹ nháo nhác đi tìm. Gặp, nổi điên, vụt cho mấy roi quắn đít! Ăn roi thì ăn, vẫn không chừa tật mê kiếm lá sương sâm. Có lần đi hái lá, phát hiện bụi sương sâm to, đang hí hửng cười vì “vô mánh” ngon ăn, chợt phát hiện… con sâu có sừng đeo kềnh kễnh xanh lè dưới chiếc lá sâm vừa ngắt trên tay. Cha mẹ ơi, tôi vốn nhát sâu. Quăng chiếc lá, chạy la bai bải mà vẫn nhớ mồm năm miệng mười ngoái lại… răn đe: bụi sâm ấy của tao, cấm đứa nào động á…
Còn nhớ có thời lên cơn “sốt” sương sâm, người ta đua nhau lên núi lùng nhổ gốc sương sâm về bán cho nhà vườn trồng. Vài năm, phong trào lắng xuống; không hiểu những người trong cuộc kiếm lợi được bao nhiêu, riêng cây sương sâm thì lãnh đủ tai ương. Hôm rồi về quê, muốn tìm chút dư vị ngày xưa, tôi vòi mẹ đi chợ nhớ mua thạch sương sâm. Mẹ lắc đầu: sương đâu nữa mà sương, người ta nhổ sạch núi rồi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.