Ký ức sân khấu: Băng cassette tuyệt vời

03/10/2020 06:59 GMT+7

Khoảng đầu thập niên 1980, máy cassette bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Trong lúc tại TP.HCM sân khấu cải lương bước sang trang mới rực rỡ với rất nhiều tuồng ăn khách diễn đi diễn lại hàng trăm suất, thì ở vùng nông thôn mỗi tuồng cải lương cũng được phát đi phát lại hàng trăm lần với cái máy cassette tuyệt vời.

Thời đó, máy cassette chỉ nhập khẩu từ Nhật nên có giá không rẻ, hiệu Sony, Panasonic là thông dụng nhất. Máy khá to, cỡ thùng mì loại chứa 30 gói. Má tôi mới ra buôn bán cũng chẳng khá giả là mấy, phải lo cho một bầy con đang sức ăn sức học, nhưng má cũng ráng ngắt vốn mua cái máy cassette mang về vì thương lũ con có máu văn nghệ.
Vẫn là hàng secondhand, nhưng nhờ ông cậu tôi vốn giỏi sửa đồ điện tử đi chọn giùm, nên cái máy tốt kinh khủng, không hổ danh hàng Nhật. Tôi nhớ má đi Sài Gòn đến gần 12 giờ đêm mới chở hàng về nhà kịp và đem cái máy về luôn, chị em tôi không ngủ, kiên quyết thức đợi má, à không, đợi cái máy mới đúng. Cửa mở, má và cậu ôm cái máy to đùng vô, lũ con nhảy tưng lên. Thật tình không tả được cái cảm xúc của bọn trẻ chúng tôi khi nhà sắm được một món đồ nào đó, từ cái radio, cái ti vi, giờ là máy cassette. Nửa đêm nửa hôm mà bọn tôi nhất định bắt cậu mở máy, lắp băng vô, hướng dẫn mọi người sử dụng, chứ không chờ nổi tới sáng.
Tiếng băng chạy sè sè, rồi giọng ca bolero Duy Khánh cất lên, trời ơi, cả một cơn say chếnh choáng. Má có mua thêm cái băng cải lương, chúng tôi lắp vô nghe luôn, ôi chao giọng Lệ Thủy đang diễn vai Mạnh Lệ Quân. Má phải la: “Tắt đi con, giờ đi ngủ, sáng còn đi học”. Bọn tôi tiếc rẻ, vô giường nằm mà cứ mong trời mau sáng.
Từ đó, cái máy cassette hoạt động không ngừng nghỉ. Chỉ trừ giờ ngủ, giờ đi học, học bài, ngoài ra tụi tôi nghe tân nhạc và cải lương, vọng cổ bất cứ lúc nào, không biết chán, không biết mệt. Băng cassette thời đó cũng nhập từ Nhật, rất tốt, hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần mà ít khi bị rối hoặc nhão. Về sau, băng Trung Quốc nhập vô, giá rẻ hơn, mau hư kinh khủng.
Tôi lên TX.Sa Đéc tìm mua băng trong các cửa tiệm, hoặc em trai tôi học đại học ở TP.HCM mua gửi về. Sau này mới biết, Hãng đĩa Việt Nam của bà Sáu Liên thời ấy là “trùm” sản xuất băng cassette cải lương và tân nhạc. Trước 1975, bà sản xuất đĩa than, sau bà sắm máy móc, kỹ thuật, chuyển các đĩa sang băng cassette, đồng thời sản xuất rất nhiều chương trình mới cho các nghệ sĩ trẻ.
Máy hát đĩa than phức tạp hơn, giá không rẻ, nên không phổ biến bằng máy cassette. Trong xóm tôi, cứ 10 nhà là một nhà sắm được máy cassette, trung bình giá 3 chỉ vàng, còn máy secondhand như má tôi mua thì khoảng 2 chỉ, coi như cũng vừa tầm tay mọi người. Băng cassette thì giá tương đương 4 - 5 tô hủ tiếu, nhịn ăn một chút cũng mua nổi.
Tiếng hát luôn bay khắp xóm, nhưng không ai thấy phiền, vì không quá lớn mà chỉ vừa đủ nghe, vừa đủ ngọt ngào. Lúc này nhà tôi đã dời về thị trấn, không còn ở ấp vùng xa đó nữa, nên chung quanh nhà cửa khá san sát. Tuy nhiên, dường như người ta vẫn còn giữ chất nông thôn, tánh tình dễ chịu, chưa bị stress, vì vậy dù có nghe tiếng nhạc từ nhà hàng xóm thì cũng không nhăn nhó, mà nghe chung luôn, thậm chí còn bảo: “Mở lớn một chút cho tao nghe với mậy!”. Cái thời người ta chưa bội thực tiếng ồn, không gian vẫn còn yên tĩnh, thì điểm xuyết thêm câu vọng cổ hoặc bolero có chi là phiền.
Những tuồng cải lương thu băng cassette vẫn chủ lực là kiếm hiệp và hồ quảng, còn tuồng xã hội như Tuyệt tình ca, Nửa đời hương phấn... chiếm số lượng ít hơn. Những tuồng cải lương sau 1975 còn đang diễn ăn khách tại Sài Gòn, dễ gì mà thu. Cho nên số đông vẫn là những tuồng trước 1975. Tất cả được rút gọn trong vòng 90 phút để đủ thu hai mặt băng, mỗi mặt 45 phút, vẫn giữ được cốt lõi, không mất đi sự hấp dẫn. Tôi ấn tượng nhất vở Đường gươm Nguyên Bá với nhân vật ông vua của Thanh Sang, giọng ca trầm ấm đẹp lạ lùng, và công chúa Thủy Cúc của Thanh Kim Huệ với bài ca mang âm hưởng Nhật Bản quyến rũ. Cả vở tuồng toát lên chủ đề giáo dục thật hay, một ông vua giáo dục tôi thần của mình, một người cha giáo dục con cái, một người thầy giáo dục đệ tử, một người vợ cảm hóa chồng, một người bạn cảm hóa bằng hữu... Tất cả đều trên nguyên tắc nghiêm khắc, công tâm, nhưng không thiếu vị tha, hy sinh, nhân nghĩa lễ trí tín đầy đủ.
Tuồng Tuyệt tình ca cũng được nghe nhiều nhất, bởi Bạch Tuyết trong vai Lê Thị Trường An có số phận đau lòng, đúng vai diễn để đời của chị, và nghệ sĩ Út Bạch Lan lẫn Út Trà Ôn đều làm người ta khóc qua mấy câu vọng cổ viết lời tuyệt đẹp. “Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương còn lẩn khuất giữa sông... đầy”.
Thật sự cải lương hồi ấy viết lời rất hay, giản dị nhưng không tầm thường. Còn hồ quảng hồi ấy như Sở Vân cứu giá, Hoa Mộc Lan, Mạnh Lệ Quân… khá gần với cải lương truyền thống, đa số bài bản đều dễ nghe, không quá nhiều bài đậm nét Tàu như sau này tôi xem một số vở trên sân khấu. NSND Thanh Tòng đã có công biến hồ quảng thành tuồng cổ, vậy mà sau này một số chương trình đã đi ngược trở lại, hát hồ quảng đậm đặc hơn cả tác phẩm của Thanh Tòng và các tuồng thời cassette.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.