Ký ức sóc Bom Bo

27/02/2015 11:12 GMT+7

Tiếng chày giã gạo nuôi quân bên ngọn lửa bập bùng, nay vẫn còn in hằn trong ký ức của người dân sóc Bom Bo (thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Tiếng chày giã gạo nuôi quân bên ngọn lửa bập bùng, nay vẫn còn in hằn trong ký ức của người dân sóc Bom Bo (thôn Bom Bo, xã Bình Minh, H.Bù Đăng, Bình Phước). 

Bộ cối, chày giã gạo hiếm hoi được cất giữ tại nhà Điểu Thị Bách - Ảnh: Đỗ Trường
Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình
Già làng Điểu Lên (70 tuổi, ngụ thôn Bom Bo, xã Bình Minh) kể lại, vào năm 1960, Mỹ - Ngụy thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược khắp nơi. Người dân sóc Bom Bo (thời điểm này thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long) không chịu áp bức, trong đêm tối, hơn 40 hộ đồng bào S’Tiêng vượt suối, băng rừng về khu căn cứ Nửa Lon (thuộc xã Đắk Nhau, H.Bù Gia Mập, Bình Phước ngày nay) đi theo cách mạng. “Người S’Tiêng chúng tôi có tập quán du canh du cư, nên khi di chuyển đến nơi nào lập làng đều lấy tên sóc Bom Bo”, già làng Điểu Lên giải thích.
Xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa Bom Bo
Ông Trần Đức Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh (H.Bù Đăng) cho biết, năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề án và triển khai xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo rộng 113 ha (trong đó 70 ha là vùng lõi, còn lại là vùng đệm). Sau 4 năm thực hiện, đã xây dựng được tuyến đường vào trong khu bảo tồn, đường lên trên đồi cao và hai nhà dài mô phỏng nhà của đồng bào dân tộc S’Tiêng ở sóc Bom Bo trước đây.
Năm 1965, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía bắc chiến khu Đ, trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên - Sài Gòn (quốc lộ 13 và 14). Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. “Cách mạng giao cho chúng tôi cung cấp mỗi đợt là 50 kg gạo/hộ. Thế là già, trẻ, gái trai nô nức, ban ngày lên nương trồng lúa, trồng mì, tối về đốt đuốc giã gạo cho đến gần tận sáng”, Điểu Lên vừa uống rượu vừa nói.
Ngồi cạnh bên, bà Điểu Thị Ba Rơi (66 tuổi, vợ của già làng Điểu Lên) nói chen vào: “Mỗi lần giã gạo chúng tôi lấy cây lồ ô đã phơi khô, đốt lên để làm đuốc, cháy bập bùng trong đêm. Mỗi cối, có từ 2 đến 4 người thay nhau giã gạo. Nhiều khi nghe tiếng máy bay địch quần thảo trên bầu trời thì tất cả tắt lửa chui xuống dưới hầm trú ẩn”.
Tiếng chày chưa dứt
Năm 1965, nhạc sĩ Xuân Hồng cũng tham gia chiến dịch qua vùng này và chứng kiến được cảnh nô nức giã gạo của người dân, ông đã sáng tác ra bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Già làng Điểu Lên nhớ lại: “Lúc đó, tôi cùng nhạc sĩ Xuân Hồng cùng ở chung căn hầm. Hằng đêm, tôi thấy ông ấy chăm chú quan sát người trong sóc giã gạo, rồi ghi chép vào sổ tay. Khoảng 3 tháng sau thì có một bộ đội cầm cái radio chạy đến hỏi tôi về tác giả bài hát”. Bà Ba Rơi kể thêm: “Khi biết nhạc sĩ Xuân Hồng chính là người sáng tác ra bài hát thì nhiều người ôm lấy ông ấy. Tối đó, chúng tôi làm gà, mở tiệc rượu, ăn mừng bài hát”.
Năm 1967, địch phát hiện ra cơ sở cách mạng sóc Bom Bo thì nơi đây phải gánh chịu những trận mưa bom, bão đạn. “Người dân Bom Bo vẫn trồng lúa, trồng mì dưới làn bom đạn. Đến năm 1970, thì địch rải bom napalm, hủy diệt cả khu rừng, làm cho người dân sóc Bom Bo không thể trồng được cây lúa để nuôi quân. Tiếng chày giã gạo cũng gần như mai một từ thời điểm đó”, già làng kể lại.
Người dân sóc Bom Bo múa hát, tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân bên ánh lửa bập bùng của ngày nàoNgười dân sóc Bom Bo múa hát, tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân bên ánh lửa bập bùng của ngày nào - Ảnh: Đỗ Trường
Đất nước giải phóng, người sóc Bom Bo vẫn ở lại khu căn cứ Nửa Lon và được phong tặng anh hùng (năm 1976). Đến năm 1989, đồng bào S’Tiêng di cư từ xã Đắk Nhau trở về lại chốn cũ lập lại sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, H.Bù Đăng).
Cạnh đó là nhà của Điểu Thị Bách (45 tuổi) vẫn còn giữ lại hai cái cối giã gạo nuôi quân ngày nào. Bà Bách cho biết: “Năm 1976, gia đình đến đây sinh sống có mang theo hai cái cối giã gạo theo cùng và giữ lại làm kỷ niệm cho đến tận ngày hôm nay”.
Đêm đến, tại khu nhà dài, một kiến trúc nhà sinh hoạt tập thể nhân các dịp lễ hội của đồng bào S’tiêng, chúng tôi được dịp chứng kiến những người dân sóc Bom Bo múa hát, tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân bên ánh lửa bập bùng của ngày nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.