Có lẽ vì khổ quá nên chỉ sướng một chút là nhớ lâu; khi sướng rồi thì sướng thêm chút nữa cũng không mấy ấn tượng. Nhiều chuyện giờ kể ra người trẻ thấy tức cười, nhưng nó đã thành ký ức của nhiều thế hệ, biết khổ nên thấy... sướng.
Chiếc máy giặt huyền thoại
Hai năm sau ngày tách Bình Trị Thiên làm ba, đứa đầu 3 tuổi, nhà tôi sinh đứa con thứ hai ở Đồng Hới, bấy giờ còn là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình. Ông hàng xóm là cán bộ có cỡ, nói với vợ ổng: “Nhà nó đẻ dày thế lấy c. mà ăn”. Cũng không có ý chi, chỉ cảm thông với thời cơ cực đó mà sinh con gần nhau quá thì cực thôi. Nhưng câu nói của ổng làm tôi ám ảnh mãi.
Ám ảnh hơn là mỗi sáng, vợ tôi thức dậy rất sớm, mang chậu áo quần, tã, khăn của con ra sân. Cô ấy ngồi trên khúc gỗ mà cái chậu còn cao hơn. Tôi vươn vai, lắc mình mấy cái, xong thì uể oải kéo cái vòi, xịt nước xả qua từng thứ đồ con nít (thời đó chưa có đồ dùng một lần). Xả xong, chồng lấy cục xà bông 72% chà, chà xong lấy bót đánh, đánh xong vợ vò... Nghe con e e cái thì vợ lau vội tay chạy vô nhà...
Đi làm về không gì nản hơn thấy chậu áo quần cao ngất. Đúng là ám ảnh.
Hồi đó “mô hình” nhà khá giả là một xe đạp, một xe máy. Còn thì hầu hết đều hai chiếc xe đạp.
Cuối năm, có một giải thưởng kha khá tiền, tôi rỉ rả: “Mình ráng thêm tí nợ nần, mua thêm chiếc xe máy đi em”. Vợ tôi hoan hỉ lắm. Hai vợ chồng cầm tiền tung tăng ra phố.
Ngang qua cửa hàng điện lạnh Tế Tuyền ở đường Mẹ Suốt, không hiểu sao lại ghé vào. Nhìn thấy cái máy gì vuông vuông cao cao như cái tủ lạnh nhưng không phải tủ lạnh, bèn hỏi anh Tế, chủ cửa hàng, ảnh bảo đó là cái máy giặt. Hỏi giặt sao? Ảnh nói chỉ cần bỏ áo quần, xà phòng gói vào rồi bấm nút này, nút này... thế là nó tự giặt, vắt khô, khi máy tắt thì lấy áo quần ra phơi. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại: “Làm gì có chuyện thần thánh vậy ông?”. Ổng phải mất công giải thích một hồi. Xong kêu, cả Đồng Hới mới có ông Chi có một cái máy cũ, hàng bãi của Nhật, nếu anh chị mua thì là người thứ hai mà là người đầu tiên dùng máy mới đó.
Hai vợ chồng sướng râm ran, nhìn nhau xong thì cùng gật. Anh Tế cho người chở vào, lắp. Tôi vơ hết áo quần mới giặt hồi sáng cho vô, bấm nút.
Không chỉ hai vợ chồng mà cả anh thợ cũng... hồi hộp, ngồi cạnh chiếc máy giặt. Theo dõi nó xả nước ra, bơm nước vào... Cuối cùng anh thợ cũng nói: “Xong rồi đó anh!”.
Tôi giở nắp, lấy áo quần đưa cho vợ ôm, xong ra phơi. Trời đất quỷ thần ơi, trên đời lại có chuyện thần kỳ như thế này sao?
|
Tôi ôm nhà tôi: “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”. Hai đứa nhảy tưng tưng như con nít.
Vừa lúc mạ tôi ở quê về chơi. Hỏi: “Tụi bây chi mà lạ rứa bây?”. Tôi kéo mạ ra. “Mạ, mạ coi, đây là máy phép thuật”. Nói xong thì vơ hết đồ trên dây phơi cho vào máy. Đoạn nói: “Mạ coi nghe, con bấm đây một bấm, bấm đây cái nữa, xong”.
Ba mạ con ngồi chờ. Đến đoạn lấy áo quần ra phơi, mạ tôi trầm trồ: “Tài hè, tài hè!”.
Cái máy giặt hồi đó bằng một chiếc xe Dream.
Mấy ngày sau, vợ chồng tôi vẫn còn hào hứng vì chiếc máy thần thánh thì anh họ tôi, một nhà văn nổi tiếng đến chơi. Tôi kéo anh ra khoe, xong cũng bỏ áo quần vô “biểu diễn”. Chả hiểu sao ông anh lại cứ trầm ngâm. Tôi hỏi: “Anh không thấy thú vị sao?”. Ảnh bảo:”Chú thật sai lầm. Phụ nữ là phải để làm việc luôn tay luôn chân, đừng để rảnh rang, rảnh nó lại kiếm chuyện với chồng!”.
Tôi nghe giận lắm, nhưng nhà tôi còn giận hơn. Chỉ vì chuyện đó mà sau này, anh họ tôi viết cái gì hay mấy vợ tôi cũng không đọc. Thế mới biết cái nư của phụ nữ.
Riêng nhà tôi thấy anh họ tôi sai. Từ khi có máy giặt, đỡ bao nhiêu thời gian, vợ tôi trở nên vui vẻ, tôi cũng hết ám ảnh nên vui vẻ hơn. Mệt nhọc, bận bịu mới sinh ra cáu bẳn.
Tôi nghĩ, trong các phát minh vĩ đại của nhân loại thì phát minh ra máy giặt là phát minh vĩ đại nhất, chứ không phải là đưa người lên mặt trăng. Đó là theo cách nghĩ thực tế của tôi.
Mắc màn cho... xe máy
Đó là chiếc xe máy đầu tiên của gia đình. Chiếc Cub 78.
Một hôm, anh Phạm Hồng Tuyến, một người thân quen ghé nhà. Anh kêu tôi ra nói nhỏ: “Mua chiếc xe máy mà đi lại chứ đạp chiếc xe đạp mất thời gian, không làm được gì đâu. Giờ tụi bây có mấy rồi?”. Tôi la làng: “Anh ơi, một cắc cũng không có!”. Anh Tuyến nghe xong cứ thế kéo tuột tôi đi.
“Chiếc này 3 cây, tao cho mượn 2 cây, thằng này (chỉ anh chủ cửa hàng) cho nợ một cây. Hai vợ chồng cố làm mà trả”.
Tôi dắt xe về, nhờ Quân râu và Nghĩa đen, nhân viên nhà in, súc thay dầu, tra mỡ vô xích, chùi bugi... (hai đứa nhà nó có xe nên biết). Xong nó kêu, anh đưa tiền mua xăng. Ôi trời, tiền không có. Nó lấy chai hứng xăng ở xe nó cho vào. Đạp cái nổ liền.
Hai đứa cười hì hì, bảo: “Tối anh mắc màn cho xe nha, không lỡ con muỗi bay đụng cần khởi động nó nổ máy đó!” (ý muốn nói là xe rất nhạy).
Hồi đó nhà tôi ở cái phòng nho nhỏ, 12 m2 ngăn đôi bằng một tấm phên. Phía trước là gia đình anh lái xe cơ quan, sau là nhà tôi.
Nhà nhỏ lại có con nhỏ, nhưng mà sướng nên ngu hết cả người. Đêm lại nổ máy xe, bật đèn rồi hai vợ chồng cứ thế ngồi nhìn cho đến lúc... hết xăng mới chịu đi ngủ.
Hồi đó mua chiếc xe máy mà nổi tiếng đến mức ba tôi ở quê cũng nghe đồn.
Một hôm, ông nhảy xe đò từ Lệ Thủy về Đồng Hới, ngồi uống trà mãi mới kêu hai vợ chồng đến rồi nghiêm giọng: “Ba hỏi, các con phải nói thật, với mức lương hai đứa bây giờ, lấy tiền đâu các con mua Honda?”.
Hai vợ chồng phải lý giải, gọi điện nhờ anh Tuyến đến chứng minh, lâu sau mặt ba mới giãn ra: “Vậy được rồi, nợ nần thì lo làm mà trả, nhưng nhất định không được tham nhũng và phải chăm con cho đàng hoàng”.
Cày cuốc 3 năm sau mới trả hết nợ. Tết năm hết nợ, tôi bảo vợ: “Em ra chợ mua cho anh một bộ đồ mới”. Nhà tôi ớ người ra một lúc nhưng kiềm chế được. Cô ấy vừa quày quả đi vừa gạt nước mắt.
Tôi cũng nghèn nghẹn, thì hóa ra, qua ba cái tết rồi vợ tôi cũng chưa may thêm bộ quần áo nào, cứ lúi húi mang quần áo ra cắt cắt sửa sửa.
*
Giờ có thể thay một cái máy giặt đời mới, mua một chiếc xe máy mới, nó nhẹ nhàng không khác mấy so với mua một mớ rau, mớ cá, không thể có được cảm giác như ngày xưa.
Nên chi mới nói, đó là ký ức thần tiên.
Bình luận (0)