Ký ức thời bao cấp - Kỳ 4: Hát đám cưới 'chui'

21/05/2015 07:00 GMT+7

Năm 2000, nhạc sĩ Mai Lâm (cậu ruột nhạc sĩ Anh Quân) đang định cư ở Đức về VN thu âm đĩa nhạc Hà Nội mùa thu sớm. Năm 2002, ông lại về thu tiếp đĩa có tên là Từ xa Hà Nội. Cảm xúc khiến Mai Lâm sáng tác vì nỗi buồn xa Hà Nội, xa VN, phải lưu lạc nơi xứ người.

Năm 2000, nhạc sĩ Mai Lâm (cậu ruột nhạc sĩ Anh Quân) đang định cư ở Đức về VN thu âm đĩa nhạc Hà Nội mùa thu sớm. Năm 2002, ông lại về thu tiếp đĩa có tên là Từ xa Hà Nội. Cảm xúc khiến Mai Lâm sáng tác vì nỗi buồn xa Hà Nội, xa VN, phải lưu lạc nơi xứ người.

>> Ký ức thời bao cấp - Kỳ 3: Yêu kiểu cưa đường

Đám cưới thời bao cấp - Ảnh: T.L
Đám cưới thời bao cấp - Ảnh: T.L
Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Nhà xuất bản Văn học in cho ông 2 tập tản văn Từ xa Hà Nội 1 và Từ xa Hà Nội 2, phần lớn trong 2 tập tản văn là những kỷ niệm thời bao cấp với giọng điệu hài hước và hóm hỉnh.
Đám cưới đãi nước chè với kẹo, bánh
Thời bao cấp, Mai Lâm học ở Nhạc viện Hà Nội, từ hệ sơ cấp lên đến trung cấp rồi đại học. Ngày Mỹ ném bom Hà Nội, Mai Lâm theo nhạc viện sơ tán lên Bắc Giang. Sinh viên thời đó nói chung thiếu thốn, ngoài ăn uống thì lấy đâu tiền để uống nước chè vặt, còn hút thuốc lá ở quán “bà bóp” nơi cổng trường là trăn trở. Xin gia đình thì không dám vì cha mẹ đã nuôi ăn nên chỉ còn cách làm thêm, mà với sinh viên nhạc viện thì đánh nhạc là khả dĩ nhất. Được ăn cỗ, lại có thuốc lá hút và còn được liếc các cô phù dâu xinh tươi.
Thập niên 1960, nửa đầu thập niên 1970, đám cưới ở Hà Nội cũng giống như nhiều vùng miền khác trên miền Bắc, phải cưới theo lối “đời sống mới”, tức là chỉ có bánh kẹo, nước chè. Ở quê là kẹo vừng, kẹo bột, Hà Nội thì khác hơn có kẹo mềm, kẹo cứng bọc giấy của Nhà máy bánh kẹo Hải Châu, có bánh vừng vòng hay bánh quy. Ở quê, khách đến dự mừng đôi vỏ gối thêu đôi chim bồ câu mớm mỏ nhau, thêm hai chữ hạnh phúc, sau đó mọi người ăn kẹo uống nước chè và liên hoan văn nghệ kiểu cây nhà lá vườn.
Có khi ngâm Bài ca xuân 71 của Tố Hữu hay bài Quê hương của Giang Nam. Nhưng Hà Nội có khác, bạn bè mừng cái xoong quấy bột, vài cái tã lót, cái khăn mặt bông, cái chậu thau hay cái nồi nhỏ bọc trong giấy đỏ. Vì nhà cửa chật nên nhiều gia đình phải thuê phòng cưới và số phòng cưới cũng đếm trên đầu ngón tay, có: Trăm Hoa ở dốc phố Bà Triệu, Thủ Đô ở phố Phùng Hưng, Hòa Bình ở Trần Hưng Đạo... Có đám cưới thêm tí nhạc sống xập xình cho tăng... không khí. Song, điều khá lạ là dù chỉ làm vài mâm, họ hàng mỗi nhà cử một đại diện ăn cỗ nhưng bao giờ cũng dành một mâm cho ban nhạc. Ăn cỗ xong ban nhạc mới kéo nhau ra phòng cưới ngồi chờ chú rể đưa cô dâu về là đánh trống, thổi kèn.
Vật vã chuyện kiếm và chuyển nhạc cụ
Hà Nội khi đó cũng không nhiều ban nhạc, nhưng nổi danh nhất trong làng đánh đám cưới là ban của Hào “trống” ở Cửa Nam và ban nhạc của anh Trường. Nhóm của Mai Lâm chen vào được vì phá giá thị trường. Ban nhạc ngày đó chưa có guitar bass, chỉ một cây guitar solo, dàn trống, một cây contrebasse, accordeon và kèn clarinet, nghĩa là càng ít thì số tiền chia nhau nhiều hơn. Tuy nhiên ban nhạc sinh viên đâu phải ai cũng có nhạc cụ riêng. Sinh viên học nhạc cụ gì thì trường giao cho giữ đàn đó để tập nhưng có trách nhiệm bảo quản, hư hỏng không có lý do chính đáng phải đền.
Để có nhạc cụ chơi đám cưới, tối hôm trước, Mai Lâm cùng các thành viên lén lút chuyển nhạc cụ qua hàng rào rồi tập kết ở nhà ai đó. Muốn tiết kiệm tiền chuyên chở, cây contrebasse to đùng được một người đạp xe chở người ngồi sau chật vật ôm cây đàn. Hồi đó ca sĩ chuyên nghiệp không đi hát đám cưới, chỉ có ca sĩ nghiệp dư hát và đình đám là Long “tầu”, học violon nhưng hát khá hay và chỉ có bài tủ là Delilah mà khi đó gọi là Khóc em dưới mồ. Nhóm của Mai Lâm thì không có ca sĩ nhưng do được đào tạo bài bản nên chơi rất hay. Và khi chú rể dẫn cô dâu vào phòng cưới, nhóm tấu bản Tuýp Sông Hồng. Bản này là dân ca Mỹ được dân Hà Nội đặt lời Việt: “Ngồi trên chiếc F4H bay ra Bắc Việt, bị dân quân phòng không bắn trên sông Hồng, chiếc xe trâu đưa tôi về Hà Nội VN”.
Có lần đang đánh nhạc ở phòng cưới Trăm Hoa thì thầy giáo dạy clarinet vào bắt quả tang, Mai Lâm và anh em trốn dưới gầm bàn. Thời đó nhạc viện cấm sinh viên không được đi đánh nhạc và hát vì nguyên tắc đào tạo là chưa thành nghề đã biểu diễn sẽ hỏng nghề. May thầy thương, không báo ban giám hiệu nên không ai bị kỷ luật. Nhưng vẫn thèm ăn cỗ, thèm thuốc lá, thèm vài đồng cát sê nên cả nhóm vẫn lén lút đi đánh cho đến khi tốt nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.