Ký ức về đại tướng Lê Đức Anh lần đầu công bố: Dự định táo bạo

Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh từng có một dự định táo bạo khi Bác Hồ kiên quyết muốn thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

LTS: Ký ức của đại tướng Lê Đức Anh, những nội dung lần đầu tiên được công bố này do bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ghi theo lời kể của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh vào ngày 18.12.2010. Tựa đề bài báo do Thanh Niên đặt.
Hiệp định Genève ký kết, khi có lệnh tập kết ra Bắc 2 năm, ở Nam bộ nhiều người không muốn ra miền Bắc.

"Bí mật chọn những vũ khí tốt nhất và bí mật cất giấu để lại miền Nam"

Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh kể: Ai cũng nói nếu đi ra rồi về liền thì đi, nhưng ở lại 2 năm thì không muốn, anh em muốn ở lại quê hương chiến đấu để giải phóng, không ai muốn ra Bắc. Tâm tư nguyện vọng của mọi người ở miền Nam lúc đó không biết ai đã phản ánh với Bác Hồ.
Bác Hồ nhắn nhủ trong lời kêu gọi sau ngày ký Hiệp định Genève: Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng, Chính phủ và tôi luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ tháng lợi.
Nhận được những lời gan ruột của Bác Hồ, thì tất cả mọi người đều thực hiện theo lời Bác, nhưng lúc đó chúng tôi còn bí mật chọn những vũ khí tốt nhất và bí mật cất giấu để lại miền Nam.

“Phạm vi công việc đã cho tôi cơ hội nhiều lần được sang báo cáo tình hình với Bác Hồ”

Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh kể tiếp: Ra Bắc, từ 1955 đến 1963, tôi làm Cục phó Cục tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Phạm vi công việc đã cho tôi cơ hội nhiều lần được sang báo cáo tình hình với Bác Hồ.
Khi gặp, Bác chủ động đưa ra nhiều câu hỏi: Tình hình địch như thế nào, nó hoạt động ra sao? Tình hình ở miền Nam như thế nào? Bác hỏi việc tác chiến quân đội như thế nào? Việc tổ chức quân đội thường trực, quân đội sản xuất như thế nào? Sản xuất ở đâu? Người ở địa phương nào?...
Bác Hồ dặn: sản xuất ra của cải là đúng, là tốt rồi, nhưng phải chú trọng việc huấn luyện quân sự. Thời gian làm Cục trưởng Cục Quân lực, tôi cũng có 2 lần sang nhà sàn báo cáo công việc với Bác.

“Theo quy định lúc đó, các buổi làm việc với Bác, đều không chụp hình”

Từ tháng 8.1963, với nhiệm vụ là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều lần tôi được lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu phân công tôi sang báo cáo với Bác. Tôi nhớ một lần tôi sang báo cáo với Bác công việc do đồng chí Trần Văn Quang phụ trách, nhưng đồng chí Quang đi vắng, tôi phải đi thay. Buổi sáng hôm ấy, tôi vào làm việc khoảng 30 phút, nội dung báo cáo với Bác chừng 20 phút.
Có lần, đồng chí Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ tôi qua nhà sàn gặp Bác. Sau khi nghe báo cáo, Bác dặn tôi khi về cần báo cáo nội dung làm việc của hai bác cháu với đồng chí Văn Tiến Dũng.
Khi đó, từ cơ quan sang gặp Bác, tôi vẫn thường mặc quân phục theo quy định và đi xe đạp. Mỗi lần vào làm việc với Bác thì đồng chí Vũ Kỳ ra cổng để đón. Nhiều buổi làm việc chỉ có hai Bác cháu. Có một lần anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) cùng dự. Theo quy định lúc đó, các buổi làm việc với Bác, đều không chụp hình.

“Lần này thì Bác nói rõ là muốn thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam”

Tháng 2.1964, tôi đảm trách nhiệm vụ Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam được vào chiến trường trực tiếp tham gia chiến đấu. Tôi nhớ năm 1968, sau chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu thân, tôi ra Bắc được gặp và báo cáo với Bác tình hình chiến sự ở miền Nam tới hai lần.
Lần thứ nhất là ngày 26.10.1968, tôi lúc đó là Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, nên Bác hỏi kỹ lắm. Bác hỏi về các thành phố: Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ…; quanh thành phố và trong thành phố nhân dân sống ra sao? Bọn địch nó o ép dân trong thành phố như thế nào? Ta ở ngoài vùng giải phóng và đi lại trong vùng giải phóng như thế nào?
Trước đó, Bác đã nhiều buổi làm việc với các anh Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, nghe các anh báo cáo tình hình miền Nam. Nhưng hôm đó, khi nghe tôi báo cáo xong, Bác dặn tha thiết là cho Bác vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Lần này thì Bác nói rõ là muốn thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Tôi không biết trả lời thế nào. Rồi Bác bảo tôi ở lại ăn cơm với Bác. Bữa đó chỉ có hai bác cháu, nhà bếp cho ăn thịt gà luộc, thịt heo kho, canh rau.
Tôi thấy Bác lấy hai chén cơm bỏ vào một tô, rồi Bác ăn hết. Bác nói: Chú thấy Bác vẫn ăn khỏe đấy? Tôi cảm nhận một điều là Bác như đang rất cố gắng ăn, như muốn chứng minh cho mọi người biết Bác vẫn còn khỏe và có thể đi vào đến miền Nam được.
Trong bữa ăn, Bác hỏi tiếp tình hình địch như thế nào? Tôi nhớ lúc đó Bác nói đại ý: Sau Mậu Thân, hiện tại quân Mỹ chưa rút nhưng rồi sẽ phải rút, và nếu Mỹ rút thì địch sẽ rất hoang mang. Nghe Bác nói, tôi nhớ điều Bác viết trong thư chúc Tết đồng bào chiến sĩ cả nước Xuân 1968 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo của Bác...
Sau bữa ăn, Bác nói kiên quyết chuyện đi miền Nam. Khi về, tôi báo cáo với anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, nghe xong anh Hùng nói với tôi là không được. Tôi trình bày thêm, theo tôi nếu tổ chức cho Bác đi thì vẫn được, đi máy bay của chính phủ Campuchia theo tuyến sẵn có từ Quảng Châu về sân bay ở Phnom Penh, rồi dùng xe bí mật đưa Bác về căn cứ R ở Tây Ninh, thời gian đi chỉ chừng 2 tiếng, nhưng anh Hùng nói như vậy là mạo hiểm.

“Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng, tôi được gặp Bác”

Gần một tháng sau, lần thứ hai tôi đi cùng Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh vào làm việc và ăn cơm chiều với Bác. Lần đó, nghe Bác hỏi, tôi lại phải trả lời với Bác là không đi được. Tôi nhớ khi nghe tôi nói là không đi được, Bác trầm ngâm, suy nghĩ.
Khoảng cuối tháng 4.1969, trước khi trở lại chiến trường, tôi được gặp Bác một lần nữa. Lần này ở nhà 67, Bác trông khỏe nhưng không được nhanh nhẹn như trước.
Sau khi nghe tôi báo cáo kế hoạch trở lại chiến trường miền Nam, hai bác cháu cùng ăn cơm. Cuối giờ, tôi xin phép Bác ra về. Bác nắm chặt hai tay tôi và căn dặn: cho Bác gửi lời thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng, tôi được gặp Bác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.