Trong hàng ngàn hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, khách tham quan được tiếp cận với một số kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp dấn thân làm cách mạng của cô gái "miệt vườn" Lê Thị Hồng Gấm. Đó là những kỷ vật mộc mạc, đơn sơ nhưng vô giá.
Thương sao chiếc áo bà ba...
Theo Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975), cán bộ bảo tàng đã bắt tay sưu tầm hiện vật kháng chiến qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong hàng ngàn tư liệu, hình ảnh, hiện vật sưu tầm được, có một số kỷ vật của chị Lê Thị Hồng Gấm còn lưu lại tại nhà ông Mộc Phước, cha của nữ anh hùng liệt sĩ.
Khách đến tham quan bảo tàng thường dừng lại rất lâu để ngắm chiếc áo bà ba của chị Hồng Gấm trưng bày trong tủ kiếng. Đó là chiếc áo bà ba màu trắng, như bao nhiêu chiếc áo bà ba làm nên cái duyên của các cô gái miền Tây. Nhưng, đây là chiếc áo của một nữ liệt sĩ anh hùng. Chị đã ngã xuống ngay trên đất mẹ, trong lúc làm nhiệm vụ cách mạng khi chưa đến tuổi đôi mươi. Thương sao, khi nhìn chiếc áo bà ba ấy còn nhận ra đường kim khâu vá lại, mối chỉ mạng chỗ rách gần vai và dấu ấn thời gian, chinh chiến đã làm ngả màu chiếc áo vốn trắng tinh mà chị Hồng Gấm rất thích diện nó. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Đây là chiếc áo mà chị Lê Thị Hồng Gấm rất thích mặc trong thời gian hoạt động cách mạng. Nó gắn bó cùng chị suốt nhiều năm tháng chiến đấu gian khổ. Khi chiếc áo bà ba này bị cũ, sờn rách... không thể sử dụng được, chị đã gửi về cho má chị cất giữ".
Kỷ vật của chị Hồng Gấm còn có chiếc khăn do chính tay chị thêu hình bông hồng trên nền vải trắng. Dù chiếc khăn cũng đã ngả màu, nhưng những chiếc lá, nụ hoa hồng vẫn tươi sắc. Đường kim, mũi chỉ tạo nên cánh hoa hồng rất tinh tế, chứng tỏ chị Hồng Gấm rất khéo tay. Theo thuyết minh của Bảo tàng tỉnh Tiền Giang thì chị Hồng Gấm thêu chiếc khăn tay này tặng cho người em gái Huỳnh Anh. Nhưng lúc nhận được chiếc khăn tay của chị, cô em Huỳnh Anh còn nhỏ nên má cất giữ chưa giao cho sử dụng. Khi chị Hồng Gấm hy sinh, gia đình đã giữ lại làm kỷ niệm.
Chuyện về chiếc nhẫn vàng
Ông Nguyễn Mạnh Thắng rất cảm xúc khi nói về kỷ vật là chiếc nhẫn vàng 18 k mà chị Hồng Gấm khi còn sống rất quý. Không chỉ là biểu tượng tình yêu mộc mạc, chân thành của cô gái miền Nam, mà chiếc nhẫn ấy còn giá trị vì được giữ lại sau một sự kiện đặc biệt.
Ông Thắng chia sẻ, theo tư liệu để lại thì vào ngày 18.4.1970, để chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị Hồng Gấm cùng hai nữ du kích đi mua lương thực cho đồng đội. Các chị bị địch phát hiện khi vừa ra giữa cánh đồng. Hai chiếc trực thăng UH-1A của địch sà xuống thấp định bắt sống những chiến sĩ cách mạng. Trong tình thế nguy cấp, chị Hồng Gấm yêu cầu hai nữ du kích đi cùng tìm đường tránh, còn chị ở lại chiến đấu, thu hút địch. Hai chiếc trực thăng lượn vòng uy hiếp chị. Một mình giữa vòng vây của hai chiếc trực thăng và quân địch, chị Hồng Gấm vẫn dũng cảm đương đầu. Chị dùng súng bắn rơi một chiếc, chiếc còn lại cất lên và gọi quân đổ bộ đến bao vây định bắt sống chị. Chị Hồng Gấm bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, gây nhiều thương vong cho địch. Biết không thể bắt sống được, địch nã hàng loạt đạn và chị Lê Thị Hồng Gấm đã anh dũng hy sinh. "Chúng đã cướp một số vật dụng cá nhân của chị, nhưng chiếc nhẫn này chúng không lấy được do đeo lâu ngày đã siết chặt vào ngón tay của chị. Trước khi tẩn liệm chị, đồng đội đã dùng xà bông tháo nhẫn ra gửi về gia đình chị cất giữ cho đến khi trao tặng lại cho Bảo tàng Tiền Giang", ông Mạnh bồi hồi kể.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng còn giới thiệu cuộn dây điện được nối liền nhiều khúc mà chị Hồng Gấm dùng để đánh mìn nhằm tiêu diệt địch, đang trưng bày tại bảo tàng. Lúc đó, chị là Xã đội phó xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
"Nhìn và nghe kể về những kỷ vật cũng như sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm, chúng tôi vô cùng cảm phục, biết ơn chị, nguyện ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương theo gương chị", ông Nguyễn Mạnh Thắng nói thêm. (còn tiếp)
Bình luận (0)