Những đồng đội ngày ấy
Là người bạn thân với liệt sĩ Lê Thị Thiên từ thuở thiếu thời, bà Nguyễn Thị Cánh (70 tuổi, ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, H.Cai Lậy, Tiền Giang) kể lại: “Thuở ấy, nhà tôi và nhà chị Thiên ở gần nhau. Chúng tôi đều đã học hết lớp 5, mà ở quê thời đó học hết lớp 5 là có giá lắm. Vì thế chúng tôi được phân công làm giáo viên”. Bà Cánh cho hay, sau thời gian dạy học ở xã Mỹ Phước Tây, bà cùng Lê Thị Thiên rủ nhau viết đơn tự nguyện xin đi bộ đội ở chiến trường miền Đông để làm công tác vận chuyển thương binh. Tuy nhiên, sau đó chỉ có Thiên được nhập ngũ, còn bà Cánh phải tiếp tục ở lại quê nhà làm công tác dạy học. Bà Cánh nhớ lại: “Từ khi Thiên nhập ngũ thì chúng tôi xa cách nhau. Ngày tôi nghe tin chị Thiên hy sinh, lòng tôi đau nhói. Sau đó, chính tay tôi lập danh sách đề nghị tặng huy chương cho chị Thiên và lúc đó tôi đã ghi nhầm họ của chị Lê Thị Thiên thành Nguyễn Thị Thiên”.
|
Ông Nguyễn Xuân Đàm (76 tuổi, ngụ Phú Yên), nguyên là giáo viên khóa 2, Trường Giáo dục Tháng Tám (5.1964 - 2.1965) tại T.Ư Cục miền Nam (nơi chị Thiên theo học), kể lại khi đọc cuốn nhật ký, ông nhận ra ngay là do học sinh Trường Giáo dục Tháng Tám viết. Tuy nhiên nếu nói tên tuổi thật thì ông Đàm cũng như nhiều người đi kháng chiến đều không biết vì tất cả đều gọi theo bí danh. Chẳng hạn như ông Đàm lúc ở trường cũng được gọi là Nguyễn Thanh Sơn.
|
Ông nói: “Tôi nhận ra cuốn nhật ký do học sinh trường mình viết là vì từng công việc được nói trong cuốn nhật ký đều trùng khớp với kế hoạch học tập của nhà trường đưa ra lúc bấy giờ”. Điều đặc biệt, trong cuốn nhật ký có ghi: “Đây là nơi rèn luyện để trở thành con người mới, con người toàn diện, một giáo viên phát triển toàn diện. M. (mình - PV) cần cố gắng nhiều, nỗ lực học tập khắc phục những thiếu sót để tiến bộ. Học tập đạo đức người cách mạng, người cộng sản. HT 1217 B/b25”. Theo ông Đàm, nếu là người trong cuộc sẽ rất dễ nhận ra chị Thiên muốn nói điều gì qua dòng nhật ký này. Ông Đàm cho biết, thời kháng chiến tất cả đều bí mật, nhất là tên gọi, địa chỉ. Vì vậy, Trường Giáo dục Tháng Tám lúc đó có địa chỉ hòm thư 1217 B/b25. “Ý của chị Thiên, Trường Giáo dục Tháng Tám là nơi rèn luyện thành con người mới” - ông Đàm nói.
Cuộc chiến đấu bằng sự lãng mạn
Nói về cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, đại tá - nhà văn Chu Lai dẫn giải: “Truyền thống của người Việt Nam là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Có lẽ, sự xuất hiện hình ảnh của chị Lê Thị Thiên nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung đã làm chiến tranh mềm đi và sự chết chóc nhẹ hơn”.
Với nhà văn Chu Lai, nhật ký của liệt sĩ không phải là những con chữ, những văn bản ngôn ngữ mà được xuất phát từ trái tim, sự lãng mạn của trái tim. Cuộc chiến đấu bằng sự lãng mạn từ trong tâm hồn thì cuộc chiến đấu đó bao giờ cũng thắng. Và nhà văn Chu Lai đúc kết: “Hình ảnh chị Lê Thị Thiên là biểu tượng của lòng yêu nước”.
Từng tham gia chiến đấu trên vùng đất Bình Dương, nhà văn Chu Lai mô tả hình ảnh những cô du kích như chị Thiên trên vùng chiến tranh khốc liệt dọc sông Sài Gòn như những cây lau, cây sậy. “Khi mưa sa bão táp thì cây lau, cây sậy dạt xuống, nhưng khi nắng lên thì vươn mình đứng dậy, hiên ngang giữa cuộc đời” - nhà văn Chu Lai ví von. Sau đó, ông cắt nghĩa về lý tưởng sống đẹp và lòng yêu nước của thế hệ thanh niên xưa và nay. Ông nói: “Lòng yêu nước không của riêng ai. Thế hệ cha anh ngày xưa triển khai lòng yêu nước bằng cách vào trận. Còn thế hệ hôm nay triển khai lòng yêu nước bằng cách làm giàu cho bản thân và làm giàu cho cộng đồng. Nhưng các thế hệ đều có chung nhau một hạt kim cương trong lồng ngực, đó là lòng tự trọng”.
Trích đoạn trong nhật ký Ngày 30.11.1964: Học tập xong phần giáo dục và bắt đầu kiểm tra. Trong thời gian qua M. có nhiều nỗ lực trong học tập, trong công tác, có nhiều ưu điểm trong tất cả các mặt sinh hoạt. Nhưng bên cạnh đó, còn có những khiếm khuyết, bản thân cần khắc phục tiến lên, nhất là phần lý luận. Cần phải đấu tranh tư tưởng vươn lên hơn nữa theo hướng học tập mà M. đã xác định. Tập trung cao độ, khắc phục những thiếu sót, gạt bỏ tư tưởng không hay, chủ nghĩa cá nhân. Hãy vì tập thể, cùng tương trợ nhau trong học tập và công tác. Thi hành tốt trách nhiệm, bồi dưỡng giúp đỡ đồng chí tiến bộ qua sự phân công của tổ Đoàn. Luôn nhớ đạo đức người cộng sản “Vì mọi người, vô tư mà học tập, công tác”. Rèn luyện bản thân về kiến thức văn hóa, đạo đức cách mạng. |
Thể hiện sự khát khao được cống hiến Ông Mai Thế Trung, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tâm sự: “Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có biết bao tấm gương anh hùng liệt sĩ đã không ngại hy sinh, gian khổ vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chị Lê Thị Thiên, tác giả quyển Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, là một trong những người như thế. Những năm tháng ấy, tuổi trẻ luôn khát khao được cống hiến cho quê hương đất nước mà không suy tính thiệt hơn. Họ chấp nhận hy sinh tất cả, vì họ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, vì sự tồn vong của dân tộc, của Tổ quốc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hơn ai hết, thế hệ trẻ phải sống có lý tưởng cách mạng, có ước mơ, có hoài bão chân chính để góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước đã dày công vun đắp”. |
Đỗ Trường
Bình luận (0)