KẾT NỐI BIỂN - RỪNG
Tháng 6.2022, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Theo nghị quyết này, việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây nguyên với duyên hải Nam Trung bộ; kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ…
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km. Điểm đầu dự án tại cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa), điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh tránh đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Bộ GTVT dự kiến đầu tư theo quy mô phân kỳ gần 22.000 tỉ đồng; chia thành 3 dự án thành phần 1 (32 km), 2 (37,5 km) và 3 (48,5 km), lần lượt do UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản thực hiện.
Ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk, cho rằng xây dựng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là chủ trương hết sức đúng đắn của Nhà nước, tạo diện mạo mới cho Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây nguyên, nơi hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém. "Tuyến đường sẽ góp phần quan trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh miền núi Đắk Lắk và tạo hiệu ứng lan tỏa cho khu vực Tây nguyên cũng như Nam Trung bộ", ông Du nhìn nhận.
CÀ PHÊ XUẤT KHẨU SẼ GẦN CẢNG BIỂN
Được mệnh danh "thủ phủ cà phê" của cả nước, Đắk Lắk có diện tích cà phê hơn 210.000 ha, sản lượng hằng năm gần 510.000 tấn/năm, xuất khẩu trên 200.000 tấn. Lâu nay, toàn bộ khối lượng cà phê xuất khẩu khá lớn trên chỉ được vận chuyển bằng đường bộ gần 400 km từ Đắk Lắk về cảng ở TP.HCM để đi ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, không chỉ cà phê mà còn có nhiều nông sản xuất khẩu của các doanh nghiệp, địa phương, nhiều thời điểm tập kết khối lượng lớn gây ùn ứ ở cảng TP.HCM. Chính vì vậy, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột triển khai sẽ giúp vận chuyển cà phê của Đắk Lắk giảm lệ thuộc vào tuyến đường về TP.HCM, các doanh nghiệp xuất khẩu có thêm lợi thế về chi phí logistics. Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2.9 Đắk Lắk, cho rằng khi tuyến cao tốc này hoàn thành, cùng với cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa) được nâng cấp thành cảng quốc tế, đường vận chuyển cà phê từ Đắk Lắk đến cảng biển xuất khẩu chỉ còn hơn 100 km. "Không chỉ có lợi về chi phí vận tải hàng hóa, tuyến cao tốc này cũng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lên Đắk Lắk và Tây nguyên", ông Huy đánh giá.
Là một điểm đầu cao tốc, TP.Buôn Ma Thuột sẽ nhận thêm động lực tăng trưởng từ tuyến đường quan trọng này. Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho rằng khi cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ có hướng quy hoạch phát triển mới các khu dân cư, đô thị, cùng các khu, cụm công nghiệp, tận dụng ưu thế nâng cấp hạ tầng giao thông. "Cao tốc này sẽ đóng vai trò hỗ trợ phát triển TP.Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây nguyên theo chủ trương của T.Ư; thu hút thêm đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, tạo động lực phát triển tích cực cho thành phố", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Đức Sơn, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Đắk Lắk, cho rằng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đem lại kỳ vọng cho các nhà đầu tư vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Theo ông Sơn, thời gian gần đây, thị trường bất động sản dọc tuyến cao tốc dự kiến đi qua đã có nhiều dấu hiệu biến động, giá đất không còn "đứng yên", nhiều nhà đầu tư nhìn nhận khu vực này sẽ có nhiều cơ hội mới, hấp dẫn…
Người dân phố núi cũng tỏ ra phấn khởi trước thông tin triển khai xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Chị Lê Thảo Phương, cư dân Buôn Ma Thuột, cho biết qua tìm hiểu, tuyến cao tốc này là con đường ngắn nhất nối cao nguyên đến vùng biển du lịch Khánh Hòa. "Từ trước đến nay, đi ô tô từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang theo QL26 mất chừng 4 tiếng thì nhờ tuyến cao tốc sẽ giảm gần một nửa thời gian, giúp người dân cũng như du khách đi lại thuận tiện hơn, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của hai địa phương Đắk Lắk và Khánh Hòa. Mong sao tuyến đường này nhanh được khởi công và hoàn thành", chị Phương nói.
Khởi công dự án trước 30.6.2023
Giữa tháng 5, Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các ban quản lý dự án nhanh chóng hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật gói thầu, bảo đảm cơ sở thực hiện lập dự toán, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, đáp ứng tiến độ khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trước ngày 30.6.2023 theo Nghị quyết 89 ngày 25.7.2022 của Chính phủ. Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần, bảo đảm bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng phục vụ khởi công dự án.
Đóng góp tăng trưởng bình quân 1,5%
Trong một báo cáo liên quan, UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức, khai thác các tiềm năng phát triển của Đắk Lắk cũng như vùng Tây nguyên. Khi đưa vào vận hành, dự án tác động đến phát triển kinh tế của các địa phương và vùng tăng khoảng 0,9% - 2,1%, trung bình 1,5%. Việc xây dựng tuyến cao tốc sẽ đáp ứng việc kết nối hơn nữa kinh tế nói chung và du lịch nói riêng giữa vùng Tây nguyên với duyên hải Nam Trung bộ.
Bình luận (0)