Kỳ vọng Chính phủ mới

09/04/2021 04:51 GMT+7

Hôm qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm 14 thành viên Chính phủ.

Cùng với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, 15/28, nghĩa là hơn một nửa thành viên Chính phủ được thay mới vào thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa sẽ hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nếu tiền lệ của khóa trước được lặp lại, đây cũng sẽ là Chính phủ của nhiệm kỳ tiếp theo (2021 - 2026).

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu nhậm chức

Chính phủ mới do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu thừa hưởng nhiều di sản từ người tiền nhiệm. Kinh tế vĩ mô ổn định, cải cách thể chế, hội nhập quốc tế được thúc đẩy với nhiều kết quả. Vào năm 2020, Việt Nam vượt Singapore, Malaysia, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 37 thế giới.
Thế nhưng, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đối diện với không ít thách thức.
Trong 35 năm qua, Việt Nam đã đi được nhiều bước, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dù quy mô nền kinh tế của Việt Nam vượt qua Singapore, song thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ bằng khoảng 1/16 quốc gia này. Để đạt tới trình độ phát triển của Singapore vẫn là một khoảng cách cần nhiều nỗ lực đối với Việt Nam.
Cải cách thể chế và nguồn nhân lực - 2 trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội XIII xác định, cũng là 2 thách thức lớn nhất đang tạo thành “điểm nghẽn” khiến chúng ta không có được những bước tiến thật dài.
Đại hội XIII đã xác định, cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư.
“Thể chế, thể chế và thể chế” là câu nói được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc tới; song để thực hiện đột phá chiến lược nêu trên, không phải là việc dễ. Huy động nguồn lực đất đai là nguồn lực luôn nằm ở vị trí số 1, song cũng đang là thách thức lớn nhất. Những quy định chưa phù hợp thực tế của luật Đất đai, được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai thời gian qua; song việc sửa luật Đất đai cho tới nay vẫn chưa biết khi nào sẽ được đưa lên bàn nghị sự.
Để tạo ra đột phá về thể chế, nhiều chuyên gia đều có chung một nhận định, rằng, “then chốt” nằm ở chính những con người tài năng trong bộ máy. Thế nhưng chính nguồn nhân lực, từ lâu, cũng đã được nhận diện là một thách thức đối với chúng ta.
Chính vì vậy, kỳ vọng đối với Chính phủ mới trong việc giải quyết những thách thức nói trên, hẳn nhiên là rất lớn.
Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng tiền nhiệm đã khơi dậy ý chí sáng tạo, khát vọng vươn lên. Do đó, nhiệm vụ của Chính phủ mới mà ông Chính là người dẫn đầu sẽ là tạo ra bệ phóng để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng đã đề ra. Khát vọng đó, đúng như ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng tiền nhiệm, đã nói: “không phải món quà có sẵn”.

Quốc hội bầu 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của chính phủ mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.