Tuần qua là một tuần bận rộn ở Quốc hội với hàng loạt công tác nhân sự đã hoàn thành, và kết thúc là việc phê chuẩn các thành viên Chính phủ vào hôm qua.
Sự thực thì, dù còn nhiều hạn chế nhưng nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ phải xoay xở trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phải chèo chống trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Ghi nhận đáng kể là trong nhiệm kỳ qua cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông. Nhưng những tồn tại đặt lên vai Chính phủ mới cũng không ít. Nợ công, sự mất cân đối giữa tỷ trọng đầu tư phát triển và chi thường xuyên, giáo dục loay hoay, an toàn vệ sinh thực phẩm bế tắc, tham nhũng, lãng phí gia tăng… đang là những thách thức lớn. Nhưng trên tất cả, có lẽ là câu chuyện về niềm tin của người dân đang dần bị mai một. Nguyên nhân là do lời nói không đi đôi với việc làm của các cấp chính quyền và công chức nhà nước; kỷ luật hành chính trong bộ máy nhà nước không nghiêm. Nói chống tham nhũng nhưng tham nhũng gia tăng, nói chống mãi lộ nhưng mãi lộ không giảm, nói tinh giản biên chế mà bộ máy ngày càng phình to, trên nói thông mà dưới không thoáng... khiến người dân mất lòng tin, tâm trạng xã hội không thuận lợi.
Xác lập niềm tin của nhân dân vào hiệu lực của bộ máy công quyền là điều kiện tiên quyết cho việc người dân yên tâm đầu tư, làm ăn tạo ra của cải vật chất; trật tự xã hội được bảo đảm. Người dân mong đợi những thành viên Chính phủ mới “đã làm là làm thực sự”, hiểu biết, có tâm huyết, mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình, chứ không căn ke giữ ghế.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ mới tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải cách hành chính; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Đây là những trụ cột cơ bản của bất kỳ chính phủ nào. Nhưng với tình hình thực tế của nhiệm kỳ này, rất nhiều đại biểu QH và người dân kỳ vọng Chính phủ nên đặt chống tham nhũng làm trọng tâm và làm bằng được. Bởi lẽ, dù kinh tế phát triển, mà tham nhũng, lãng phí hoành hành thì thành quả ấy cũng sẽ bị một số người chiếm đoạt hoặc mất đi do lãng phí. Đó là chưa nói, tham nhũng, lãng phí gây bất ổn lòng dân, nhức nhối xã hội, vô hình trung kiềm chế sự phát triển nói chung. Chống tham nhũng tốt sẽ giúp cho hiệu năng của quản lý nhà nước tự nhiên được cải thiện.
Đương nhiên, để chống tham nhũng, chỉ có nghị quyết không thôi là chưa đủ, cái quan trọng nhất vẫn là quyết tâm chính trị của người đứng đầu. Người đứng đầu có thực sự muốn và đủ năng lực chống tham nhũng, lãng phí hay không. Chính là quay trở lại câu chuyện đã nói ở trên: Nói phải đi đôi với làm.
Bình luận (0)