Kỳ vọng gì ở đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020?

20/07/2021 08:26 GMT+7

Đoàn thể thao Việt Nam đã có mặt tại Tokyo để chuẩn bị tranh tài 11 môn thi của mình tại Olympic trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Có thể nói chưa bao giờ mà các đoàn thể thao đến Nhật Bản lại phải thi đấu trong tâm trạng nơm nớp lo âu như thế này, nhưng như lời kêu gọi của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và nước chủ nhà là sau 1 năm trì hoãn rồi, mọi người giờ đây phải đoàn kết, phải chung sức chung lòng để các cuộc tranh tài như một thông điệp hùng hồn về sức khỏe mang lại sự an toàn và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Olympic lần này với 18 VĐV Việt Nam liệu có hy vọng gì khi số lượng ít hơn kỳ Rio 4 năm trước (23 người) nhưng số môn thi lại nhiều hơn, đặc biệt có 3 môn mới so với 5 năm trước là boxing, taekwondo và bắn cung? Chưa ai có thể trả lời được một cách chính xác dù ước mơ và hy vọng thì tràn đầy. Nhưng có một thực tế ai cũng biết rằng giành huy chương Olympic là vô cùng khó khăn vì đây là đấu trường thế giới nơi mà thành tích của nhiều VĐV Việt Nam vẫn còn một khoảng cách. Do vậy chỉ cần nỗ lực chiến thắng chính mình, thành tích vượt hơn thi đấu ở nhà cũng đã là thành công rồi.
Nói đến nỗ lực thì nghiệm lại từ Olympic 2000 nơi mà Việt Nam lần đầu có HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân đến Rio 2016 khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV bắn súng, có thể thấy chỉ có vài môn thi của Việt Nam đủ sức cạnh tranh huy chương Olympic, đó là bắn súng, cử tạ và phần nào đó các môn võ, còn các môn thi đo đếm thành tích từng phút, từng giây như điền kinh, bơi lội… chỉ cần những Ánh Viên, Huy Hoàng hay Quách Thị Lan đứng vững len vào top 8 cũng đã là một kết quả đáng quý rồi. Nhưng để nỗ lực của VĐV các môn bắn súng, cử tạ hay võ tiến đến huy chương thì ngoài phong độ, yếu tố tâm lý và bản lĩnh thi đấu rất quan trọng.

Tiến Minh tập luyện cùng HLV trước sảnh làng Olympic

Thu Sâm

Tại Rio 5 năm trước Hoàng Xuân Vinh đã làm nên điều kỳ diệu đi vào lịch sử thể thao nước nhà chính vì đã thể hiện cực tốt yếu tố này. Nhưng ngược lại cũng có VĐV được kỳ vọng rất cao ở môn cử tạ thì giờ chót lại đánh mất chính mình cũng chỉ vì tâm lý mất đi sự tự tin. Cái khoảnh khắc giữa chiến thắng và thất bại khi đó rất gần nhau. Một chút cố gắng, một chút tâp trung tinh thần thì sẽ khác, nhưng chỉ cần “lo ra” thôi thì cũng làm cho biết bao ngày tập luyện phải nhận một kết cục đắng nghét!

CEO Olympic Tokyo tuyên bố không tuyệt đối miễn nhiễm sau ca mắc Covid-19 ở làng VĐV

Nói vậy để thấy ở đấu trường lớn như Olympic, các VĐV phải thật vững vàng, phải hết sức ổn định về tinh thần lẫn tâm lý. Nếu thua vì trình độ chuyên môn thì chịu, nhưng không vượt qua chính mình thì phải hết sức nên tránh. Hy vọng các cuộc tranh tài sắp tới, tin vui về đoàn Việt Nam sẽ nở rộ như Rio hoặc ít nhất cũng có huy chương liên tiếp như các kỳ từ năm 2008 đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.