Kỳ vọng gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử

08/02/2022 06:13 GMT+7

Nghị quyết “ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ” được ban hành vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, cho thấy tinh thần không có nghỉ tết, rất quyết liệt của Chính phủ.

Song, theo các chuyên gia, điều quan trọng còn lại là các bộ, ngành và địa phương phải thần tốc triển khai; phối hợp nhịp nhàng, cắt bỏ thủ tục rườm rà; nâng cao trách nhiệm công vụ của từng cán bộ… để có thể đạt mục tiêu đặt ra.

Kiểm soát dòng vốn vay hỗ trợ, đảm bảo những dự án vay vốn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên của chương trình phục hồi như phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng...

Phạm Hùng

Doanh nghiệp sốt ruột đợi hỗ trợ lãi suất

Đó là ví von của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi nói về việc triển khai gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử mà Quốc hội đã thông qua. Có 2 vấn đề gồm tư tưởng và hành động. Tư tưởng thì đã thông suốt ở bên trên, còn bên dưới cần phải thấm nhuần. “Tư tưởng mà không thông thì vác bình tông cũng nặng”, ông Dũng nói và nhấn mạnh cần phải có sự đoàn kết, một lòng từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó phải “chạy nhanh hơn” để không lỡ nhịp với thế giới, hành động quyết liệt và phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải được đặc biệt lưu ý bởi DN luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo… Trong số các nhóm giải pháp, thuế là chính sách được ban hành sớm nhất. Kể từ ngày 1.2 đến hết ngày 31.12, thuế giá trị gia tăng (VAT) các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%. Nhưng cộng đồng DN tỏ ra khá sốt ruột với chính sách miễn giảm lãi suất chưa rõ hình hài, thời gian.

Giải đáp câu hỏi này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, thông tin gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỉ đồng mỗi năm. Các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Trong năm 2022, NHNN sẽ điều hành lãi suất theo diễn biến thị trường, cân đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gia tăng các gói vay ưu đãi hỗ trợ các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.

Về giải pháp đầu tư cho hạ tầng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn khi Chính phủ kích cầu nền kinh tế sau dịch, sẽ dồn vốn vào cao tốc Bắc - Nam là trục xương sống của cả nước, với mục tiêu phải hoàn thành vào năm 2025. Đầu tư công để hoàn thành dự án vào năm 2025, từ đó có con đường đột phá, đồng thời kích cầu trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển kinh tế”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan đến gói 350.000 tỉ đồng. Cụ thể là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Hiện có 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỉ đồng. Để đẩy mạnh thực hiện, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đề nghị các địa phương phối hợp tập trung triển khai một số giải pháp...

Thủ tướng dự lễ khánh thành hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả

Lã Nghĩa Hiếu
Công nhân được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà khi trở lại khu công nghiệp làm việc

Cần triển khai nhanh, sớm, kịp thời

Các chuyên gia đều có chung nhận định, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô lớn, phạm vi rộng, đối tượng tương đối nhiều. Do đó, việc triển khai kịp thời sẽ có tác động lan tỏa rất lớn, rất nhanh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế VN cần phải bắt nhịp với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

“Nếu quá trễ đến khi nguồn lực của DN đã suy giảm, kinh tế thế giới cũng qua đà phục hồi thì VN sẽ lỡ nhịp, gói hỗ trợ sẽ không còn tác dụng”, GS-TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH Hà Nội, phân tích. Vị này cũng cho rằng QH thông qua gói hỗ trợ chỉ là “giấy phép” và tạo nguồn lực. Việc nguồn lực đó có đi vào nền kinh tế hay không, có được phát huy đầy đủ hiệu quả hay không phụ thuộc vào quá trình triển khai. Do đó, rất cần triển khai nhanh, sớm, kịp thời, đúng và trúng. “Việc đầu tiên cần làm ngay là Chính phủ phải sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội cùng các kế hoạch, chương trình hành động để xác định rõ ai làm cái gì và trách nhiệm đến đâu”, ông Cường nói.

Cần tính tới khả năng hấp thụ được bao nhiêu

Về việc cấp bù lãi suất, giảm trực tiếp lãi suất vay cho DN có thể ví như “phao cứu sinh” của Chính phủ với DN, lúc sắp chết đuối được sống lại, đây là chủ trương rất kịp thời. Chủ trương thì đúng rồi nhưng cần tính tới khả năng hấp thụ được bao nhiêu?

Những gói hỗ trợ trước đây cho thấy chủ trương thì đúng, nhưng thủ tục hành chính lại rườm rà khiến DN rất khó tiếp cận được. Hiện các ngân hàng mới chỉ tính đến giảm lãi suất với các khoản vay mới, các hợp đồng vay cũ vẫn giữ nguyên. Trong khi đặc thù của DN sản xuất là vay đầu tư chiếm tỷ lệ lớn và thường vay lâu trước đó, vay kinh doanh thường chỉ chiếm tỷ lệ thấp, nên nếu chỉ hỗ trợ lãi suất với các khoản vay mới thì DN cũng không được hưởng lợi ích nhiều. Chính sách hỗ trợ nào cũng có lợi cho DN, chúng tôi không chê hỗ trợ ít hay nhiều, như cơm nấu rồi ăn được mới là quan trọng, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Tiên Sơn

(Mai Hà ghi)

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nghị quyết của QH mới chỉ thông qua các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất, còn lại các hướng dẫn, quy định để triển khai chương trình cần được Chính phủ triển khai hết sức chi tiết, công khai, minh bạch đồng thời công bố rõ ràng để khi đi vào triển khai không bị ách tắc. Đặc biệt nhấn mạnh việc sớm triển khai gói đầu tư phòng chống dịch bệnh tạo cơ sở mở cửa nền kinh tế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần nhanh chóng triển khai đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đặc biệt là y tế phường, xã tuyến cơ sở vì đây là mấu chốt trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp với nhiều biến chủng mới xuất hiện. “Hai năm vừa qua nền kinh tế của chúng ta suy giảm là vì tác động của dịch bệnh. Cho nên, đầu tư cho phòng chống dịch bệnh là việc cần ưu tiên, cấp bách hàng đầu để chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh không chỉ trong năm 2022 mà còn cho những năm sắp tới”, ông Ngân nói.

Hỗ trợ phải đúng và trúng

Bên cạnh việc đẩy nhanh, mạnh tiến độ triển khai, GS-TS Hoàng Văn Cường cũng đề nghị cần tránh xu hướng cơ quan quản lý đặt ra quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ nhằm tránh thất thoát và để an toàn cho mình dẫn đến “làm khó” cho người dân và DN trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Ngược lại, cũng cần tránh cả xu hướng cơ quan quản lý chỉ chăm chăm việc giải ngân “cho xong” mà không quan tâm tới hiệu quả cũng như việc hỗ trợ có đúng đối tượng hay không.

Ông Cường cũng kiến nghị đánh giá hiệu quả của chương trình cần phải được xác định bằng những kết quả thực tế có thể đo đếm được. Chẳng hạn, gói hỗ trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 110.000 tỉ đồng thì cần phải xác định sản phẩm của gói đó mang lại là bao nhiêu, bao nhiêu ki lô mét đường hoàn thành sớm hơn so với không có gói hỗ trợ, bao nhiêu cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành. Đối với gói hỗ trợ tín dụng gần 40.000 tỉ đồng, cần xác định được bao nhiêu nguồn vốn mới được ngân hàng cho vay, bao nhiêu dự án được hưởng lợi từ lãi suất thấp và đó là các dự án nào…

ĐBQH Hoàng Văn Cường kiến nghị phải có biện pháp để kiểm soát dòng vốn vay hỗ trợ, đảm bảo những dự án vay vốn là DN sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên của chương trình phục hồi như phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng hay du lịch chứ không phải chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán. “Nếu dòng vốn đổ vào các lĩnh vực không phải mục tiêu thì không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí để lại hậu quả cho nền kinh tế. Chúng ta từng có bài học thực tế trong việc này. Ở đây, gói hỗ trợ rất cần triển khai nhanh, kịp thời nhưng cũng phải đúng, trúng, “đi thẳng vào nền kinh tế”, ông Cường nói.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân bổ sung, cùng với việc đẩy nhanh triển khai thì rất cần tăng cường vai trò của kiểm tra, giám sát để gói hỗ trợ đi vào cuộc sống. Đây là điều quan trọng nhất. Vì nghị quyết cũng rõ, đối tượng cũng rõ bây giờ Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Đồng thời Quốc hội, HĐND và hệ thống chính trị tăng cường giám sát để không xảy ra những chuyện tiêu cực. GS-TS Hoàng Văn Cường thì cho rằng cơ quan kiểm tra, giám sát cần phải chủ động nắm bắt thông tin thông qua diễn biến thực tiễn để có hướng điều chỉnh kịp thời đồng thời phát huy vai trò giám sát của chính người dân, DN. “Kiểm tra giám sát đây để điều chỉnh trong quá trình thực hiện đảm bảo chương trình đạt hiệu quả chứ không phải để xử lý những việc sai phạm đã xảy ra”, ông Cường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.