Kỳ vọng metro TP.HCM

10/10/2020 06:20 GMT+7

Tuyến metro số 1 đang gần về đích, cùng với sự rốt ráo chuẩn bị của các tuyến số 2 và 4 tuyến tiếp theo, “giấc mơ metro” của TP.HCM đang được kỳ vọng sẽ sớm thành hiện thực.

“Mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng cũng thấy tàu”

Suốt 3 ngày nay, thông tin đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 cập cảng Khánh Hội (TP.HCM) vẫn chưa hết “hot” trên truyền thông. Tất cả đều chung một niềm cảm xúc: vui mừng xen lẫn tự hào. Để lại bình luận dưới các bài viết, rất nhiều người dân đang sinh sống tại TP.HCM không giấu nổi xúc động.

Cận cảnh đoàn tàu metro đầu tiên nằm trên đường ray Depot Long Bình

“Nhà tôi ngay gần ga Bình Thái của tuyến metro số 1, nên đọc tin tàu về thấy mừng lắm. Mòn mỏi chờ đợi cả thập kỷ, cuối cùng cũng được tận mắt thấy tàu metro rồi. Hy vọng tàu sẽ sớm được đưa vào vận hành để người dân TP có cơ hội trải nghiệm phương tiện di chuyển hiện đại này. Đi tàu ngầm nước ngoài nhiều rồi nhưng chắc chắn đi metro ở TP.HCM cảm xúc sẽ khác. Cảm ơn các bạn đối tác Nhật Bản và chúc mừng TP.HCM”, anh Thế Anh (ngụ Q.Thủ Đức) chia sẻ.

Cận cảnh bốc dỡ đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro số 1 cập cảng ở TP.HCM

Metro là bài toán khó nhưng tất yếu phải làm đối với các siêu đô thị như TP.HCM, Hà Nội. Để thúc đẩy xây dựng và mở rộng mạng lưới metro, cần cách thức quản lý, thực hiện hoàn toàn mới

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức

Theo kế hoạch của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), sau khi hoàn tất thủ tục thông quan tại cảng, 11 giờ đêm qua (9.10), đoàn tàu đã chính thức xuất phát từ cảng Khánh Hội di chuyển về khu vực depot Long Bình (Q.9) để chuẩn bị chạy thử kỹ thuật. Đoàn xe siêu trường siêu trọng bắt đầu di chuyển từ cảng Khánh Hội, lên cầu Khánh Hội, cập vào đường Tôn Đức Thắng, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Cảnh, sau đó ra đường Mai Chí Thọ, chạy thẳng về khu depot dưới Suối Tiên. Đại diện Công ty CP Gemadept Logistics (đơn vị phụ trách vận chuyển đoàn tàu metro số 1) cho biết đoạn đường di chuyển khoảng 26 km, nhưng dự kiến thời gian di chuyển sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ vì đoàn xe đi rất chậm. Phía công ty cũng đã phối hợp với lực lượng công an TP để đi trước dẫn đoàn, tránh xung đột với các dòng phương tiện trên đường.
“Từ cách đây hơn 1 năm, trước khi xin giấy phép từ Bộ GTVT, Gemadept cùng công ty tư vấn khảo sát đã kiểm tra toàn bộ tuyến đường từ điểm xuất phát cho đến depot Long Bình. Tất cả những góc cua, chướng ngại vật trên cao, dưới thấp đều đã được kiểm tra, tính toán. Trong trường hợp cần xử lý kỹ thuật như mở góc cua thì cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý ngay. Từ đó đến nay, mỗi tháng, mỗi tuần, công ty đều cập nhật lại hiện trạng đoạn đường. May mắn là không có những ngã rẽ, khúc cua nào quá hẹp đến nỗi cần can thiệp, xử lý. Bên cạnh đó, trong lần vận chuyển này, Gemadept sử dụng rơ moóc đặc biệt tách rời đầu kéo, có thể chủ động lái phía sau, phối hợp với đầu kéo phía trước để dễ dàng vượt qua các khúc cua hẹp”, vị này thông tin.
Dự kiến, 3 giờ sáng, đoàn tàu metro sẽ được vận chuyển an toàn về tới depot Long Bình. Khoảng 8 giờ, các kỹ sư sẽ tiếp tục nâng hạ đoàn tàu vào vị trí đường ray để phục vụ công tác chạy thử nghiệm, dự kiến thực hiện từ nay đến cuối năm. Như vậy, sau 14 năm chờ đợi, tàu metro đã yên vị, chuẩn bị sẵn sàng lăn bánh vào năm 2021. Đây là cột mốc đánh dấu một bước tiến rất lớn đối với ngành giao thông TP.HCM.
Kỳ vong metro TP.HCM

Chuẩn bị việc đưa đoàn tàu về depot vào tối qua

Ảnh: Độc Lập

“Hội ngộ” cùng tuyến số 2

Trong khi tuyến số 1 đang về đích, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang rốt ráo “vượt ải” giải phóng mặt bằng để có thể khởi công đúng hẹn vào năm 2021.

15 năm chật vật để hoàn thiện 1 dự án là khoảng thời gian quá dài. Trở ngại lớn nhất của metro số 1 chính là thủ tục. Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình này cũng sẽ mang lại bài học kinh nghiệm cho cả TP.HCM cùng các ban ngành, T.Ư để những dự án metro sắp tới không tiếp tục vướng ải thủ tục như vậy. 

TS Trần Du Lịch

Trở lại khu vực Q.10, Q.Tân Bình, đặc biệt là đoạn Trường Chinh giáp ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) sau 1 tháng khảo sát, nhiều công trình, hộ gia đình đang tự thuê công nhân, máy móc về tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho UBND quận. Một số hộ đã lập tức sửa chữa lại nhà theo quy hoạch mới.
Theo thông tin từ MAUR, tuyến số 2 đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện UBND TP đã thông qua Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cập nhật 1, đồng thời duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án (trừ Q.3).
Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường cho 597/603 trường hợp, đạt 99%, tăng thêm gần 2% so với tiến độ cập nhật giữa tháng 8. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc tuyến metro số 2, cho biết: “Các đơn vị đang liên kết cùng nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2020, song song với việc chuẩn bị và triển khai thiết kế di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Công tác đấu thầu các gói thầu thi công và tư vấn giám sát sẽ được tổ chức từ cuối năm nay, ký hợp đồng và khởi công dự án trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP”.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho rằng tuyến metro số 2 là một trong những dự án quan trọng trong hệ thống giao thông của TP nói chung cũng như hệ thống đường sắt đô thị nói riêng. Với đặc điểm hướng tuyến trong giai đoạn 1 đi từ Bến Thành đến Tham Lương, khi đi vào hoạt động, tuyến metro số 2 sẽ giải tỏa lượng lớn các phương tiện lưu thông trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh, QL22..., những tuyến đường vốn đang là điểm nóng ùn tắc. Kết nối cùng tuyến metro số 1, 2 tuyến đường sắt đô thị này sẽ tạo ra 1 hành lang giao thông công cộng sức chở lớn đi từ tây bắc qua trung tâm TP về phía đông bắc, hỗ trợ rất nhiều cho mạng lưới giao thông hiện hữu của TP.HCM.

Nên trao quyền làm metro cho TP.HCM

Kỳ vong metro TP.HCM

Công tác giải phóng mặt bằng chuẩn bị tuyến metro số 2 đoạn đi qua đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10)

Ảnh: Độc Lập

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến metro số 1 và 2, MAUR đang rục rịch chuẩn bị nghiên cứu thực hiện 4 tuyến metro tiếp theo gồm tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến số 5 - giai đoạn 1 (từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn), tuyến số 4B-1 (tuyến nhánh kết nối sân bay Tân Sơn Nhất), tuyến 5 - giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc).
Được nhận định là lời giải duy nhất cho bài toán giao thông TP.HCM và chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi hình thành cả một mạng lưới kết nối, việc lần lượt từng tuyến metro được nghiên cứu, xúc tiến mang đến rất nhiều kỳ vọng bức tranh giao thông TP sẽ sớm thay đổi với nhiều mảng màu sáng. Tuy nhiên, tuyến metro số 1 trầy trật suốt hơn 14 năm chưa hoàn thành, tuyến số 2 cũng đã phải 4 lần xin lùi đích, “điệp khúc” đội vốn, trễ tiến độ đã trở thành “thương hiệu” mỗi khi người ta nhắc tới metro.
Đại diện MAUR thừa nhận hai tuyến metro số 1 và số 2 là những tuyến metro đầu tiên của TP.HCM cũng như cả nước, được triển khai khi kinh nghiệm xây dựng đường sắt đô thị của chúng ta gần như bằng 0, chưa kể hầu hết các dự án đều vay vốn ODA nên không thể tránh khỏi các rủi ro về mặt xã hội, đầu tư, thể chế hành chính...
“Đối với các tuyến sau, TP.HCM cũng như MAUR đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác triển khai cho tới công tác thiết kế, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, quản lý dự án... cho tới giữ đất xung quanh nhà ga để tận dụng khai thác bù chi phí cho việc vận hành. Chắc chắn quá trình triển khai sẽ không quá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ như đối với 2 tuyến đầu”, vị này khẳng định.
TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh: Metro là bài toán khó nhưng tất yếu phải làm đối với các siêu đô thị như TP.HCM, Hà Nội. Để thúc đẩy xây dựng và mở rộng mạng lưới metro, cần cách thức quản lý, thực hiện hoàn toàn mới. Cần có cơ chế riêng cho TP.HCM toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các dự án metro trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên tối giản các thủ tục hành chính, thay đổi cách thức phê duyệt tất cả các công đoạn. Đồng thời, tạo cơ chế gắn việc xây dựng metro với phát triển các dự án bất động sản, thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia thực hiện metro theo hình thức đối tác công - tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.