Kỳ vọng những cam kết FDI tỉ USD

23/04/2023 06:24 GMT+7

Ngay trong Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 22.4, đã có 3 tập đoàn từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản cam kết đầu tư và mở rộng trong năm nay với tổng vốn lên đến 3,7 tỉ USD.

Các nhà đầu tư này hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Trong đó, cam kết sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỉ USD; sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logistics khoảng 1,6 tỉ USD.

Kỳ vọng những cam kết FDI tỉ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm mới của Samsung tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) vào tháng 12.2022

Nhật Bắc

Với 100 đầu cầu trong nước và 83 đầu cầu nước ngoài, đây là hội nghị trực tiếp, trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Thủ tướng với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ sau 6 tháng từ cuộc đối thoại lần trước (tháng 9.2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính lại một lần nữa lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư.

Kỳ vọng những cam kết FDI tỉ USD - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại cuộc đối thoại hôm qua 22.4

Nhật Bắc

Doanh nghiệp FDI cân nhắc tăng vốn

Tại hội nghị, cộng đồng các hiệp hội và nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ hàng loạt khó khăn, thách thức phải đối mặt, do ảnh hưởng bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, theo ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại VN (EuroCham), các số liệu trong báo cáo quý 1 cho thấy có dấu hiệu hy vọng. Chỉ số lạc quan của các DN châu Âu về nền kinh tế VN đã tăng 8 điểm. Việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của EU cho thấy đà sụt giảm kinh tế đang "tạo đáy" và DN sẽ chứng kiến sự tích cực trong thời gian tới.

Nhắc lại việc VN đã được công nhận là một "ngôi sao đang lên", song theo ông Gabor Fluit, với "tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn". VN giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng. EuroCham khuyến nghị đẩy nhanh hoàn thiện và triển khai Quy hoạch điện 8 cũng như các hợp đồng mua bán điện trực tiếp, để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo.

Đánh giá cao những cải cách thị thực du lịch sắp tới của Chính phủ, Eurocham cũng đề nghị mở rộng miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các quốc gia thành viên EU, mở cửa cho khách du lịch chi tiêu cao và tạo điều kiện xúc tiến đầu tư.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN (Kocham), cho rằng quý 1 GDP VN chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư vào sản xuất - lĩnh vực mà các DN vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đổ vào VN nhiều nhất - cũng đã giảm mạnh, cho thấy các DN đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.

"Đáng tiếc là đầu tư của Hàn Quốc vào VN quý 1 chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% xuống còn 344 dự án", ông Hong Sun nói và cho biết Hàn Quốc từ vị trí nhà đầu tư số 1 tại VN xuống vị trí thứ 4, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

VN luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng VN phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tuy nhiên, Chính phủ cũng như rất nhiều DN Hàn Quốc coi VN là đối tác hợp tác tốt nhất của mình. Đầu tư của Hàn Quốc vào VN đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ. Nếu trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, thì gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Hiện có khoảng 9.000 DN Hàn Quốc đã đầu tư vào VN, sử dụng khoảng 700.000 lao động.

"Nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào VN đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các DN công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Nếu có sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì DN sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư", ông Hong Sun khuyến nghị.

Nhiều DN lớn như Công ty Điện tử Samsung đã đầu tư thêm 20 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại VN quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển VN thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Dẫn chứng từ khảo sát của Tổ chức Xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO), ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, khẳng định các DN Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại VN. Cụ thể, 47% số DN được hỏi cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới.

Loại bỏ các chi phí không chính thức

Bên cạnh câu chuyện nhiều DN FDI sẵn sàng đầu tư, kinh doanh tại VN, theo ông Hong Sun, thời gian qua Kocham đã tiếp nhận một số kiến nghị của các DN Hàn Quốc mới vào đầu tư tại VN về một số khó khăn liên quan cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy...

Ông Takeo Nakajima cũng chia sẻ: Thời gian qua, đầu tư từ Nhật Bản vào VN dù tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị, do hàng loạt nguyên nhân như xuất khẩu toàn cầu chậm chạp, ngoài ra là chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí...

Đặc biệt, đại diện JETRO còn nhắc tới việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính của VN chậm. 66% DN Nhật Bản tại VN cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ 47%. "VN cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp. Điều này quan trọng vì các DN cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch", đại diện JETRO nói.

Từ đầu cầu Munich (Đức), bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, cho biết sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường đã quyết định triển khai dự án tại VN. VFT Industry UG đã hợp tác với các DN Đức, VN để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ xanh, ước tính 600.000 tấn/năm.

Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products VN, nói khoản đầu tư của Intel đã tăng lên 1,5 tỉ USD và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại VN. Ông cũng bày tỏ hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy chữa cháy, xây dựng, môi trường…

"Chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành"

Nêu thông điệp với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh sự "chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành" giữa các DN và Chính phủ VN.

"Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung các nhà đầu tư đều chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành với VN. Người VN có câu: "Non cao cũng có đường trèo. Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi". Với sự chia sẻ, đồng hành và linh hoạt của các nhà đầu tư thì nhất định các khó khăn sẽ được xử lý, thách thức sẽ được vượt qua", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỳ vọng những cam kết FDI tỉ USD - Ảnh 4.

Khẳng định cam kết tạo môi trường đầu tư an toàn và minh bạch, Thủ tướng cho biết VN chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đưa DN VN vào trong các chuỗi giá trị.

Thủ tướng cũng gửi gắm 5 thông điệp lớn với các nhà đầu tư nước ngoài: xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài bền vững; tuân thủ đúng pháp luật; tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả"; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh; các hiệp hội là "cánh tay nối dài", thông tin các vướng mắc, tư vấn chính sách.

"VN luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng VN phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỳ vọng những cam kết FDI tỉ USD - Ảnh 5.

Về các kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư như vấn đề Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, VN luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên. Bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các DN như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Ngoài ra, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực. Bộ Công an, Bộ Xây dựng… đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan phòng cháy, chữa cháy; Bộ Y tế với thuốc, vật tư y tế; Bộ Công thương với năng lượng (Quy hoạch điện 8, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp…)…

Yêu cầu hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Chiều 22.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Về dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN VN tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp; đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN, Thủ tướng yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu DN để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu DN; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu DN nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN VN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và DN; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng mong mỏi của người dân và DN; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.