Sau lời kêu gọi chủ động nghiên cứu sản xuất máy trợ thở phục vụ các kịch bản chống dịch Covid-19 của Chính phủ, kỹ sư Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ QCM, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đã cùng nhóm cộng sự trẻ vào cuộc và sớm cho ra đời sản phẩm mới.
Nhóm nghiên cứu mở rộng tìm hiểu các dạng máy trợ thở được sản xuất trên thế giới. Họ tham khảo thiết kế của Đại học MIT (Mỹ) đã công bố, xem như là thiết kế cơ bản nhất để khảo sát, chế tạo máy trợ thở không xâm lấn phục vụ cấp bách chống dịch.
Máy trợ thở được nhóm nghiên cứu theo nguyên lý tạo nhịp tự động, đẩy khí vào phổi theo tần số cài đặt. Chi tiết gồm các cụm bộ phận tạo khí thở, bộ đo tần số thở, màn hình hiển thị, van an toàn khi quá áp. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết mất 5 ngày để hoàn thành thiết kế và cho ra bản thử nghiệm.
Liên quan đến hiện thực hóa các nghiên cứu khoa học hỗ trợ chống dịch, sáng 8.4, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã bàn giao 10 máy sát khuẩn tay tự động cho Bệnh viện Đà Nẵng phục vụ kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đây là sản phẩm do sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu chế tạo. Trong ảnh, sinh viên trường ĐH nói trên bàn giao máy sát khuẩn tay tự động cho đại diện Bệnh viện Đà Nẵng.
|
“Hiện tại, nhóm đang tham khảo, đối chiếu quy chuẩn của Bộ Y tế để hoàn chỉnh sản phẩm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sản phẩm để theo dõi áp suất, lưu lượng khí thở đi vào cơ thể, lưu lượng khí ra, bộ lọc khí vào, bộ lọc khí ra...”, kỹ sư Đạt nói.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, trong tình huống cấp bách nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhóm có thể tập trung sản xuất được 20 máy thở mỗi ngày. Chi phí linh kiện tạm tính để có thể sản xuất cho 1 máy trợ thở khoảng 25 triệu đồng.
“Chúng tôi tập trung thiết kế những sản phẩm tối cần thiết, sẵn sàng hướng đến đảm bảo quy chuẩn, để có thể tập trung sản xuất hàng loạt bất kỳ lúc nào. Nỗ lực này nhằm dự phòng cho kịch bản xấu nhất của dịch bệnh Covid-19, khi cả nước cần một lượng lớn máy trợ thở cơ bản để phục vụ bệnh nhân”, kỹ sư Nguyễn Thành Chương nói.
Chính vì sẵn sàng dự phòng cho những tình huống xấu nhất, nên bên cạnh nghiên cứu các công nghệ cấp thiết phục vụ phòng chống dịch Covid-19, nhóm kỹ sư Đà Nẵng còn ưu tiên tính toán nội địa hóa linh kiện, linh động đổi chi tiết linh kiện nhưng vẫn đảm bảo phù hợp khi lập trình sản phẩm. Sẵn sàng cung cấp thiết kế miễn phí toàn bộ các dây chuyền sản xuất nếu các đơn vị cần, để chung tay sản xuất thiết bị phục vụ cộng đồng phòng chống dịch.
Ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ ngành y tế và cộng đồng chống dịch thời gian qua, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, bày tỏ sự cảm kích trước sự nhiệt thành của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.
“Dịch bệnh toàn cầu cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Dù máy trợ thở này mới chỉ ở những phiên bản thử nghiệm nhưng chúng tôi cũng rất cảm ơn đội ngũ những người làm khoa học. Hy vọng khi có quy chuẩn của Bộ Y tế về máy trợ thở thì bản thử nghiệm sẽ được hoàn chỉnh hơn để có thể đưa vào sản xuất”, bà Yến kỳ vọng.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng, cũng cho biết nhiều tháng qua những kỹ sư, giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu tại Đà Nẵng không ngừng nghiên cứu, chế tạo sản phẩm thiết thực hỗ trợ ngành y tế phòng chống dịch bệnh.
“Đã có các loại máy đo thân nhiệt, máy phun sát khuẩn tự động… được chế tạo và đưa vào sử dụng. Giờ lại có máy trợ thở với chi phi thấp được các nhóm kỹ sư không ngừng nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện theo quy chuẩn để nhanh chóng ra mắt. Sáng tạo này góp phần lan tỏa tinh thần chung tay phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng của các nhà nghiên cứu”, ông Hoàng chia sẻ.
Bình luận (0)