Hội nghị lần này đang thu hút sự quan tâm của giới quan sát khu vực lẫn thế giới.
Thủ tướng tại sân bay quân sự Andrews, Washington D.C, Mỹ |
Dương Giang |
Từ nỗ lực đồng thuận
Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ là cơ hội để hai bên “cố gắng thu hẹp khác biệt về một số vấn đề”.
“Cuộc thảo luận giữa Mỹ và ASEAN có thể thảo luận về vấn đề Myanmar nhưng dự kiến sẽ không tạo ra bất kỳ áp lực mới nào đối với Myanmar”, ông Sato dự báo và giải thích việc gia tăng áp lực giải quyết vấn đề Myanmar có thể đẩy các bên ở Đông Nam Á ra xa hơn với Washington.
Bên cạnh đó, ông dự báo nội dung nghị sự nhiều khả năng còn đề cập chiến sự ở Ukraine. “Gặp gỡ một số lãnh đạo Đông Nam Á mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thành công trong việc tìm ra một số hỗ trợ ngoại giao và đóng góp cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Ukraine. Mỹ có thể sẽ tập trung vào việc phối hợp chính sách tích cực với các nước Đông Nam Á”, GS Sato nhận định.
Cũng trả lời Thanh Niên, ông Dov S.Zakheim, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện là chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu CNA (Mỹ), cho rằng: “Chiến sự Ukraine, chính sách với Nga và Trung Quốc có thể sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này”. Nhưng ông cũng đánh giá hầu hết các quốc gia ASEAN không muốn đứng về phía nào giữa Nga và Ukraine (cùng các nước phương Tây).
Cơ hội từ IPEF
Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific (IPEF) là một sáng kiến của Mỹ nhằm hình thành khung tổng thể các yếu tố để các nước đối thoại, với 4 trụ cột lớn: Thứ nhất là đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng; Thứ hai là thích ứng biến đổi khí hậu; Thứ ba là kinh tế và thương mại số; Thứ tư là một số vấn đề như lao động, thuế, chống tham nhũng…
Các nước có thể đối thoại với nhau về các vấn đề trong khung trên, rồi tìm kiếm những điểm đồng thuận để đàm phán chi tiết nhằm đạt thỏa thuận riêng. Khi có các đối thoại về kinh tế thì có cơ hội hợp tác nhiều hơn và đây là một quá trình lâu dài. Nếu các thành viên ASEAN tranh thủ IPEF thì không chỉ tranh thủ nguồn lực của Mỹ ở các dự án liên quan, mà còn tạo đà cho đầu tư tư nhân rất lớn.
Ông Phạm Quang Vinh (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Mỹ)
Thực tế, do nhiều yếu tố tác động, trong nội bộ các thành viên ASEAN lẫn với các nước bên ngoài đang thiếu sự đồng thuận về quan điểm liên quan các bên trong chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn chính là thách thức cho các nước ASEAN vì cần đảm bảo cân bằng giữa việc hợp tác với các bên mà không rơi vào “bẫy cạnh tranh”, nhằm đảm bảo được vai trò trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Nhận định về vấn đề này khi trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá ASEAN và Mỹ đều hiểu tầm quan trọng của hợp tác ở Indo-Pacific, nhưng hai bên có khác biệt đáng kể về cách ứng xử trong quan hệ với Trung Quốc - một cường quốc đang trỗi dậy. Cụ thể hơn, ông phân tích: “ASEAN không thể để căng thẳng quá mức trong quan hệ với Trung Quốc bởi Trung Quốc có ưu thế về kinh tế lẫn sức mạnh quân sự”.
Bổ khuyết mảnh ghép quan trọng
Tương tự, PGS Nagy kỳ vọng: “Thông qua cam kết về thương mại, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển, Mỹ có thể thu hút ASEAN bằng cách xây dựng thể chế, hợp tác thương mại và ngoại giao đáp ứng các vấn đề mà khu vực đang đối mặt. Mặt khác, ASEAN dành sự ủng hộ nhiều hơn đối với Mỹ và các nước khác nếu Mỹ thực sự biến vai trò trung tâm của ASEAN thành hiện thực, bằng cách mạnh dạn hành động gắn kết và dẫn đầu một sáng kiến ngoại giao có ý nghĩa”.
Ông nói thêm: “Từ các thực tế vừa nêu, các bên sẽ phải thỏa hiệp về lập trường của mình và đưa ra các sáng kiến cụ thể, bền vững và có ý nghĩa để thúc đẩy mối quan hệ về phía trước. Triển vọng sẽ giảm đi, thậm chí mờ mịt khi ASEAN bị chia rẽ từ bên ngoài bởi Trung Quốc và bên trong vì xung đột dân sự, tham nhũng và không chuyên nghiệp. Còn Mỹ sẽ trở nên hoang đường khi không đưa ra đề xuất thương mại và tiếp tục an ninh hóa một cách thái quá về phương pháp tiếp cận với Trung Quốc”.
Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định chính sách của Washington thời gian qua đối với Indo-Pacific, nơi ASEAN đóng vai trò trung tâm, gần như tập trung vào các hoạt động quân sự mà thiếu các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại.
Thực tế, Mỹ vắng mặt trong các hiệp định thương mại quan trọng ở khu vực. Ngược lại, Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đang xúc tiến việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, Mỹ đã rút khỏi CPTPP từ khi hiệp định này còn mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cho nên, nhiều nhà kinh tế, ngoại giao và chuyên gia thương mại nhận định Washington cần có một cơ chế hợp tác hiệu quả, tập hợp nhiều nền kinh tế châu Á để thiết lập các quy tắc tham gia cho thương mại và công nghệ mới. Cụ thể, việc định hình một mạng lưới hợp tác kinh tế hiệu quả ở Indo-Pacific là rất cần thiết.
Từ đó, việc chính quyền của Tổng thống Biden dự kiến sắp công bố Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific được xem là một cơ hội để ASEAN - Mỹ tăng cường hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Washington
Rạng sáng 11.5 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đáp xuống sân bay quân sự Andrew, bắt đầu chuyến thăm, làm việc từ ngày 11 - 17.5 tại Mỹ và LHQ, dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Đón đoàn tại sân bay có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán. Trong ngày đầu tiên tại Washington D.C, Thủ tướng sẽ có một loạt cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao và một số nghị sĩ của Mỹ. Trọng tâm trong lịch làm việc ngày đầu tiên là Thủ tướng có bài phát biểu về chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ tiếp Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), tiếp một số lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của Mỹ như AES, Black Stone, GenX, Asia Group. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng sẽ chứng kiến các cơ quan và doanh nghiệp 2 nước ký kết và trao một số thỏa thuận hợp tác tiêu biểu, như thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); lễ trao giấy chứng nhận của Việt Nam cho Tập đoàn AES đầu tư vào dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ; hoặc thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Boeing và Tập đoàn Vietjet Air.
Theo lời mời của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ từ ngày 12 - 13.5 tại thủ đô Washington D.C. Dự kiến, lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo AESAN tại Nhà Trắng sẽ diễn ra chiều 12.5, dưới sự chủ trì của Tổng thống Biden.
Chí Hiếu (từ Washington D.C, Mỹ)
Bình luận (0)