Kỳ vọng thu hút "đại bàng chúa" ngành tài chính

03/05/2021 10:38 GMT+7

Đó là kỳ vọng của các nhà đầu tư và chính quyền Đà Nẵng khi khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực …

Thu hút 3 “đại bàng chúa”

Với việc công bố chủ trương cho phép xây dựng đề án trung tâm tài chính hồi cuối tháng 3, Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG) cùng tổ hợp liên danh 3 tập đoàn lớn của Mỹ (Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts/GAM, Steelman Partners) sẽ bắt tay vào nghiên cứu đề án trong thời gian tới.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG, cho biết Đà Nẵng không những là TP đáng sống mà còn có tầm nhìn rộng mở như việc định hướng xây dựng trung tâm tài chính, TP sân bay, khu phi thuế quan... Theo ông, tập đoàn đã nhiều năm ấp ủ về một trung tâm tài chính ở Việt Nam. Hơn 5 năm qua, ông chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực. “Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên. Trong 10 năm qua, tôi đã kết giao với rất nhiều người bạn trên thế giới, trong đó 3 người bạn Mỹ là 3 “đại bàng chúa” về lĩnh vực tài chính, casino, luật tài chính”, ông nói. Trong số 3 “đại bàng chúa” vừa đề cập, có nhà tài phiệt Mỹ hiện quản lý hàng ngàn tỉ USD. Người thứ 2, “ông trùm” casino Sheldon Adelson nổi tiếng ở Macao, Singapore; nếu Sheldon Adelson đầu tư vào thì Việt Nam sẽ cộng thêm 2% GDP (riêng Singapore thì “ông trùm” này đóng góp đến 1,8% GDP). Người thứ 3 là Paul Steelman, Giám đốc điều hành Steelman Partners - công ty kiến trúc quốc tế của Mỹ.

Đáng chú ý, chính ông Paul Steelman cùng với các ông Johnathan Hạnh Nguyễn, William Weidner (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Weidner Resorts/GAM) đã trình bày kết hợp trung tâm tài chính với khu nghỉ dưỡng tích hợp theo phong cách Singapore. “Các trung tâm tài chính trên thế giới đang có những xáo trộn nên họ phải định hình lại. Vì vậy, Đà Nẵng, Việt Nam phải nắm bắt thời cơ. Khi Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính đạt tầm châu lục thì dòng tiền sẽ chảy về”, Chủ tịch IPPG chia sẻ.

Vượt lên nhờ cơ chế đặc thù

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chia sẻ thêm về các thiết chế của một trung tâm tài chính. “Trung tâm tài chính là làm sao phải có “đại bàng chúa” nắm giữ các nguồn tiền hàng ngàn tỉ USD. Khi các “đại bàng chúa” đã vào làm “tổ” thì tự động các “bồ câu”, “đại bàng con”… bay về, nhưng không nhất thiết đặt trụ sở tại đây”, ông lý giải.

Dù sao, với Đà Nẵng, xây dựng đề án Trung tâm tài chính mà chưa có ngân hàng nào đặt hội sở cũng đang là mối băn khoăn lớn của địa phương. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết việc xây dựng TP thành trung tâm tài chính tầm khu vực mới chỉ là định hướng, là cơ sở pháp lý để TP nghiên cứu, triển khai các giai đoạn tiếp theo. Ông Minh nhìn nhận, tuy Đà Nẵng chưa có ngân hàng nào đặt hội sở, “nhưng nếu đi theo tuần tự chờ các ngân hàng đến đặt hội sở rồi mới xây dựng Trung tâm tài chính thì cả 100 năm nữa Đà Nẵng vẫn chưa làm được”. “Với những lợi thế, thuận lợi của Đà Nẵng cùng cơ chế đặc thù cũng như TP đã xây dựng đề án xin T.Ư tạo thuận lợi, tôi nghĩ Đà Nẵng có thể vượt lên được. Sau khi Thủ tướng đồng ý cho Đà Nẵng xây dựng đề án trung tâm tài chính, hiện đã có liên danh nhà tài trợ do IPPG, doanh nghiệp Mỹ… tài trợ nghiên cứu. Mong rằng Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính khu vực”, ông Minh nói thêm.

Sau khi được Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư ủng hộ, IPPG đã trở thành một trong những nhà tài trợ cho đề án này. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng đã quyết định thành lập tổ công tác, mời các chuyên gia của T.Ư (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT…) cùng tham gia tư vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.