Kỳ vọng từ 'Bức xúc không làm ta vô can'

28/11/2015 21:16 GMT+7

Có vẻ như tựa đề cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can đã đánh trúng tâm lý của rất nhiều độc giả, nên kỳ vọng họ đặt ra cho tác giả Đặng Hoàng Giang cũng thành quá cao.

Có vẻ như tựa đề cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can đã đánh trúng tâm lý của rất nhiều độc giả, nên kỳ vọng họ đặt ra cho tác giả Đặng Hoàng Giang cũng thành quá cao.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Đặng Hoàng Giang ký tặng sách sau buổi đối thoại - Ảnh: Hạnh NôngBà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Đặng Hoàng Giang ký tặng sách sau buổi đối thoại - Ảnh: Hạnh Nông
Những người bức xúc
Nếu Đặng Hoàng Giang và tổ chức nghiên cứu độc lập ông đang đứng đầu tiến hành một khảo sát nho nhỏ về sự bức xúc của người dân, dựa trên đối tượng là những độc giả đến tham dự buổi giới thiệu cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can của chính ông, kết quả hẳn sẽ khá tăm tối. Hoặc chính vì tựa đề quyển sách, rất nhiều người đến dự buổi nói chuyện sáng 28.11 đã mang theo nỗi bức bách, thậm chí bất lực của mình trước những vấn nạn của cuộc sống, mong tìm ở quyển sách, hoặc chính tác giả một lối ra cho bản thân và cả xã hội. Có vẻ như tựa đề đã đánh trúng tâm lý của rất nhiều độc giả, nên kỳ vọng họ đặt ra cho ông cũng thành quá cao.
Đặng Hoàng Giang nói rằng ông không thể giải quyết nỗi bất lực của một độc giả về tình trạng tiểu đường ở Việt Nam, hay nỗi bức xúc của một độc giả khác rằng sao giới trẻ ngày nay thường ít… bức xúc, ông cũng chẳng thể có giải pháp cho tình trạng kẹt xe, lười xếp hàng hay sự thiếu vắng những hình mẫu đạo đức, nguồn cảm hứng trong xã hội…
“Mỗi cá nhân phải xây dựng cho mình một la bàn đạo đức riêng, không thể trông chờ vào một cá nhân nào trở thành khuôn mẫu cho một xã hội. Trong một xã hội quá nhiều điều bất thường, từng người trước hết có thể đứng thẳng lên và sống một cuộc đời bình thường”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nói. “Không có gì là bất biến, các thế hệ sẽ liên tục định hình lại những giá trị, và cũng không có con đường nào thẳng tắp để mọi người cùng đi”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, người điều phối chương trình, tiếp lời.
Độc giả tham dự buổi đối thoại nhân dịp ra mắt sách Bức xúc không làm ta vô can - Ảnh: Hạnh Nông
Cho tiền thì rất dễ…
“Có những bệnh nhân ung thư phải cười vào ống kính máy ảnh nhận lấy món quà từ thiện của các công ty, hoa hậu, tôi thấy đó là cách làm không tôn trọng nhân phẩm con người”, Đặng Hoàng Giang nói, “Chi tiền để đóng góp cho xã hội thì rất dễ, vấn đề là chúng ta có sẵn lòng bỏ ra thời gian, công sức hay không…”.
Có rất nhiều cách để làm môi trường xung quanh ta tốt đẹp hơn và giải tỏa nỗi bức xúc trong ta. Trả lời câu hỏi của một độc giả về “nguồn cảm hứng” trong xã hội, ông Giang kể câu chuyện về Myanmar. Đó là một nhạc công chơi nhạc punk: “Anh làm gì trong những ngày tháng tăm tối? Tôi chơi punk, dù thế nào chúng tôi cũng vẫn chơi nhạc punk”, hay một nhà văn đã ở tù suốt 6 năm: “Tôi đã ra tù, và bắt đầu góp sức mình để hàn gắn đất nước này”. “Nguồn cảm hứng của tôi không phải là Aung San Suu Kyi, nguồn cảm hứng của tôi chính là những con người nhỏ bé kia”, Đặng Hoàng Giang nói.
Trong khi những thay đổi lớn cần đến những chiến lược dài hạn hay nguồn lực nhất định, những điều nhỏ hơn sẽ bắt đầu từ mỗi cá nhân, hoặc những cộng đồng nhỏ, có cùng chí hướng, chia sẻ với nhau một vài giá trị chung và từ đó lan ra xã hội, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ. Như cái cách Bức xúc không làm ta vô can không bắt đầu bằng một vấn nạn xã hội hay bất cứ nỗi bức xúc nào, cuốn sách bắt đầu bằng câu chuyện về những người chạy marathon về chót và em bé da đen trong ngôi trường toàn người da trắng, bằng một sự bướng bỉnh kỳ diệu nào đó, họ vẫn nhẫn nại đi hết con đường mình chọn, bảo vệ điều họ tin tưởng.

Đừng để sách vở dắt mũi ta!

Minh Chiến (sinh viên năm 2, khoa Đô thị học, Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) phát biểu rằng sự lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông, để truyền thông “dắt mũi” chính là cách để mỗi người mất đi tư duy phản biện; tác giả Đặng Hoàng Giang bổ sung rằng để bất cứ điều gì dắt mũi, đừng nói truyền thông, dù đó là tôn giáo, sách vở, hay chính bố mẹ chúng ta, chúng ta đều không còn tư duy phản biện. Đừng tin sách chỉ vì nó là quyển sách, hay nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh, “đừng để ý kiến của một giáo sư Đại học Stanford có sức nặng gấp ba lần người thường”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.