Kỳ vọng từ chiếc hộp đen của máy bay Nga gặp nạn

01/11/2015 15:12 GMT+7

(TNO) Cả hai chiếc hộp đen đều đã được tìm thấy, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân máy bay Nga rơi ở Ai Cập hôm 31.10.

(TNO) Cả hai chiếc hộp đen đều đã được tìm thấy, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân máy bay Nga rơi ở Ai Cập hôm 31.10.

Ai Cập đã tìm thấy cả hai hộp đen của chiếc máy bay Nga gặp nạn ngày 31.10 - Ảnh: ReutersAi Cập đã tìm thấy cả hai hộp đen của chiếc máy bay Nga gặp nạn ngày 31.10 - Ảnh: Reuters

Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) mới đây đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ máy bay Nga gặp nạn làm chết toàn bộ 224 người trên máy bay tại bán đảo Sinai (Ai Cập). Tuy nhiên Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail khẳng định không có chuyện máy bay có thể bị bắn hạ ở khoảng cách như vậy, theo The Telegraph.

Hôm 31.10, Ai Cập cũng tuyên bố đã tìm thấy cả hai chiếc hộp đen được cho thuộc về máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, đến nay họ chưa công bố tình trạng chiếc hộp và thông tin có được từ nó, AFP cho biết. Những thông tin chi tiết của vụ máy bay rơi này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc phân tích dữ liệu từ hộp đen, vốn có khả năng giải thích gần 90% nguyên nhân các vụ tai nạn, AFP dẫn lời một chuyên gia hàng không cho biết.

Được giới thiệu ban đầu vào những năm 1960, những chiếc hộp ghi dữ liệu này được chú trọng vào khả năng tồn tại trước những cú va đập, nhiệt độ và thời gian dài ngâm trong nước.

Hộp đen không có màu đen như cái tên của nó, trên thực tế luôn được sơn màu cam sáng để dễ nhận biết và tìm kiếm. Hộp đen nặng từ 7 đến 10 kg, chịu được áp suất ở độ sâu 6.000 m dưới mặt nước và chống chọi được sức nóng 1.100 độ C. Để dễ được tìm kiếm hơn, các hộp đen được trang bị thiết bị giúp nó phát sóng gần 1 tháng, theo AFP.

Ngày nay, hộp đen gồm 2 phần chính là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR). Có khi người ta gọi đây là “hai chiếc hộp đen”. Như tuyên bố của phía Ai Cập vừa qua, thực chất họ đã tìm thấy cả hai bộ phận FDR và CVR.

Hộp đen thường được sơn màu cam sáng để dễ nhận biết, gồm hai phần ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái - Ảnh: AFP

Thường được đặt ở phần đuôi của máy bay để hạn chế tối đa mức độ va đập trong trường hợp bị nạn, các hộp đen chứa tất cả những thông tin về chuyến bay, hướng gió, tốc độ, độ cao, áp suất, nhiên liệu... và cũng ghi âm lại một phần những âm thanh trên chuyến bay.

Trong quá khứ, hộp đen đã giúp giải quyết nhiều trường hợp tai nạn hàng không lớn.

Vào năm 2011, sau 23 tháng chìm dưới độ sâu 3.900 m ở Đại Tây Dương, chiếc hộp đen của chuyến bay AF447 (hãng Air France) rơi xuống Đại Tây Dương khi đang trong hành trình từ Rio de Janeiro (Brazil) về Paris (Pháp) vẫn còn nguyên vẹn, giúp cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ tai nạn cách đó 2 năm.

Năm 2004, cũng chính một chuyến bay cất cánh từ Sharm el-Sheikh của Ai Cập như vừa qua đã gặp nạn. Người ta tìm thấy hộp đen hai tuần sau khi tai nạn xảy ra, ở độ sâu 1.022 m dưới mặt nước biển.

Lúc này, các điều tra viên của Nga và Ai Cập đang đợi chờ kết quả phân tích từ hai hộp đen tìm thấy, và phần ghi âm về những trao đổi của phi hành đoàn rất có thể sẽ đóng vai trò then chốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.