Đừng để "tay nhanh hơn não"
Từng có nhiều năm làm việc tại cơ quan báo chí, giảng dạy truyền thông ở một số trường đại học, thạc sĩ Huỳnh Cẩm Thúy (hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho rằng tin giả, tin đồn thất thiệt không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chính nạn nhân bị lan truyền mà còn bị ảnh hưởng đến cả xã hội. Thông tin sai lệch nếu không kiểm soát để lây lan thì nó giống như dịch bệnh, không chấm dứt hẳn mà cứ âm ỉ.
Tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. |
Thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nhận định: “Tin giả nào cũng có tác hại cả, tùy thuộc vào động cơ của người đưa ra tin giả. Tin đồn thất thiệt có thể làm hủy hoại thanh danh của một con người, làm sập một doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế của một quốc gia, an ninh của một nước, làm sao cho cả cộng đồng hoang mang”.
Theo thạc sĩ Tú, hiện nay có một số người trẻ hay bị ảnh hưởng bởi những người nổi tiếng, KOL, có uy tín trên môi trường truyền thông mạng xã hội. Những người dùng mạng xã hội cực kỳ thận trọng với ý kiến của những người nổi tiếng kể cả ý kiến của số đông.
“Người trẻ khi dùng mạng xã hội phải xét nguồn tin có bảo đảm uy tín, độ tin cậy hay không, thông tin trong nguồn tin đó có thực sự hữu ích hay không, nếu thông tin không hữu ích, không giúp gì cho công chúng thì chúng ta không nên quan tâm. Thậm chí, nếu chúng ta phát hiện ra tin giả thì phải cảnh báo cho mọi người. Ngoài ra, không nên nhìn, lướt qua tiêu đề mà người dùng phải đọc toàn bộ, từ đó phát hiện ra những mâu thuẫn, những phi logic trong đó”, ông Tú lưu ý.
Thạc sĩ Phan Văn Tú chia sẻ về việc nhận biết tin giả, sử dụng mạng xã hội an toàn |
PHÚC KHA |
Còn thạc sĩ Thuý thì nhìn nhận: “Hiện nay, có tình trạng một số người dùng mạng xã hội “tay nhanh hơn não” khi thấy thông tin gì đó cứ sẵn tay mà chia sẻ, không tìm hiểu, không thẩm định xem đó có là tin thật hay giả. Từ đó, họ có thể chia sẻ các thông tin sai lệch”.
Theo thạc sĩ Thúy, để tránh rơi vào “bẫy” của tin thất thiệt, khi tìm kiếm một thông tin nào đó trên mạng xã hội, người dùng kiểm tra nội dung bằng cách kiểm tra thông tin này có được đăng trên các trang báo chính thống chưa. Nếu như những thông tin này chưa đăng báo thì chứng tỏ người dùng cần phải thẩm định lại thông tin này, độ tin cậy của thông tin đang rất thấp.
“Mỗi bạn trẻ nên “sống chậm”, đừng quá nhanh khi thấy bất kỳ thông tin nào trên mạng, phải có góc nhìn đa chiều khi nhìn bất kỳ vấn đề gì”, chị Thúy gợi ý.
Thạc sĩ Thúy chia sẻ rằng người dùng cần kiểm tra thông tin trước khi lan truyền |
NVCC |
Dùng mạng xã hội phải “đầu lạnh, tim nóng và dừng cỡ 2 giây”
Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Danh, Giảng viên truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT TP.HCM, cho biết khi dùng mạng xã hội, giới trẻ cần trang bị cho mình 3 thứ là "đầu lạnh, trái tim nóng và dừng cỡ 2 giây”.
Phân tích cụ thể hơn, tiến sĩ Mỹ Danh cho biết cái đầu lạnh nghĩa là các bạn trẻ cần trang bị cho mình kỹ năng tư duy phản biện độc lập để giúp phát hiện những mâu thuẫn, bất thường trong những câu chuyện drama trên mạng xã hội. Kỹ năng tư duy này sẽ giúp các bạn sàng lọc thông tin đúng/sai, thật/giả ở bước đầu tiên.
Còn giới trẻ cần có trái tim nóng nghĩa là một trái tim biết yêu thương, đồng cảm và thiện lành. Điều này sẽ giúp cho các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội với thái độ lạc quan, tích cực và dùng mạng xã hội để lan tỏa yêu thương, hơn là tham gia góp phần lan truyền những câu chuyện drama mang tính tiêu cực.
Theo tiến sĩ Mỹ Danh, điều cuối cùng các bạn trẻ cần làm đó là dừng cỡ chừng 2 giây. Thời gian này đủ để các bạn dùng tư duy phản biện và dùng trái tim yêu thương, đồng cảm của mình để cân nhắc thêm ít nhất 1 lần về các vấn đề "hot", tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội trước khi quyết định tham gia thổi bùng drama đó lên, hay để không bị những drama đó dẫn dắt.
Thạc sĩ Tú thì cho rằng người trẻ phải hiểu biết về truyền thông, phải có năng lực ứng xử trên môi trường truyền thông mạng xã hội. Năng lực truyền thông trong thời buổi mạng xã hội hiện nay được rèn luyện kỹ năng thẩm định thông tin, kỹ năng xem xét để phân biệt đâu là nguồn tin có ích, đâu là nguồn tin không có ích, nguồn tin có nguy cơ là tin giả.
Người trẻ cần chọn lọc tin tức khi dùng mạng xã hội |
PHÚC KHA |
“Người trẻ phải là người tiêu dùng tin tức thông minh để nhận biết tin giả. Chúng ta phải đối phó tin giả như diệt virus, vi khuẩn trong thực phẩm bẩn. Người dùng trong thời buổi mạng xã hội hiện nay phải đấu tranh chống tin giả, làm truyền thông tốt cũng góp phần chống tin giả”, ông Tú cho biết.
Theo ông Tú, khi người dùng muốn chia sẻ thông tin nào đó lên mạng xã hội phải luôn trả lời các câu hỏi: Thông tin có đúng sự thật không, có cần thiết đưa lên không? Sau khi trả lời câu hỏi này mà nếu thấy ổn, cần thiết thì người dùng suy xét ở câu hỏi kế tiếp: thông tin có nhân văn, tử tế không? Vì có những chuyện đúng sự thật nhưng khi đưa lên lại gây ảnh hưởng đến người khác...
Thạc sĩ Tú và thạc sĩ Thúy cũng mong muốn các trường nên tổ chức chương trình dạy năng lực truyền thông, các kỹ năng ứng xử trên môi trường truyền thông mạng xã hội cho học sinh, sinh viên. Hoạt động hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội nên đẩy mạnh nhiều hơn ở lứa tuổi phổ thông vì lứa tuổi phổ thông, khả năng tiếp nhận và phân tích vấn đề của các bạn còn thiếu kinh nghiệm, dẫn dến dễ bị các đối tượng xấu đưa thông tin sai lệch. Người trẻ không chỉ đọc, không chỉ dừng lại ở chuyện lựa tin tốt đọc, mà khi có tin giả, tin đồn thất thiệt phải có năng lực chống lại và tẩy chay.
Từ vụ Hồ Văn Cường bị đồn qua đời
Bình luận (0)