Dù Thủ tướng Shinzo Abe dành lời khen cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, giới phân tích Nhật Bản cho rằng nước này nên cân nhắc chính sách “tự thân vận động” trong thời gian tới.
Bài phân tích do hãng tin Nhật Kyodo đăng tải ngày 19.11 xuất hiện chỉ hai ngày sau khi ông Abe có cuộc hội đàm với ông Trump tại tòa nhà Trump Tower (New York, Mỹ).
Hãng thông tấn Nhật Bản mô tả cuộc gặp gỡ được lên lịch một cách vội vàng qua điện thoại vào ngày 10.11, tức chỉ 2 ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống. Sự kiện trên được chờ đợi sẽ đưa ra những cái nhìn đầu tiên của người Nhật về ông Trump cũng như mối quan hệ đồng minh giữa hai nước trong ít nhất 4 năm tới.
Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chú trọng thúc đẩy sự hỗ trợ từ Nhật nhằm ứng phó với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Ông Abe đã mô tả ông Trump là lãnh đạo đáng tin cậy trong một cuộc thảo luận “nồng ấm”. Tuy vậy các nhà phân tích cho rằng ông Abe đã đến lúc thay đổi chính sách có phần phụ thuộc vào Mỹ, do ông Trump là người theo khuynh hướng lấy lợi ích của người Mỹ làm ưu tiên.
“Ông Trump sẽ nói những điều trấn an về tầm quan trọng trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, nhưng những gì ông ấy sẽ làm trên tư cách tổng thống đối với Nhật, Trung Quốc cũng như nhiều điều khác nữa đều chưa thể biết được”, nhà khoa học chính trị Gerald Curtis tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định.
Cuộc gặp giữa ông Abe và ông Trump là sự kiện không cho báo giới tham gia, và cũng không nhiều thông tin chi tiết về những điều hai người thảo luận được đưa ra công chúng. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn trong quan hệ hai nước thời gian gần đây thuộc về tình trạng lính Mỹ đang đóng quân ở Nhật.
Trong giai đoạn tranh cử tổng thống, ông Trump từng kêu gọi các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả phí nhiều hơn để được Mỹ bảo vệ. Phát biểu trong tháng 11 này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada khi được hỏi đã đáp rằng khoản chi phí khoảng 1,9 tỉ USD mỗi năm chính phủ Nhật trả cho gần 50.000 lính Mỹ ở Nhật là thỏa đáng.
Theo lời một quan chức Nhật Bản nói với Kyodo, Nhật Bản sẽ giải thích với ông Trump về lợi ích của Mỹ trong việc đóng quân tại quốc gia này. Quan chức ấy khẳng định “nếu ông ấy là một người suy nghĩ theo hướng chú trọng cái được và mất, tôi nghĩ rằng ông ta sẽ hiểu lợi ích từ sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ví dụ như việc đóng quân gần Trung Quốc và Triều Tiên, xét theo chiến lược triển khai tiếp theo của Mỹ.
Việc thắt chặt quan hệ với Nga của Tổng thống Putin sẽ giúp Nhật Bản vừa giữ yên ấm các tranh chấp lãnh thổ, vừa khiến tiếng nói của mình có trọng lượng hơn trong mắt Mỹ dưới thời ông Trump, theo Kyodo Reuters
Takashi Kawakami, giáo sư tại Đại học Takushoku trong khi đó bi quan: “Suy nghĩ nền tảng và mang tính thực tế của ông Trump sẽ không thay đổi sau khi lên làm tổng thống. Ông ấy nhiều khả năng sẽ nhìn nhận chính sách đối ngoại như những cái có thể mặc cả. Nhật Bản cần phải chứng tỏ những gì mình có thể làm đối với lợi ích của Mỹ và thuyết phục ông Trump rằng Mỹ đang bảo vệ chính nước Mỹ, và Nhật không phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ. Chỉ khi Nhật Bản được ông Trump xem là đối tác thì ông ta mới chịu thỏa hiệp”.
Bản thân Nhật Bản cũng đang có những động thái tự gia tăng khả năng bảo vệ an ninh quốc gia. Dự luật cho phép quân đội nước này ra nước ngoài chiến đấu bảo vệ đồng minh đã được thông qua hồi tháng 3.2016.
Bên cạnh đó, Nhật cũng dẹp bỏ hiềm khích với Hàn Quốc ở nhiều vấn đề, để tập trung vào thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân sự trong mục tiêu đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Đối với vấn đề tuyên bố chủ quyền củaTrung Quốc trong khu vực Biển Đông và Hoa Đông, Nhật cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải với Úc, Ấn Độ, Philippines cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Peru tuần này, Thủ tướng Abe dự kiến có cuộc thảo luận lần thứ 3 trong năm nay với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ở lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản cũng phải chuẩn bị tinh thần trước viễn cảnh ông Trump phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng Abe từng cảnh báo rằng nếu Mỹ bác bỏ TPP, các nước châu Á sẽ quay sang Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm các quốc gia Đông Nam Á cộng thêm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
“Những gì ông Abe làm hiện tại là thắt chặt quan hệ với các nước, trong đó quan trọng nhất sẽ bao gồm những nước đồng minh khác của Mỹ như Hàn Quốc, Philippines. Việc đẩy mạnh quan hệ với Nga cũng sẽ giúp nâng cao vị thế đàm phán của ông Abe với ông Trump”, giáo sư Takashi Kawakami nói thêm.
Bình luận (0)