Bức họa gây tranh cãi La Bella Principessa - Ảnh: PBS |
Nó có thể là phát hiện của thế kỷ, hoặc chỉ là đồ giả mạo. Là bức họa thiếu nữ vùng Florentine với nụ cười kiểu Mona Lisa, kích thước 33 x 23,9 cm, La Bella Principessa được bán với giá 21.850 USD vào năm 2007. Tuy nhiên, giới chuyên gia hội họa cho rằng đây có thể là một tác phẩm của Leonardo da Vinci, và được định giá đến 150 triệu USD nếu là đồ thật, theo trang tin The Huffington Post.
Mỗi năm, thế giới lại chứng kiến sự xuất hiện của những tác phẩm vô giá đã thất lạc từ lâu, chẳng hạn như bức họa của Van Gogh, một lô hàng của Caravaggio, nơi cất giấu các bức họa của Picasso và Matiss. Kết quả là chủ sở hữu đột nhiên trở thành triệu phú trong đêm. Có thể thấy thị trường nghệ thuật thế giới ngày càng trở nên phát đạt, tạo ra một sức hút hầu như không thể cưỡng lại nổi đối với những người tàng trữ các tác phẩm hội họa, và tất nhiên cũng là mục tiêu đầy hấp dẫn của những kẻ lừa đảo. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tội phạm nghệ thuật kiếm tiền cao thứ ba trong thế giới ngầm, chỉ sau ma túy và buôn lậu vũ khí.
Trước tình trạng trên, giới chuyên gia hội họa phải trang bị những công nghệ mới nhằm phanh phui những thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn tội phạm. Đầu tiên, trước khi dùng máy móc công nghệ cao, bức họa phải được giám định bởi một chuyên gia am hiểu về hội họa. Chẳng hạn, Martin Kemp, một học giả hàng đầu thế giới về Leonardo da Vinci, đã triển khai một cuộc “thẩm vấn” nghiêm ngặt kéo dài cả năm trời đối với La Bella Principessa. Ông đã phân tích tỉ mỉ từng nhát cọ, hỗn hợp màu, chi tiết của quần áo nhân vật và không phát hiện điều gì bất thường. Bức họa tiếp tục bị săm soi bằng các kỹ thuật vô cùng tiên tiến, cho phép con mắt tinh tường của các học giả có thể nhìn sâu hơn vào tác phẩm.
Trong nhiều thập niên qua, các chuyên gia giám định đã sử dụng máy chụp bằng tia X hoặc tia hồng ngoại để xuyên thấu bề mặt bức họa và hé lộ những chi tiết ẩn. Hiện công nghệ ngày càng được hoàn thiện hơn. Đài CNN dẫn lời Jean Penicaut (CEO của hãng Lumière Technology, trụ sở tại Paris), đã dùng các camera đa quang phổ với độ phân giải 300 megapixel để tạo ra một mô hình ảnh quét kỹ thuật số cắt qua mặt dưới của bức họa, cho ra một lát cực mỏng tận gốc rễ của bức tranh sơn dầu. Kết quả phân tích chất màu cho thấy chúng đích thực chỉ xuất hiện vào thời của Da Vinci. Phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy phẩm màu được pha trộn vào trong giai đoạn từ năm 1440 đến 1650. Có thể thấy mọi thứ vẫn hoàn hảo đối với “nàng công chúa có nụ cười Mona Lisa”, càng làm dầy thêm hy vọng rằng La Bella Principessa có thể là tác phẩm thực sự của da Vinci.
Trước đây, các chuyên gia rất tự tin những bài kiểm tra gắt gao như trên có thể lật tẩy kẻ giả mạo. Tuy nhiên, kỹ thuật của giới hắc đạo cũng ngày càng tinh vi hơn, và theo kịp đà phát triển của những công nghệ tiên tiến nhất. Có lẽ là vì vậy mà dù mất nhiều năm nhưng các chuyên gia vẫn chưa có kết luận chính thức. Hiện họ bắt đầu vận dụng những quy trình vốn chỉ áp dụng trong trường hợp điều tra án mạng trong nỗ lực xâu chuỗi các chứng cứ để xác định độ chân thực của tác phẩm.
Phi Yến
>> Quyền năng bức tự họa của da Vinci
>> Nỗ lực cứu chân dung tự họa của Leonardo Da Vinci
>> Bức tranh thất lạc của Leonardo da Vinci được tìm thấy ở ngân hàng Thụy Sĩ
>> Tranh của Leonardo Da Vinci đang lưu lạc ở VN ?
>> Leonardo da Vinci vẽ chính mình trong bức “Bữa tiệc ly”?
Bình luận (0)