Lá chắn chống kỳ thị tại San Francisco

30/09/2018 22:00 GMT+7

Một phụ nữ Mỹ gốc Việt lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Silicon Valley FACES chuyên giúp các em học sinh vượt qua nạn bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Đến Mỹ cùng gia đình khi mới 3 tuổi, Tuyen Fiack trải qua tuổi thơ ở San Francisco, bang California và cũng như nhiều trẻ em nhập cư khác, bà phải trải qua tuổi thơ bị kỳ thị và bắt nạt. “Tôi từng bị chặn đường đánh đập khi đi bộ đến lớp học đàn piano. Cầm đầu chính là con trai của giáo viên dạy nhạc và cậu ta còn bảo tôi hãy biến khỏi nước Mỹ”, bà Tuyen (46 tuổi) kể với tờ The Mercury News. Cô bé Tuyen lúc bấy giờ chỉ biết giữ im lặng, không dám kể cho bất kỳ ai, thậm chí cả cha mẹ mình. “Sau hơn 20 năm làm kinh doanh và chứng kiến tình trạng phân biệt đối xử chốn học đường lẫn nơi làm việc, tôi quyết định tham gia Silicon Valley FACES để giúp đỡ con em của gia đình nhập cư”, bà chia sẻ.
Được thành lập năm 1965, Silicon Valley FACES đã tổ chức nhiều chương trình trại huấn luyện kéo dài từ 4 - 7 ngày cho học sinh trung học tại Khu vực vịnh San Francisco và nhiều nơi khác. Tổ chức này áp dụng biện pháp “trải nghiệm” nỗi đau bị bắt nạt và phân biệt đối xử trong những buổi hội thảo hoặc cắm trại. Mới đây, trong buổi cắm trại trên núi Santa Cruz, 55 thiếu niên được chia thành từng nhóm theo giới tính và chủng tộc thường gánh chịu định kiến trong xã hội Mỹ.
Các em được hướng dẫn dùng những ngôn từ xúc phạm, thậm chí chửi mắng để nhục mạ nhau, theo tường thuật của The Mercury News. Những từ ngữ phản cảm nhất được viết trên bảng để gợi ý. “Bọn Trung Đông đều là khủng bố. Những người đồng tính là bệnh hoạn”, điều phối viên Richard Valenzuela hô to cho học sinh lặp lại. Đến nhóm gốc châu Á, những từ trên bảng gồm “mắt hí” và “mọt sách”, còn nhóm châu Phi thì bị nhục mạ là “khỉ không biết bơi”… Sau đó, tất cả học sinh ngồi lại cùng nhau thảo luận, giãi bày về nỗi đau bị kỳ thị, về tình trạng phân biệt chủng tộc cũng như chia sẻ kinh nghiệm ứng phó. Điều phối viên Valenzuela còn khuyến khích các em kể lại những câu chuyện khủng hoảng của mình như cha mẹ nghiện rượu bia hay ma túy, người đồng tính bị gia đình ruồng bỏ… “Chúng tôi không để vết thương lòng của các em mưng mủ mà giúp mở ra, rửa sạch và sát trùng. Có như vậy mới có thể hồi phục”, cựu Giám đốc Silicon Valley FACES Pat Mitchell cho hay. Tương tự, bà Tuyen cho rằng tình trạng phân biệt trong xã hội là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và khó nói ra, đặc biệt với các em trong độ tuổi thiếu niên, nên cần phải có biện pháp đặc biệt này.
Bà Tuyen Fiack
Tuy nhiên, tờ San Francisco Chronicle dẫn một số ý kiến chỉ trích phương pháp “mở vết thương” có nguy cơ đẩy thiếu niên vào tình trạng cảm xúc “quá khích”. Sự nghi ngờ của dư luận chính là thách thức lớn nhất đối với Tuyen Fiack khi mới đảm nhiệm chức vụ giám đốc tổ chức vào năm 2017. Tuy nhiên, bà quyết không bỏ cuộc. Nữ giám đốc mời thêm những chuyên gia tâm lý hàng đầu để tham vấn, khảo sát ý kiến phụ huynh, giáo viên cùng học sinh để đổi mới chương trình. “Chúng tôi có hơn 11.000 cựu học viên. Họ vận dụng kiến thức, kỹ năng đóng góp cho cộng đồng và thậm chí phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công tác xã hội dù nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại dai dẳng”, bà Tuyen tự hào nói.
Quyết tâm và nỗ lực của bà Tuyen đã giúp những cái nhìn nghi ngờ và lo ngại ngày càng ít đi. Silicon Valley FACES tiếp tục thu hút thêm nhiều học sinh tham gia và vừa mở thêm chương trình mới tại Trường trung học James Lick ở TP.San Jose, bắc California. Không chỉ học sinh, chương trình mới hướng đến tổ chức hội thảo, diễn đàn dành cho giáo viên và phụ huynh do chính bà Tuyen chủ trì với mục tiêu thay đổi mô hình kỷ luật nhằm động viên nhiều học sinh đến trường, không bỏ học cùng nhiều vấn đề khác về bắt nạt học đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.