Ở Đà Nẵng là chuyện tung tin bắt cóc trẻ em để câu like bán hàng. Ở Hà Nội là chuyện tung tin máy bay rơi cũng để câu like bán hàng. Rồi là ở Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An… Những trò câu like, câu view hoặc đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội tưởng chỉ là trò đùa vô hại, cuối cùng lại gieo rắc những nỗi sợ hãi có thật trong cộng đồng.
Và từ những nỗi sợ hãi được gieo rắc ấy, đã phát sinh những hành động còn đáng sợ hãi hơn. Người dân nhiều nơi đã không cần suy xét lý lẽ, lao vào tấn công những người bị nghi oan bắt cóc trẻ em, bị nghi oan trộm cắp tài sản. Có thứ gì đó đã được nhân danh trong hành vi của đám đông tự xử thay cho pháp luật. Một thứ gì đó dường như rất mơ hồ nhưng lại thúc đẩy những hành vi có thật của đám đông, và hủy hoại các giá trị ứng xử của một xã hội văn minh, có trật tự và luật pháp.
Chúng ta sẽ trách ai, là trách những ai đã gây ra tình cảnh trớ trêu này? Tại sao chúng ta lại có cái thực tế gieo rắc nỗi sợ hãi trên mạng xã hội như một diễn tiến không thể tránh khỏi của văn hóa mạng xã hội ở VN?
Đương nhiên rồi, là trách, và phải là trừng trị mới thỏa đáng, những kẻ đã đủ độc ác để chỉ vì chút lợi ích cỏn con như câu like mà gieo rắc nỗi sợ hãi cho cộng đồng.
Nhưng rồi có bao giờ chúng ta tự trách mình. Là trách mình nông nổi, tin ngay lập tức vào những tin tức thất thiệt trên mạng và bấm like quan tâm, bấm share để chia sẻ. Hóa ra những nỗi sợ hãi không phải được gieo rắc bởi những kẻ đưa tin thất thiệt, mà thật ra là được gieo rắc bởi chính việc like, share thiếu trách nhiệm của mỗi chúng ta khi tham gia đời sống mạng.
Nhiều nước trên thế giới đã ý thức được sâu sắc vấn đề nâng cao trách nhiệm xã hội của người dân khi tham gia đời sống tin tức, nên họ lên chiến lược để giải quyết một cách nghiêm túc, căn cơ các vấn đề liên quan đến kỹ năng tiếp nhận, xử lý tin tức mỗi ngày của người dân. Chiến lược ấy mang tên “xóa mù tin tức” (news literacy), nghĩa là cần phải giáo dục cho người dân những hiểu biết đầy đủ về tin tức và những cách thức để hành xử với tin tức một cách có trách nhiệm hơn. Chẳng hạn, giúp người dân suy xét giá trị của tin tức dựa trên việc đánh giá nguồn tin, đánh giá động cơ của người đưa tin, đánh giá tính xác thực của các chi tiết thông tin. Và chỉ ra cho người dân cân nhắc hơn trước những hành động like, share tin tức.
Không có kẻ đưa tin thất thiệt nào có thể ép buộc bạn phải tin những gì họ đăng lên, phải share những điều còn chưa biết rõ thực hư. Không có kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi nào có đủ quyền lực đẩy sau lưng để xô bạn vào một cuộc đánh đập bất cần lý lẽ đối với những người bị nghi ngờ.
Chỉ có chính bạn đã tự cho phép làm những việc như thế mà thôi. Là chính bạn.
Bình luận (0)