Rau đắng hay còn gọi là lá đắng, vùng núi gọi là rau rừng, có nguồn gốc từ vùng cao của người Mường ở Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh: Đoàn Xuân |
Qua thời gian và nhờ các thực khách phương xa thưởng thức, đặc sản rau rừng đã được đưa về trồng trong vườn nhà. Nhờ thế dưới vùng đồng bằng Quảng Xương quê tôi mới có thêm nhiều món ngon nấu cùng lá đắng.
Lá đắng rất dễ trồng, dễ sống nên xanh tốt quanh năm, chỉ cần cây lên khỏi mặt đất ra lá có thể hái ăn dần. Lá đắng được nhiều người dân quê tôi thích vì ngon bổ khi nấu cùng các món ăn có tác dụng tiêu mỡ, chống đầy hơi, giúp thức ăn dễ tiêu hóa, giải rượu rất tốt. Có thể dùng lá đắng nấu với lòng gà, lòng heo, thịt ba chỉ băm viên, hay kho với cá đồng.
Ngon nhất với tôi là món lá đắng nấu lòng heo. Lá đắng chọn lá bánh tẻ không già, không non, hái nấu là giòn ngon nhất. Lòng heo chọn loại hỗn hợp gồm ruột non, ruột già, gan, tim, cật thêm ít thịt ba rọi bằm nhỏ. Làm rạch lòng heo bằng muối hạt với chanh sau đó cắt miếng vừa ăn, ướp gia vị ớt, tiêu, nước mắm, hành, bột nêm chờ thấm. Lá đắng rửa sạch, thái nhỏ để ra rổ cho ráo nước. Phi thơm hành, trút lòng heo vào xào gần chín cho lá đắng vào, đảo đều. Nêm gia vị, thêm chút nước vào xăm xắp nấu khoảng 20 phút cho lá đắng thật mềm, nêm lại cho vừa miệng trước khi tắt bếp rắc chút hành lá, rau ngổ cho thơm.
Nhiều người lần đầu ăn chưa quen với vị đắng tự nhiên thường không cảm nhận hết vị ngon ngọt của món ăn này. Nhưng càng ăn càng “ghiền”, sẽ thấy nhớ vị đắng rất riêng được hòa quyện trong vị béo, ngọt bùi thơm thấm trong mỗi miếng lòng heo.
Bình luận (0)