Những nghề độc lạ

Là gốm nhưng không phải... gốm

14/10/2024 06:48 GMT+7

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

ĐẤT SÉT PHA BỘT ĐỒNG

Ở Huế, nhắc đến Đỗ Hữu Triết là người ta nghĩ đến nghệ nhân có nhiều công lao trong phục dựng nghệ thuật pháp lam, góp sức to lớn trong trùng tu các công trình ở Đại nội Huế. Đầu năm 2024, ông cùng nhiều nghệ sĩ thân tín đã lập danh cho một chất liệu mới với tên Việt kim diêu. "Kim là kim loại, diêu là gốm, còn Việt là để thể hiện tính đại diện cho VN, cho sự ưu việt của loại vật liệu này. Nói một cách dễ hiểu, Việt kim diêu là loại chất liệu thuần Việt, được hình thành từ sự phối trộn giữa bột đồng với đất sét, cho phép người nghệ sĩ tạo hình tranh, tượng… đầy mới mẻ", ông nói.

Ông Triết kể, năm 1997, ông sang Nhật Bản học tập công tác bảo tồn di sản trong vòng mấy tháng thì tình cờ biết đến loại chất liệu có tên đất sét kim loại (metal clay). Đây là loại chất liệu được người Nhật tạo nên qua việc trộn một chất kết dính hữu cơ cùng các hạt siêu nhỏ, như vàng, bạc, đồng… để làm trang sức. Dù có giá rất đắt, nhưng với ý định sẽ tìm ra loại chất liệu tương tự mang đậm dấu ấn của VN, ông bấm bụng mua về một mẩu trang sức để nghiên cứu. Ròng rã trong nhiều năm thử nghiệm với nhiều kim loại khác nhau, từ nhôm đến sắt, thép…, ông phát hiện ra rằng chỉ với bột đồng pha cùng đất sét tỷ lệ dưới 50% sẽ cho ra loại chất liệu nửa gốm nửa kim rất bền.

Là gốm nhưng không phải... gốm- Ảnh 1.

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết giới thiệu tranh do ông sáng tác từ Việt kim diêu

ẢNH: HOÀNG SƠN

"Nếu đất sét kim loại bị nung, chất hữu cơ cháy hết để kim loại kết khối và trở về nguyên bản thì Việt kim diêu đưa thẳng bột đồng vào đất sét nên khi nung sẽ cho ra chất liệu có nhiều đặc tính vật lý độc đáo. Hỗn hợp chứa kim loại nên nhiệt độ độ kết khối chỉ ở khoảng 900 độ C, trong khi độ kết khối của gốm thường ở 1.100 độ C. Việt kim diêu có độ co rút thấp nên rất thuận tiện cho các nghệ sĩ điêu khắc, mỹ thuật sử dụng để sáng tác", nghệ nhân Đỗ Hữu Triết phân tích và cho biết thêm điểm đặc biệt nữa là Việt kim diêu khi được tráng men đem đi nung sẽ có sự hòa tan giữa men và kim loại, hiện lên ánh kim cực kỳ đẹp mắt. "Gốm rất khó hoặc phải nung đạt đến 1.300 độ C mới tạo được ánh kim. Dẫu vậy, nhiệt độ quá cao sẽ dễ bị hỏng gốm", ông nói.

PHIÊU CÙNG CHẤT MEN PHÁP LAM

Xưởng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ pháp lam của ông Đỗ Hữu Triết nay còn đảm nhận thêm nhiệm vụ chế tác các tác phẩm mỹ thuật từ chất liệu Việt kim diêu. Lúc tôi đến, ông Triết đang say sưa ngắm 2 bức tranh có tên Chuyển pháp luânNgôi đền cổ được ông sáng tác cách đây không lâu. Xung quanh chỗ ngồi tiếp khách, ông còn đặt nhiều bức tranh trừu tượng được "vẽ" bởi Việt kim diêu trên những tấm gạch men vuông (60 x 60 cm). Xen lẫn là những bức tượng màu đen, nâu… bật lên ánh kim.

Giới thiệu về 2 bức tranh, ông Triết cho biết Việt kim diêu sau khi đắp thành hình khối trên khung sẽ được phủ lên một lớp men pháp lam với nhiều màu sắc khác nhau. Sau đó, sản phẩm được mang đi nung ở môi trường nhiệt độ cao. "Pháp lam nằm ở đâu trong Việt kim diêu? Đó là câu hỏi tôi luôn trăn trở bởi mình là người phục chế pháp lam thành công với kỹ thuật tráng men lên cốt đồng. Tôi thử nghiệm dùng men pháp lam tráng lên Việt kim diêu và thật sự bất ngờ vì sau khi nung, đồng đã liên kết với men tạo hòa sắc chung rất đặc sắc", ông Triết nói và chia sẻ thêm: "Một kỹ thuật rất khó trong mỹ thuật là hòa sắc nhưng không bị lòe loẹt. Men pháp lam cùng Việt kim diêu tạo nên sắc màu mạnh, đối chọi nhưng lại hòa sắc…".

Là gốm nhưng không phải... gốm- Ảnh 2.

Chất liệu Việt kim diêu tạo được ánh kim đặc sắc trên một bức tượng do ông Đỗ Hữu Triết sáng tác

ẢNH: HOÀNG SƠN

Dạo một vòng quanh xưởng và thấy những tác phẩm được đắp, nhào nặn từ Việt kim diêu, quả thật người xem rất khó phân biệt nó với đất sét vì màu sắc bên ngoài rất giống nhau. Chỉ khi qua lò nung cùng với lớp men pháp lam phủ lên, sản phẩm từ Việt kim diêu thật sự như được lột xác với ánh kim, màu sắc mỹ miều. "Việt kim diêu là chất liệu kế thừa chất gốm dân gian cộng với những kỹ thuật từ Nhật Bản, chất men của pháp lam sẽ tạo ra những tác phẩm mỹ thuật vượt lên những giá trị cổ truyền của ngành gốm. Cũng như câu chuyện sơn mài vốn dĩ đi từ thủ công mỹ nghệ đã trở thành câu chuyện lớn của mỹ thuật. Tôi mong rằng, với Việt kim diêu, VN sẽ có dòng gốm mỹ thuật nổi tiếng thế giới", ông Triết kỳ vọng.

"Vậy giới mỹ thuật và thị trường đã đón nhận Việt kim diêu thế nào?", tôi hỏi. Ông Triết cho biết nhiều nghệ sĩ đã sử dụng chất liệu này và rất phấn khích. Ông đang mời những họa sĩ tên tuổi tham gia sáng tác tác phẩm từ Việt kim diêu và dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện các triển lãm tại Huế, TP.HCM và Hà Nội. Ông cũng làm hồ sơ mang 2 bức tranh đã nêu dự cuộc thi UOB Painting of the year 2024 (một trong những cuộc thi nghệ thuật uy tín ở Đông Nam Á). "Tôi đã bán ra khoảng 10 bức tranh. Những sáng tác từ Việt kim diêu luôn mang giá trị độc bản, đặc biệt là tranh Việt kim diêu phủ men pháp lam được thị trường Âu - Mỹ ưa chuộng vì tính độc đáo của nó. Là gốm nhưng không phải… gốm, bởi Việt kim diêu đã nâng tầm câu chuyện gốm mỹ nghệ thành chất liệu mỹ thuật ở tầm cao hơn", ông chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.