Lạ kỳ 'quái vật' sông Amazon sinh sản tại Tây Ninh

05/06/2015 18:48 GMT+7

(TNO) Nhiều ngày qua, người dân địa phương xôn xao trước thông tin cá hải tượng (có tên trong sách Đỏ thế giới) của gia đình ông Ngô Văn Phước (60 tuổi, ngụ ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đã sinh sản trong môi trường ao nuôi.

(TNO) Nhiều ngày qua, người dân địa phương xôn xao trước thông tin cá hải tượng (có tên trong sách Đỏ thế giới) của gia đình ông Ngô Văn Phước (60 tuổi, ngụ ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đã sinh sản trong môi trường ao nuôi.

 

Lạ kỳ cá hải tượng khổng lồ Nam Mỹ sinh sản tại Tây Ninh - Clip do gia đình ông Ngô Văn Phước cung cấp

Con cá hải tượng này đã sinh sản được trong môi trường ao nuôi tại Tây Ninh - Ảnh cắt từ clip do gia đình ông Ngô Văn Phước cung cấp

Nuôi “chơi”, đẻ thiệt

Chiều 5.6, trao đổi với PV Thanh Niên Online, anh Võ Văn Quang (39 tuổi, con ông Phước) xác nhận đúng là một trong số 6 con cá hải tượng đang nuôi trong hồ của gia đình anh đã sinh sản (được khoảng hơn 1.000 con) được hơn 1 tháng nay.  Anh Quang hớn hở nói: “Điều này chính bản thân tôi cũng không thể ngờ”.

Anh Quang kể, hơn 1 tháng trước, người nhà anh phát hiện trong hồ đang nuôi cá hải tượng bỗng xuất hiện bầy cá con chi chít, bơi lội tung tăng xung quanh đàn cá hải tượng mới nặng khoảng 35 - 40kg/con. Lúc này, gia đình anh vẫn chưa nghĩ là con của cá hải tượng đẻ ra mà chỉ nghĩ là bầyy ròng ròng (con của cá lóc mà gia đình thả làm mồi). Thế nhưng, vài tuần sau quan sát lại thì đàn cá con bắt đầu lớn nhanh và có hình dạng của cá hải tượng. Thông tin cá khổng lồ có thể sinh con trong môi trường ao nuôi khiến gia  đình anh được nhiều người biết đến.

Anh Quang kể thêm, hơn 3 năm trước, một người bạn của ba anh tại TP.HCM thấy gia đình có sẵn ao rộng, gần khu vực công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thuận lợi về nguồn nước tự nhiên nên cho ba anh 7 con cá hải tượng (khoảng 10kg/con) về nuôi chơi.

Anh Quang cũng cho biết, xung quanh trang trại của gia đình anh có nhiều ao cá liên thông với nhau với tổng diện tích ao khoảng 300 m2. Tuy nhiên, ban đầu ba anh quyết định thả bầy cá hải tượng vào trong cùng một ao, dùng lưới B40 ngăn lại để đàn cá không bơi sang những ao nuôi các loài cá khác.

Một con hải tượng được ông Phan Văn Bé (66 tuổi, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) bắt được ở con rạch trước nhà hồi 23.4.2014 - Ảnh: Thanh Đức

Cá ngoại nhập có tên trong sách đỏ thế giới

Hơn 1 năm sau đó, đàn cá lớn nhanh, ao nuôi trở nên chật chội nên một con cá bị chết. Sau đó, số cá còn lại thoát ra được những ao khác lớn hơn và phát triển tốt hơn.

Cũng theo anh Quang, lúc mới mang bầy cá về, mỗi tuần gia đình chỉ mua khoảng 2 kg cá biển nhỏ cho chúng ăn. Tuy nhiên, sau một thời gian, gia đình phát hiện chúng ăn gần hết số cá nuôi trong những ao còn lại. Gần đây, mỗi tuần, anh đều đặn mua hơn 10 kg cá lóc nuôi để cho chúng ăn.

Cũng theo anh Quang, đến thời điểm hiện tại, đàn cá hải tượng con đã lớn bằng cổ tay và đã tách bầy đi ăn riêng. Đàn cá con ẩn theo giề lục bình để kiếm ăn cứ tầm khoảng 10 - 15 phút chúng ngoi lên mặt nước để thở.

Anh Quang háo hức: “Thấy đàn cá có thể sinh sản được gia đình hào hứng lắm. Gia đình vốn chỉ nuôi đàn cá để giải trí thì nay càng thấy thú vị”.

Theo giới chơi cá cảnh tại Tây Ninh, loài cá này nếu được chăm sóc tốt có thể đạt được chiều dài đến 3 m và nặng đến 200 kg. Loài cá này có mặt tại Việt Nam do dân chơi cá cảnh đưa về.

Chưa có quy định về mua bán, nuôi loài hải tượng

Cùng ngày (5.6), trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh cho biết, ông cũng vừa hay tin đàn cá hải tượng tại huyện Trảng Bàng sinh sản nhưng chưa được tận mắt thấy.

Theo ông Khải, cá hải tượng là loài cá ngoại nhập có tên trong sách Đỏ thế giới. Tuy nhiên, hiện ngành thủy sản không thấy có quy định về mua bán, nuôi loài cá này.

Ông Khải nói thêm: “Do loài cá này được người nuôi để cầu tài, lộc nên hiếm ai ăn thịt. Mặt khác, loài cá này lại  tiêu thụ thức ăn (cá, tôm cua..) rất mạnh, nếu người nuôi phóng sinh ra sông ngòi thì môi trường tự nhiên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng”.

Loài giới hạn mua bán quốc tế
Theo tài liệu từ fishviet.com (thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), cá hải tượng có tên khoa học là Arapaima gigas phân bố chủ yếu tại Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon. Đây là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II).
Loài cá này mặc dù hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp. Cá cái đẻ khi đạt 5 tuổi và chiều dài 170 cm, và hiện loài cá này chưa được sản xuất giống tại Việt Nam. Giá ngoài thị trường, cá nhỏ làm giống có mức khoảng 1,5 triệu đồng/con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.