Nhà cửa, gia súc, cây cối của người dân cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi, chôn vùi... Các tuyến đường huyết mạch nối liền các xã vùng cao như: Phước Kim, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc cũng bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào các xã vùng cao này với kinh phí hơn 400 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm xảy ra thảm họa sạt lở núi, dự án tái thiết, khôi phục các tuyến đường này đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ", khiến hàng trăm hộ dân gặp khó trong việc lưu thông qua lại.
Theo Ban Quản lý dự án H.Phước Sơn, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; cố tình kéo dài, không triển khai thi công thực hiện dự án theo hợp đồng; có nhà thầu không triển khai thi công. Để "bào chữa" cho việc chậm trễ, các đơn vị thi công có văn bản gửi UBND H.Phước Sơn với lý do giá vật liệu khan hiếm, tăng quá cao so với hợp đồng ban đầu và đề nghị tháo gỡ khó khăn mới thi công trở lại.
Một cán bộ H.Phước Sơn nói với người viết rằng để đối phó với lãnh đạo huyện khi đi kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã thuê người dân mặc áo công nhân của công ty rồi ra san lấp một số vị trí nhằm đối phó để qua mặt. Việc thi công chậm trễ này nguyên nhân đầu tiên là do nhà thầu thiếu năng lực.
Chính ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cũng thừa nhận rằng khi lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra và ghi nhận thấy nhiều nơi chỉ lác đác vài công nhân làm việc cho có, còn lại hầu như là dừng hoạt động. Các đơn vị đã cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ xử lý theo quy định.
Đối với những nhà thầu thiếu năng lực, lại còn làm kiểu đối phó thì cần phải xử lý nghiêm, không để sự yếu kém của đơn vị thi công ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của từng địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Phải thẳng tay loại bỏ các nhà thầu này, có như vậy mới có thể nâng cao chất lượng, tiến độ các công trình giao thông, các dự án trọng điểm.
Bình luận (0)