Lạ lùng tên trẻ Ca Dong

25/03/2012 03:00 GMT+7

Tại huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi), người Ca Dong đặt tên cho con mình theo kiểu Hàn Quốc hay hãng điện thoại.

Tại huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi), người Ca Dong đặt tên cho con mình theo kiểu Hàn Quốc hay hãng điện thoại.

Ngày sinh: Mùa rẫy!

Cộng đồng người Ca Dong ở H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) khoảng 16.000 người, chiếm gần 90% dân số toàn huyện. Cuộc sống chỉ quẩn quanh với núi rừng nên trong trí nhớ của họ không có khái niệm thời gian tính bằng ngày, tháng, năm mà chỉ biết mùa rẫy hay mùa đâm trâu. Vì thế, nhiều gia đình chẳng hề quan tâm đến chuyện làm giấy khai sinh cho con em mình.

 Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết nhiều cháu đã 3-4 tuổi mới làm giấy khai sinh, cô giáo Hoàng Thị Hương Giang, Hiệu phó Trường mầm non Sơn Mùa, lý giải: “Phụ huynh người Ca Dong ở Sơn Tây chẳng đoái hoài đến chuyện làm giấy khai sinh cho con. Khi các cháu đến tuổi đi học, cô giáo nhắc năm lần bảy lượt họ cũng chẳng thèm làm. Thế là các cô phải đi làm thay”. Theo cô Giang, sau nhiều năm vận động, kiên trì “bám” phụ huynh nên hơn 200 cháu là con em của đồng bào Ca Dong đang theo học tại trường mới có giấy khai sinh.


Trẻ em người Ca Dong ở huyện vùng cao Sơn Tây  


Ao ước có điện thoại di động nên anh Đinh Văn Bao đặt tên con trai đầu lòng của mình là Nôkia (phải)   

 
Mê phim Hàn, vợ chồng chị Đinh Thị Nga đặt tên con là Đinh Ơn Jun Sing - Ảnh: Hiển Cừ
 

 Hơn 10 năm gắn bó với ngành học mầm non Sơn Tây, cô giáo Cao Thị Kim, giáo viên Trường mầm non Sơn Mùa, đã trực tiếp làm rất nhiều giấy khai sinh thay cho phụ huynh. Cô thổ lộ: “Chuyện đi làm giấy khai sinh cho các cháu vất vả chẳng kém gì nhiệm vụ nuôi dạy trẻ”. Để các cháu đến trường đúng độ tuổi, giáo viên phải lo tất tật từ đơn xin nhập học đến bỏ tiền mua mẫu giấy khai sinh, sau đó đến từng nhà phụ huynh hỏi thông tin điền vào rồi đến UBND xã chứng thực. “Trèo đèo, lội suối cả chục cây số, bở cả hơi tai mới đến được nhà nhưng phụ huynh họ lại đi làm rẫy. Thế là đành phải quay về, hôm sau lại đến. Có khi đi 2-3 lần mới gặp được phụ huynh, bọn em mừng lắm”, cô Kim nhớ lại.

Gặp được phụ huynh đã khổ nhưng chuyện ghi ngày tháng sinh của các cháu lại càng dở khóc, dở cười. Nhiều cặp vợ chồng người Ca Dong sau khi sinh con dùng phấn trắng ghi ngày tháng vào cột nhà hoặc ghi vào miếng giấy nhỏ đem cất. Đến khi cô giáo tới hỏi thì những con số ngày sinh tháng đẻ trên cột nhà không còn, miếng giấy cũng không nhớ đã cất ở đâu. Dù vậy, họ lại rất vô tư: “Vợ chồng mình làm sao nhớ nổi ngày tháng sinh của nó. Chỉ nhớ nó sinh vào mùa rẫy, mùa đâm trâu thôi!”. Nghe thế, nhiều cô giáo lắc đầu ngao ngán, rồi căn cứ theo mùa như: mùa rẫy từ tháng 1 đến tháng 3, mùa đâm trâu từ tháng 4 đến tháng 5 để “định” ngày, tháng sinh cho các cháu.

 

Cái tên Đinh Ơn Jun Sing nghe cũng lạ, cũng hay

Chị Đinh Thị Nga

“Cháu là Nôkia, Ơn Jun Sing”

Đến một số bản làng vùng cao Sơn Tây, tôi ngạc nhiên bởi lần đầu tiên nghe các em học sinh người Ca Dong trả lời: Cháu là Đinh Nôkia, Đinh Ơn Jun Sing, Đinh Ơn Jun Zơ, Đinh Li Ô, Kakywell, Yi Haing…

Trèo lên con dốc dựng đứng, tôi tìm đến nhà cháu Đinh Nôkia (8 tuổi), ở tập đoàn 3, xã Sơn Mùa, đang học lớp 2B Trường tiểu học Sơn Mùa. Khi tôi hỏi vì sao vợ chồng lại đặt tên cho con như thế, chị Định Thị Xí (26 tuổi), mẹ của Đinh Nôkia, thật thà kể: Nhà nghèo lắm, hết lên rẫy thì đi làm thuê kiếm sống để nuôi 2 con nhỏ nhưng chồng chị chỉ mong có cái điện thoại “nhỏ xíu” bỏ trong túi cho bằng bạn bằng bè. Sau nhiều năm quần quật với rẫy nương mà cái nghèo cứ đeo bám, điện thoại cũng chẳng có, nên khi làm giấy khai sinh cho con, anh Đinh Văn Bao (chồng chị Xí) đã “cụ thể hóa” ước mơ của mình bằng cách thay tên con là Đinh Văn A bằng cái tên nghe rất... điện thoại: Đinh Nôkia. “Gia đình tui giờ đã có Nôkia cũng nói, cũng nghe, cũng hát được. Thế cũng vui chứ có sao đâu”, anh Bao hớn hở.

Tìm hiểu về chuyện đặt tên con của người Ca Dong ở Sơn Tây theo tiếng nước ngoài, tôi mới vỡ vạc ra một điều, đa phần những gia đình nghèo khó vì thích điện thoại di động nhưng chẳng biết lấy đâu ra tiền để mua nên đã đặt tên con như Đinh Nôkia, Đinh Sam Sung hay Đinh Motorola… Trái ngược, những gia đình sắm được ti vi, đầu đĩa thì lại “thời thượng” hơn trong cách đặt cho con theo tên các diễn viên Hàn Quốc, cầu thủ nổi tiếng ở nước ngoài.

 

Người Ca Dong mà có cái tên giống như người nước ngoài thì khó coi, khó đọc, khó viết lắm 

Ông Đinh Văn Vôn, Trưởng công an xã Sơn Mùa

Gia đình vợ chồng chị Đinh Thị Nga (21 tuổi) là một trong những hộ có đời sống tương đối khá ở tập đoàn 5, xã Sơn Mùa. Mấy năm trước, khi những bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc được phát sóng trên truyền hình, vợ chồng chị Nga hầu như chẳng bỏ sót tập nào. Mê phim Hàn Quốc, quá yêu thích những diễn viên xinh đẹp của xứ kim chi nên vợ chồng chị Nga liền đặt tên cho con trai đầu lòng trong giấy khai sinh là Đinh Ơn Jun Sing. “Ban đầu các cô giáo khuyên bảo không nên đặt cái tên như thế, chỉ đặt là Đinh Văn Xin thôi nhưng vợ chồng mình không chịu. Cái tên Đinh Ơn Jun Sing nghe cũng lạ, cũng hay”, chị Nga hồn nhiên nói.

Nhìn vào giấy khai sinh của hai đứa con chị Đinh Thị May (27 tuổi), ở tập đoàn 3, xã Sơn Mùa, tôi càng sửng sốt hơn khi các cháu không còn mang họ Đinh nữa (dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây đều mang họ Đinh - PV). Đứa lớn là Kakywell, đứa nhỏ là Yi Haing. Trong khi đó, sổ hộ khẩu thì Kakywell còn có một cái tên gọi khác là Singa Well và Yi Haing là Yi Elic. “Tôi thật sự không thích tên con mình như thế vì nó lạ lẫm với người Ca Dong quá nhưng không thể cãi được vì đó là ý thích của chồng”, chị May giãi bày.

Chồng chị May không có nhà, nhưng theo lời chị kể anh là người rất mê bóng đá nước ngoài và thích ca hát, nên tôi nghĩ có lẽ anh đặt tên con theo tên một cầu thủ hoặc một bài hát nào đó...

Không phù hợp bản sắc văn hóa

Đề cập đến vấn đề các bậc phụ huynh đặt tên con theo tiếng nước ngoài, ông Đinh Văn Vôn, Trưởng công an xã Sơn Mùa, nói: “Chuyện đặt tên cho con là sở thích của mỗi người, không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, người Ca Dong mà có cái tên giống như người nước ngoài thì khó coi, khó đọc, khó viết lắm”.

Trong khi đó, nhiều già làng người Ca Dong lại chẳng mấy quan tâm đến việc những đứa cháu của mình có cái tên “lạ”. Ông Đinh Trinh (61 tuổi), ông ngoại của cháu Đinh Ơn Jun Sing, cho biết: “Bọn trẻ muốn đặt tên con nó sao cũng được. Mình già rồi nói chúng cũng chả nghe, lại còn kêu lạc hậu”.

Theo ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND H.Sơn Tây, vài năm trở lại đây, cuộc sống của người Ca Dong trên địa bàn huyện đã thực sự đổi thay. Nhiều hộ gia đình nhờ biết cách làm ăn nên đã thoát nghèo vươn lên có cuộc sống no đủ. Song trình độ nhận thức lại không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế nên một số cặp vợ chồng trẻ, bắt chước theo phim ảnh một cách máy móc, cứ lầm tưởng đặt tên cho con theo hãng điện thoại hay diễn viên Hàn Quốc, cầu thủ nổi tiếng nước ngoài thì con mình “từ mặt đất sẽ nhanh chóng bay lên mây”.  “Chúng tôi đang chỉ đạo chính quyền các xã cũng các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động đồng bào Ca Dong nâng cao ý thức làm giấy khai sinh. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp xã khi chứng thực giấy khai sinh phải giải thích cặn kẽ để các bậc phụ huynh hiểu và đặt tên con phù hợp với bản sắc văn hóa”, ông Hoàng nói.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.