Lạ lùng vợ chồng 9X ở miền Tây cưu mang… hàng trăm chó, mèo bệnh tật

28/12/2018 09:18 GMT+7

Suốt 5 năm qua, vợ chồng Đặng Thị Kim Liên (28 tuổi, ngụ P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đã nhặt hàng trăm con chó, mèo già yếu, bệnh tật bị bỏ rơi đem về nuôi nấng, tạo cho chúng một mái nhà yêu thương.

Vợ chồng 9x cưu mang hàng trăm con chó, mèo già, bệnh tật
Căn nhà vợ chồng chị Liên đang ở và nuôi chó, mèo là nhà tiền chế, do một mạnh thường quân xây tặng. Khu nuôi dưỡng chó, mèo được chia thành 3 chuồng: chuồng dành cho chó bệnh, 2 chuồng cho mèo và chó khỏe.
Chị Liên cho biết năm 2013, khi vừa tốt nghiệp đại học chị đã nhận chăm sóc một số chó, mèo bị chủ ở phòng trọ bỏ rơi hoặc nhờ nuôi nấng giúp ở Cần Thơ. Từ đó, cứ biết ở đâu có chó, mèo bị bỏ rơi là chị quyết tâm tìm đến tận nơi để đem về nuôi dưỡng. Ban đầu, chỉ chừng vài con rồi tăng lên vài chục con và đến giờ là 46 con mèo, 46 con chó lớn và hơn chục chó, mèo con.
Tuy nhiên, việc làm của vợ chồng chị Liên không được hàng xóm thông cảm. Họ phàn nàn và khiếu nại vì đám chó, mèo do nuôi tại phòng trọ gây ồn, mùi hôi khó chịu… nên vợ chồng chị phải dọn đi. Suốt nhiều năm, chị Liên không nhớ rõ mình đã dời chỗ trọ bao nhiêu lần.
Theo chị Liên, công việc chăm sóc chó mèo chiếm toàn bộ thời gian của chị. Cũng chính điều này mà có một khoảng thời gian dài chị và chồng là anh Võ Thành Nguyên (27 tuổi) phải giấu gia đình. Những dịp lễ, tết, chị phải nói với gia đình là bận làm việc không thể về được, nhưng thật ra là sợ về quê rồi đàn chó, mèo không ai chăm sóc.
Chị Liên thường vuốt ve chó, mèo, cho chúng cảm nhận sự quan tâm để dễ dàng chăm sóc DUY TÂN
“Có lúc mình rất buồn vì công việc của tụi mình ít ai hiểu được, ngay cả gia đình cũng không ủng hộ. Mình làm việc này trong suốt 5 năm, cũng ngần ấy năm mình giấu ba mẹ và phải tìm nhiều công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập chăm sóc đàn chó, mèo. Đến khi sinh đứa con đầu lòng thì mình mới dám nói về công việc này cho ba mẹ nghe. Mới đầu ai cũng ngỡ ngàng rồi dần dần thấy thương nên cũng chấp nhận”, chị Liên chia sẻ.
'Không bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng công việc này'
Nuôi nấng lâu ngày “mến tay, mến chân” nên chị Liên quen gọi chó, mèo là các bé. Thông thường, chị sẽ dựa vào hoàn cảnh và điểm đặc trưng của các bé để chọn tên cho dễ nhớ, dễ gọi. Mặc dù số lượng rất đông nhưng mỗi khi hỏi đến con nào chị đều có thể kể một cách rành mạch câu chuyện của nó.
Nói về chặng đường hơn 5 năm nuôi chó, mèo, chị Liên cho biết khó khăn nhiều lắm, nhất là những lúc thiếu tiền để lo cho chúng. Những lúc ấy, hai vợ chồng phải thay phiên đi xin việc làm thêm. Mỗi tháng, chỉ tính riêng chi phí mua thức ăn cũng hơn 10 triệu đồng, chưa kể tiền chích ngừa và chữa bệnh… Cũng may là được sự hỗ trợ của một số mạnh thường quân nên cũng giảm bớt phần nào gánh nặng cho vợ chồng chị.
“Các bé ở đây đều có hoàn cảnh rất đáng thương, do bị viêm da, già yếu, tật nguyền… nên chủ bỏ lại, phải đi lang thang và ăn toàn sỏi, đá để sống. Có những bé khi mới chuyển đến còn bị mù mắt, teo cơ hai chân sau hoặc bị các vết thương khác rất nặng phải chuyển đến bác sĩ thú y để chữa trị rồi mới mang về chăm sóc”, chị Liên kể.
Chó, mèo già yếu luôn được vợ chồng chị Liên cho ăn các loại thức ăn đầy đủ dinh dưỡng DUY TÂN
Không chỉ riêng địa bàn TP.Cần Thơ, vợ chồng chị Liên còn đi đến nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang… để “cứu” chó, mèo bị bỏ rơi. Hễ có thông tin là hai vợ chồng tức tốc chạy xe đi tìm, bất kể ngày đêm.
“Đa phần mình chỉ cứu những con chó, mèo già hoặc bệnh tật vì những con khỏe, đẹp đã có nhiều người cứu rồi. Nhiều con khi được đưa về nhà đều có tâm lý không ổn định, thường hoảng sợ, khó gần… Những lúc như vậy, phải dành thời gian từ 2 - 3 ngày để thường xuyên chăm sóc, vuốt ve, trò chuyện và gần gũi để tạo mối liên kết với nhau”, chị Liên chia sẻ.
Tình thương của vợ chồng chị Liên với những con chó, mèo bệnh tật khiến nhiều người thấy xúc động và cảm thông. Mỗi khi có chó, mèo nào do già yếu, bệnh tật chết đi, chị đều đem thiêu rồi bỏ xương cốt vào một hũ nhỏ đem về để lưu giữ phía sau nhà.
“Có nhiều lúc cũng nản lắm. Nản vì không lo được nhiều hơn cho các bé. Thế nhưng mình không bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng công việc này. Nhìn các bé khỏe mạnh thì mình cảm thấy vui và hạnh phúc”, chị Liên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.