Theo thống kê của các nhà nghiên cứu trong cuốn Địa chí Tiên Phước - Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2023), Tiên Phước có 78 địa danh mang tên đá. Hẳn nhiên, những địa danh đó ẩn chứa những lấp lánh trầm tích văn hóa và từ bao giờ đã trở thành máu thịt, thành tình yêu của người dân xứ Tiên. Không những thế, đá ở Tiên Phước còn gắn liền với những huyền thoại.
Đá huyền thoại, đá kỳ bí
Đến xứ Tiên, lần theo huyền thoại đá, chúng tôi đến "vương quốc" đá Lò Thung. Dân gian vẫn truyền rằng, xưa có một vị thần khổng lồ đã đến nơi này giúp dân khai khẩn đất hoang. Dấu tích còn lại của vị thần này chính là vết bàn chân rất to in hình trên đá, là vô số những hòn đá tựa như cái cối, cái chày, cái lò, cái chén… Địa danh này chính là Lò Thung.
Lò Thung là bãi đá đủ hình hài dáng vẻ, được ví là "vương quốc đá" thuộc sông Đá Giăng của xã Tiên Cảnh. Sông Đá Giăng là một trong hai hợp lưu của dòng sông Tiên chảy ngược. Dòng sông này lấp lánh trôi giữa hai làng Lộc Yên và Bình Yên. Đoạn chảy qua Lò Thung là nơi khung cảnh nên thơ nhất. Bãi đá Lò Thung trải dọc hơn 1 km theo dòng chảy của sông. Đá ở đây đủ kích cỡ lớn bé lô xô, nghiêng ngả chen nhau với những hang hốc và hình thù ngộ nghĩnh. Có những tảng đá trơn láng im lìm như đàn hà mã. Có tảng y hệt con hải cẩu ngoái cổ nhìn mặt trời.
Du khách đến đây dễ dàng ghi lại những tấm ảnh đẹp dù ở bất cứ góc độ nào. Ai đam mê vẻ đẹp của đá sẽ càng thích thú trước nhiều "cối đá" hình trụ rất tròn, đường kính khoảng 20 - 30 cm, nước trong veo và dưới đáy mỗi chiếc "cối" ấy là vô số viên đá cuội lấp lánh sắc màu. Như một sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa. Thời gian cùng với tác động của dòng chảy đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng và bí ẩn của bãi đá Lò Thung.
Đá nở hoa là một hiện tượng kỳ bí ở xứ "tiên sa". Mùa xuân năm 2019, sau tết âm lịch, du khách từ khắp nơi đổ dồn về Tiên An xem hiện tượng kỳ thú: đá nở hoa. Một tảng đá to bên bờ sông Trạm bỗng nổi lên từng mảng màu đỏ cam vàng trắng trên nền đen bóng bao đời nó. Các bậc cao niên ở đây cho biết cứ 15 năm hoặc lâu hơn, tảng đá ở đoạn sông này lại nở hoa một lần như thế. Người dân xem đó là điềm may mắn của năm còn theo giới khoa học, tảng đá nở hoa ấy thực chất là địa y cộng sinh mọc trên đá. Mùa xuân, khi mực nước hạ xuống, trong điều kiện khí hậu và độ ẩm thích hợp, chúng có cơ hội phát triển. Nhưng vì sao 15 năm hoặc lâu hơn, đá mới nở hoa một lần thì chưa ai giải thích được. Nên "đá nở hoa" vẫn là một ẩn số như một bí ẩn muôn đời của tự nhiên.
Mênh mang ngõ đá
Tự xa xưa, người dân Tiên Phước đã sử dụng đá núi để chất bờ vườn, chất ngõ. Chất bờ vườn theo tầng bậc là để đất khỏi trôi sau mỗi mùa mưa lụt. Chất ngõ để tô đẹp kiến trúc khu nhà. Những viên đá vô tri, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vô danh, lại trở thành một kiểu kiến trúc độc đáo. Đá chất ngõ phải là đá núi, vì đá suối, đá sông rất trơn, độ bám giữa các viên đá không cao. Quá trình lên núi chọn, chẻ đá và gồng gánh đưa đá về vườn đã là sự công phu không kể xiết. Sau khi chọn hướng hợp phong thủy, người dân mới chất, xếp đá thành ngõ.
Có hai kiểu ngõ đá thường gặp: kiểu thứ nhất là ngõ lát đá, bờ ngõ cũng là bờ đá; kiểu thứ hai là ngõ lát đá, bờ ngõ là hai hàng cau hoặc chè tàu được tỉa cắt phù hợp với không gian nhà vườn. Tùy địa thế, ngõ có thể chạy dài từ cao xuống thấp, thẳng hoặc cong, uốn mình dưới hàng cau, dưới tán cây già. Cũng có ngõ đá là những bậc tam cấp, ở giữa mòn lối chân đi, phần còn lại lấm tấm rêu. Điều thú vị là ngõ đá có thể kết hợp hài hòa với kiến trúc nhà gỗ, nhà tranh hoặc nhà xây hiện đại. Một sự hòa điệu thật dễ tính và hiền hậu. Năm tháng trôi qua, rêu phong trên đá tạo thành một lớp xanh mơ màng. Chạm đôi chân trần trên ngõ, ta nghe "chân cứng đá mềm", nghe lời thì thầm dịu dàng của rêu đá, nghe thời gian như lạc về thuở xa xưa…
Ngõ đá, ngoài giá trị sử dụng, còn là không gian trữ tình. Ngõ đá kết nối nhà ở với ruộng vườn, đồi núi. Ngõ là chứng tích thời gian, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Mỗi con ngõ như là niềm giao cảm thiêng liêng và bí ẩn giữa con người với không gian, vũ trụ. Làng quê yên ả, thanh bình hơn bởi những ngõ đá không hề có cổng, mà thường mở rộng ra thành bờ vườn. Đó là không gian mở, không gian của tương giao. Trước mỗi ngõ thường là con đường làng cỏ dại thoảng hương, là ruộng đồng ngan ngát mùi rơm rạ. Du khách thập phương đến thăm, bước nhẹ chân lên ngõ đá, nghe như lạc vào chốn thiên thai. Nét đẹp chân chất, hiền lành mà thẳm sâu của ngõ đá cũng chính là nét tâm hồn người dân nơi đây. (còn tiếp)
Ngõ đá và bờ vườn nổi tiếng có thể kể ngõ đá bờ vườn ở xóm Bàu, ở làng Lộc Yên và Thạnh Bình (Tiên Cảnh), ngõ đá ở thôn Hội An, Thanh Bôi (Tiên Châu), ngõ đá ở thôn Mỹ Thượng (Tiên Mỹ)... Đá hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Dù là cảnh quan tự nhiên hay kiến trúc nhân tạo, người dân đã bao đời lưu giữ và kiến tạo, thổi hồn cho đá, tạo nên vẻ đẹp riêng thật quyến rũ và nên thơ của gương mặt làng quê Tiên Phước.
Bình luận (0)