La Nina sắp xuất hiện, Nam bộ mưa kéo dài

07/10/2024 05:52 GMT+7

Các tổ chức khí tượng thế giới dự báo từ tháng 10 - 12, hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất từ 60 - 70%, khiến cho nhiệt độ trái đất bớt nóng hơn. Tại VN, mưa bão có thể tiếp tục tăng và kéo dài trong những tháng cuối năm.

TP.HCM bớt nóng, mùa mưa ở Nam bộ kéo dài

Hôm qua 6.10, thời tiết tại TP.HCM mát dịu cả ngày, trái ngược với không khí nóng bức trước đó. Nhiều người dân thành phố cảm nhận tiết trời khá giống với mùa thu ở phía bắc. Không khí này cũng thường xuất hiện vào dịp cuối năm, dịp Noel đến tết Dương lịch tại TP.HCM hằng năm. Có chăng là bầu trời lúc nào cũng sùng sũng nước, có thể mưa rơi bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Trung Hậu, ở TP.Thủ Đức, nhận xét: "Những ngày gần đây nhiệt độ tại TP.HCM giảm mạnh, không khí dễ chịu hơn so với cuối tuần trước. Tuy nhiên có nhiều ngày trời ít mưa, buổi sáng đi làm nhìn về các tòa nhà cao tầng phía trung tâm thành phố bị một lớp sương mù bao phủ đến 8 - 9 giờ vẫn chưa tan". "Tôi lo cho thành phố lại vào mùa ô nhiễm không khí, hy vọng sẽ có nhiều ngày mưa to để giữ cho bầu không khí được trong lành nữa thì sẽ thật trọn vẹn", anh Hậu nói thêm.

La Nina sắp xuất hiện, Nam bộ mưa kéo dài- Ảnh 1.

TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to trong tháng 10, trời dịu mát

ẢNH: CHÍ NHÂN

Trong những ngày qua, TP.HCM và khu vực Nam bộ, Tây nguyên tiếp tục có mưa giông trên diện rộng, một số nơi mưa to đến rất to. Số liệu mới nhất cho thấy lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 5.10 đến 8 giờ ngày 6.10 có nơi trên 50 mm như: Định Trung (Bến Tre) 92 mm, Tri Tôn (An Giang) 75,8 mm, Phú Thành (An Giang) 64,8 mm, An Bình (Đồng Tháp) 122 mm…

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ) cho biết từ ngày 6 - 10.10, rãnh áp thấp hoạt động mạnh dần và ảnh hưởng đến thời tiết khu vực khiến trời nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác nhiệt độ cao nhất từ 29 - 33 độ C. Tổng lượng mưa phổ biến từ 70 - 170 mm, xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Nhờ vậy mà nhiệt độ trung bình dao động từ 27 - 28 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm chỉ 0,2 - 0,6 độ C.

La Nina sắp xuất hiện, Nam bộ mưa kéo dài

Đáng chú ý, từ ngày 10 - 20.10, rãnh áp thấp có khả năng hoạt động mạnh trở lại trên khu vực Trung bộ; có khả năng mạnh lên thành vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới và thậm chí là bão trên Biển Đông. Gió mùa tây nam hoạt động với cường độ từ trung bình đến mạnh khiến cho thời tiết khu vực Nam bộ có mưa diện rộng, phổ biến mưa vừa đến mưa to. Cần đề phòng giông, lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa giai đoạn này phổ biến từ 80 - 180 mm. Trong 10 ngày cuối tháng 10, Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới khiến thời tiết khu vực Nam bộ tiếp tục có mưa diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 60 - 150 mm. "Cần đề phòng khả năng có những đợt mưa to diện rộng kéo dài từ 3 - 5 ngày", Đài Nam bộ cảnh báo.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), do khả năng La Nina xuất hiện trong những tháng cuối năm nên tại Nam bộ và Tây nguyên mùa mưa cũng kết thúc muộn hơn bình thường và kéo dài đến giữa tháng 12.2024. Tổng lượng mưa ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 20%. Trong giai đoạn này, cần đề phòng tình trạng mưa lớn kết hợp triều cường cao gây ngập ở các vùng trũng thấp, các đô thị ven sông.

Khả năng đón 2 cơn bão đổ bộ vào đất liền

Cũng theo NCHMF, giai đoạn từ tháng 10 - 12, trung bình nhiều năm Biển Đông xuất hiện 4, 5 cơn bão (bao gồm cả áp thấp nhiệt đới). Năm nay do ảnh hưởng của La Nina nên khả năng bão ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm. Có khả năng sẽ có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Giai đoạn này bão thường tập trung ảnh hưởng ở khu vực Trung bộ và Nam bộ. Cần đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Trong giai đoạn từ tháng 10 - 11 cũng là cao điểm của mùa mưa bão ở khu vực Trung bộ, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là tác động kép của hiện tượng bão và lũ. Tổng lượng mưa trên khu vực giai đoạn này cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Mùa mưa ở miền Trung cũng sẽ kéo dài đến giữa cuối tháng 12.

Đối với các tỉnh miền Bắc, cần đề phòng không khí lạnh kèm theo rét đậm, rét hại. Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12. Đặc biệt hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12, tương đương trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến vẫn cao hơn trung bình nhiều năm, riêng ở khu vực miền Bắc và bắc Trung bộ trong tháng 11 - 12, nhiệt độ trung bình có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

ĐBSCL đạt đỉnh lũ

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết mùa lũ ĐBSCL đang đạt đỉnh và sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới.

Tính đến ngày 30.9, mực nước tại vùng thượng nguồn sông Cửu Long phía Campuchia đang ở mức cao. Cụ thể tại Kratie là 20 m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ cao hơn 2,13 m và cao hơn năm 2023 là 1,33 m. Tại Biển Hồ, mực nước đạt khoảng 7,19 m, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,91 m và cao hơn năm 2023 là 0,54 m.

Tại ĐBSCL, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng nhanh từ giữa tháng 9, hiện nay do lũ kết hợp với triều cường khiến mực nước sông mùa lũ tại nhiều trạm đạt đỉnh. Cụ thể ngày 4.10, mực nước lũ tại trạm Tân Châu trên sông Tiền (An Giang) 3,38 m, so với báo động 1 thấp hơn 0,12 m; còn tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu (An Giang) 3,12 m, cao hơn báo động 1 là 0,12 m. Đỉnh lũ ở các trạm đầu nguồn ĐBSCL phổ biến trên mức báo động 1. Đáng chú ý, riêng trạm Long Xuyên trên sông Hậu (An Giang) đỉnh lũ là 2,61 m vượt mức báo động 3 là 0,11 m. Dự báo trong 10 ngày tới mực nước phổ biến duy trì ở mức trên báo động 1, riêng trạm Long Xuyên (An Giang) mực nước dự báo duy trì trên mức báo động 3 trong 4 ngày tới sau đó giảm xuống dưới báo động 3.

Trong khi vùng đầu nguồn lũ chỉ phổ biến mức báo động 1 thì ở vùng giữa do triều cường kết hợp lũ chính vụ nên đỉnh lũ nhiều trạm vượt báo động 3. Dự báo trong 10 ngày tới có xu thế giảm sau đó tăng trở lại. Các địa phương vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng tình trạng ngập úng do triều cường kết hợp đỉnh lũ chính vụ vẫn còn nguy cơ cao xảy ra từ nay đến hết ngày 8.10.

La Nina sắp xuất hiện, Nam bộ mưa kéo dài- Ảnh 2.

Lũ ĐBSCL đang trong giai đoạn đỉnh, mực nước lũ đầu nguồn xấp xỉ báo động 1

ẢNH: QUỐC DŨNG

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.