La Nina xuất hiện từ tháng 9, Việt Nam đón bão nhiều hơn mọi năm

15/08/2024 18:16 GMT+7

Theo dự báo của chuyên gia khí tượng, La Nina xuất hiện từ đầu tháng 9 có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.

Biển Đông có thể đón 8 - 10 cơn bão

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, thời kỳ từ tháng 9 - tháng 11, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%.

La Nina xuất hiện từ tháng 9, Việt Nam đón bão nhiều hơn mọi năm- Ảnh 1.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

ĐÌNH HUY

Trong trạng thái La Nina, trên khu vực Biển Đông khả năng sẽ đón số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn (TBNN).

Dự báo cụ thể hơn thời tiết trong giai đoạn cuối năm nay, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

La Nina xuất hiện từ tháng 9, Việt Nam đón bão nhiều hơn mọi năm

La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Theo ông Khiêm, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc bộ nên vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi nên cần phải cảnh giác ở mức cao. Tình hình mưa, bão ở Trung bộ, khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.

"Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng giông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội", ông Khiêm nói.

Cường độ mưa lớn trong phạm vi hẹp gây ngập lụt nhiều nơi

Nói về thời tiết cực đoan từ đầu năm đến nay, đặc biệt là giai đoạn tháng 6 - tháng 7 ở Bắc bộ, ông Khiêm giải thích, thời điểm tháng 6 - tháng 7 là tháng mùa mưa chính ở khu vực này, tổng lượng mưa trung bình 2 tháng chiếm khoảng 30 - 35% tổng lượng mưa năm.

Bên cạnh đó, đây là giai đoạn chuyển từ pha nóng (El Nino) sang trạng thái trung tính nên hệ thống khí quyển toàn cầu có sự biến động lớn và làm cho quy luật thời tiết nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam có sự xáo trộn, gây ra mưa lũ bất thường hơn.

"Từ tháng 6 đến nay, miền Bắc đã xảy ra 6 - 7 đợt mưa lớn diện rộng. Hình thế gây mưa chủ yếu trong giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái El Nino sang trung tính ở Bắc bộ bao gồm: rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp bão, áp thấp nhiệt đới", ông Khiêm nói.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, hình thế mưa đi kèm với hội tụ gió đông nam hoặc tây nam dày từ tầng thấp lên tầng cao tạo ra mưa trên những khu vực hẹp cấp tỉnh như: Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên... Cường độ mưa rất lớn và xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nên đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi.

"Ngoại trừ đợt mưa do tác động trực tiếp của bão số 2 thì các đợt mưa còn lại thời gian mưa chủ yếu xảy ra vào chiều tối và đêm, do đó thiệt hại cũng lớn hơn do khó khăn trong việc quan sát, ứng phó", ông Khiêm cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.