Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Theo Cục An toàn thực phẩm, sử dụng lá ổi có tác dụng hiệu quả trong việc kiểm soát lượng đường huyết trong máu và tình trạng kháng insulin, giúp hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu, với người bị tiểu đường. Lá ổi có tác dụng này là do nhóm các chất như avicularin, quercetin có khả năng ức chế sự hấp thụ glucose.
Do đó, hãm nước lá ổi để uống mỗi ngày giúp kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, cần duy trì kiểm tra lượng đường trong máu khi sử dụng lá ổi để tránh nguy cơ hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, nước lá ổi còn có một tác dụng khác là hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lá ổi giúp làm giảm quá trình nạp tinh bột và chuyển hóa đường vào cơ thể. Sử dụng trà lá ổi, nước ép lá ổi, hoặc nước lá ổi xay cùng nước hoa quả có thể giúp hỗ trợ quá trình này.
Bảo vệ mạch máu
Lá ổi chứa β-sitosterol, triterpenoids, một số dầu dễ bay hơi tự nhiên và các hoạt chất có gốc axit. Những thành phần tự nhiên này có thể tăng độ đàn hồi của mạch máu, giúp hạ huyết áp, loại bỏ cholesterol xấu (LDL-cholesterol) và tăng các cholesterol tốt (HDL-cholesterol).
Một số nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất từ lá ổi có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol xấu, là nguyên nhân gây béo phì và làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh về tim mạch, đột quỵ.
Cách pha trà lá ổi để có hiệu quả tốt nhất
Trà lá ổi là cách chế biến nhanh và hiệu quả để tận dụng những lợi ích từ lá ổi.
Có thể dùng lá ổi tươi hoặc khô, liều lượng theo từng loại.
Với lá ổi khô, cần dùng 2,5 - 5 gr lá khô, hãm cùng 250 ml nước đun sôi trong khoảng 10 phút.
Với lá ổi tươi, cần dùng 5 - 10 lá tươi. Đun sôi 500 ml nước, sau đó thêm lá ổi đã được rửa sạch vào, đậy kín và đun tiếp với lửa nhỏ trong khoảng 10 - 12 phút.
Lưu ý, trà lá ổi có vị hơi chát và đắng. Chỉ nên uống 1 - 2 ly mỗi ngày và uống sau bữa ăn. Loại trà này có thể uống nóng hoặc lạnh đều được, nhưng không nên uống cả ngày vì có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa.
Bình luận (0)