Là một cô giáo nhất lại là một cô giáo dạy văn, ngay từ khi bước vào nghề, tôi đã tự nhủ mình nhất định phải gieo mầm nhân ái trong tâm hồn lớp trẻ và tôi đã không ngừng làm điều đó. Cuối đời nhìn lại những năm tháng đã qua tôi thấy hạnh phúc vì mình đã làm được phần nào nguyện ước ấy. Rất nhiều học sinh thành đạt, rất nhiều học sinh sống có tư cách đạo đức tốt. Dù chức to, chức nhỏ gì cũng nhớ đến cô giáo, biết ơn cô, yêu thương cô, đến thăm cô.
Nhưng gần đây qua báo chí tôi thấy lòng quặn thắt vì dường như đạo đức con người có phần xuống cấp. Học sinh đánh nhau, người thân giết nhau, kỳ thị giàu nghèo. Tuy có phần buồn nhưng vốn thích quan sát, thích viết lách nên tôi vẫn cố tìm những hạt mầm tiềm ẩn nhiều sức sống, những bông hoa đẹp trong rừng cây đa sắc màu. Và tôi đã gặp một hạt mầm ẩn chứa nhiều hy vọng. Đó là câu chuyện cậu học trò Bách Khôi. Tôi đã dạy cậu ấy một thời gian vào lớp 9 và lớp 12.
Sức học chỉ ở mức trung bình nhưng cậu có kỹ năng sống tốt, nhanh nhẹn trong giao tiếp, tháo vát trong cuộc sống. Bố mẹ cậu bận đi làm, nên việc đi học của cậu hoàn toàn ký thác cho chú xe ôm khoảng 60 tuổi. Tôi đã gặp chú trong những lần chú chở cháu đến học. Chú có nét mặt hiền lành nhân hậu và chắc chú cũng nghèo nên chiếc xe để đi kiếm sống rất cũ, bộ quần áo chú mặc bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn không thấy chú có đồ mới. Đặc biệt chú rất có trách nhiệm trời mưa trời nắng gì cũng chở cháu đến rất đúng giờ. Chú còn rất cẩn thận, bao giờ cũng chờ cô giáo mở cửa để cháu vào lớp rồi chú mới đi.
Tốt nghiệp lớp 12, cháu du học ở Mỹ. Trước khi đi, cháu đến chào cô giáo, tạm biệt cô rất chu đáo. Tôi cũng chúc cháu thành đạt trên con đường sự nghiệp.
Khi cháu đã đi rồi, có lần mẹ cháu gặp và đưa cho tôi đọc một lá thư rất cảm động mà mẹ cháu lén chụp – Lá thư tạm biệt chú xe ôm.
Tôi cũng đã từng tiễn nhiều học sinh đi du học nhưng chưa khi nào gặp trường hợp này. Như tôi đã nói cháu không giỏi văn nên cách diễn đạt còn nhiều lúng túng chưa nói được hết những điều mình muốn gửi gắm. Nhưng tôi vẫn thấy ẩn dưới những câu chữ vụng về là một tình cảm biết ơn sâu nặng. Mở đầu là câu nhắc đến thời gian gắn bó với chú và học được ở chú nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống (chắc khi chở cháu đi học chú thường nói chuyện với cháu).
Cháu viết: "Cảm ơn chú luôn đưa đón con không quản mưa nắng". Rồi hy vọng khi con đi chú vẫn có nhiều niềm vui tiếng cười (chắc cậu bé muốn nói chú vẫn tìm được nhiều mối khách để ổn định cuộc sống cho gia đình nghèo khổ của mình). Cậu bé mong chú có nhiều sức khỏe và luôn lạc quan (chắc trong cuộc sống túng thiếu có lúc chú buồn).
Cậu bé đi du học tức là cũng xuất thân trong gia đình có điều kiện một chút nhưng tôi không thấy khoảng cách giàu nghèo ở đây. Cậu bé đã rất biết ơn trân trọng một con người lao động nghèo khổ yêu thương mình, giúp đỡ mình, đưa mình đi học khi cha mẹ mình bận rộn làm việc.
Từ sự việc trên tôi nghĩ tình yêu Tổ quốc, đất nước phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu những người bình thường quanh mình.
Cả một thế hệ trẻ trước đây đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Tôi hy vọng thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế tục truyền thống ấy. Yêu con người, yêu đất nước, góp phần xây dựng đất nước mình ngày càng phát triển giàu mạnh hơn.
Thế hệ giáo viên chúng mình sẽ làm thật tốt nhiệm vụ gieo mầm thành cây các bạn nhé!
Bình luận (0)