Lá thư về bài toán con gà

09/09/2014 16:20 GMT+7

Kính thưa các vị! Bữa ni bức xúc quá nên tui xin gửi lá thư này để được lạm bàn về bài toán con gà.

Mấy ngày ni trên mạng, càng đọc tui như nổ con mắt, nhức cái óc vì bài toán tính gà của học sinh lớp hai.

Bài toán, nói như dân nói lái Quảng Nam, "đơn giản" như "đang giỡn" mà tại răng phải vị giáo sư này, tiến sĩ nọ cãi nhau là chọn câu A đúng hay câu B đúng. Với bọn tui, không là giáo sư, tiến sĩ bọn tui chỉ biết đơn giản 4 chuồng mỗi chuồng có 8 con gà vị chi là 32 con gà, còn mần răng ra 32 con gà thì dù người có học hay thất học chi cũng tính ra mà không cần nhân xuôi hay nhân ngược. Do vậy, để dễ phân biệt trình độ với các giáo sư tiến sĩ đầu ngành xin hãy gọi tui là người trình độ 32 con gà.

Với trình độ 32 con gà, tui tính như ri: Mỗi chuồng có 8 con gà, có 4 chuồng thì số gà: 8 x 4 = 32 (con gà). Ở tuổi 50 của trình độ 32 con gà, tui thử trở về cậu bé lớp ba hồi xưa mới tập tò học toán, lúc nớ tui chưa quen phép tính nhân nên tui phải đếm: Chuồng ni có 8 con gà nề. Chuồng ni có 8 con gà nề. Chuồng ni có 8 con gà nề. Chuồng ni có 8 con gà nề. Cộng lại là 32 con gà nề. Thay vì cộng, tui làm phép nhân: Tui đếm 4 lần mỗi lần 8 con gà, vị chi 4 lần x 8 con gà = 32 con gà.

 
Bài toán, nói như dân nói lái Quảng Nam, "đơn giản" như "đang giỡn" mà tại răng phải vị giáo sư này, tiến sĩ nọ cãi nhau là chọn câu A đúng hay câu B đúng. Với bọn tui, không là giáo sư, tiến sĩ bọn tui chỉ biết đơn giản 4 chuồng mỗi chuồng có 8 con gà vị chi là 32 con gà, còn mần răng ra 32 con gà thì dù người có học hay thất học chi cũng tính ra mà không cần nhân xuôi hay nhân ngược

Hồi tiểu học, không biết các vị có giống tui không? Cha tui bày tui quy tắc tam suất. Vận dụng vô bài gà ni: Một chuồng có 8 con gà, hỏi: 4 chuồng có mấy con gà? Quy tắc là: Nhân chéo, chia 1. Tức là bằng 4 nhân tám chia 1 như vậy số 4 vẫn trước số 8 (4x8). Nói tóm lại, ngược xuôi, xuôi ngược chi cũng là 32. Vì kiến thức của trình độ 32 con gà nên tui tính ra 32 con gà mà không phải dẫn giải Mỹ dạy như ri, Nga giảng như ri, Pháp làm như rứa! Thưa các vị! Các vị có đồng ý với tui là 4x8 = 8x4 = 32 không? Đồng y quá đi chớ! Vì đó là tính chất giao hoán của phép nhân!

Rứa mà có vị đầu ngành phản biện tính chất giao hoán của phép nhân chỉ có ý nghĩa về cách tính chứ không có ý nghĩa về bản chất phép tính! Nói thiệt, từ hồi cha, sinh mẹ đẻ đến chừ chẳng sách vở mô bày dạy là phép nhân có tính giao hoán nhưng không đúng bản chất của phép tính! Trong các vị ai tìm ra được câu nớ hay tương tự như câu nớ trong sách giáo khoa hoặc trong nền toán học thế giới tui đây xin tự nguyện… chết liền! Bởi nói như trên thì 4x8 hay 8x4 cũng đều là 32 chứ nhất quyết không là 33 hay 31, nó con gà thì ra con gà chứ nhất định không chịu là con vịt!

Vậy bản chất sai cái chi? Xin thưa, chuyện nhỏ như con gà nhưng tui không cho là bằng con gà. Bác Hồ dạy: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Đã trồng người thì ngay từ đầu phải biết chăm, biết vun bằng cái tâm, cái tầm. Còn với bài toán ni, hết ý kiến của tiến sĩ này đến ý kiến của giáo sư nọ, đến nỗi con trẻ về nhà cứ hỏi: Vậy ai đúng hả ba? Vậy phải chọn câu mô hả ba? Khi lớp trẻ hoài nghi về chính trình độ, tài đức của người làm giáo dục đầu ngành thì mần răng tụi nhỏ đủ tâm, đủ sức đem hết tài trí học hỏi để thành một công dân mẫn cán sau này?


Bài toán tính số lượng gà gây nhiều tranh cãi - Ảnh chụp internet

Trở lại với bài toán, nếu các vị hỏi tui: Vậy trong bài toán ni ai sai? Cậu học trò sai, hay cô giáo sai? Với tui, nếu cho điểm (riêng câu ni thôi nghe!) Tui cho cậu học trò điểm 10, cô giáo điểm 5. Vì với tui, cậu học trò cũng rất phân vân trước khi chọn câu A hay câu B, thôi thì bỏ câu C và câu D còn chọn đại câu mô cũng được! A hay B đều đúng! Còn cô giáo, cũng thông cảm, cô phải máy móc theo hướng dẫn của giáo trình là chọn câu B. Cô mà dạy học trò chọn câu A có khi mất cả nồi cơm đó chứ!

Vậy ai bị điểm 0 trong bài toán này? Nói như dân Quảng Nam, đó là các vị sử ra, bày ra bài toán ni, là vị mô duyệt để in đáp án của bài ni trong sách giáo khoa để rồi tạo cho thế hệ trẻ một nỗi nghi ngờ không đáng có. Tại răng phải có đáp án ngớ ngẩn đó? Tại răng không thêm một đáp án E là: Chọn A hoặc B? Bài toán con gà, đơn giản như đang giỡn tại răng không lôi mấy vị sáng tác ra bài toán nớ mà phê, mà phán lại cứ cãi nhau là câu A đúng hay câu B đúng?

Là bậc phụ huynh, tui không muốn con mình cứ hoài nghi về người lớn mà chính xác là những người làm giáo dục giống như hoài nghi về đáp án bài toán này. Nói rứa để các vị biết được mong mỏi của những người trình độ 32 con gà như tui.

Võ Nhật Thủ*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.Đà Nẵng.

>> Hai bài toán lớp 3 gây tranh luận
>> Có cần thiết phải đẩy thành vấn đề trọng đại?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.