'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á

Đình Tuyên
Từ Thâm Quyến, Trung Quốc
27/12/2024 21:08 GMT+7

Hơn 600 trụ với gần 1.300 cổng sạc, có thể nạp "no" pin cho khoảng 5.000 ô tô điện mỗi ngày; Minle hiện là bãi sạc xe điện lớn nhất châu Á, là hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia đang muốn phát triển hạ tầng sạc cho ô tô điện.

Thâm Quyến được mệnh danh là thủ phủ công nghệ, không chỉ của Trung Quốc mà cả thế giới. Nơi đây đặt trụ sở của hàng loạt tập đoàn công nghệ cao, cũng là thành phố dẫn đầu Trung Quốc về các xu hướng tương lai; trong đó có điện khí hóa ô tô.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 1.

Thâm Quyến là số ít khu vực chứng kiến tỉ lệ xe năng lượng mới cao vượt trội tại Trung Quốc

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Chính vì vậy, nếu có dịp hòa mình giữa những con đường ken đặc ô tô ở đặc khu này, bạn sẽ phải "trầm trồ" bởi hàm lượng "xe xanh" vượt trội nơi đây. Số liệu cho thấy, Thâm Quyến hiện là một trong số ít khu vực ở Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ gần như cân bằng giữa lượng ô tô sử dụng năng lượng mới (NEV) và ô tô sử dụng động cơ đốt trong truyền thống bán ra hàng năm. Thậm chí, thống kế 6 tháng gần nhất, lượng xe xanh mới lăn bánh tại Thâm Quyến đã tiệm cận tỉ lệ 80% trên tổng dung lượng thị trường - một con số có thể nói là kỷ lục ở châu Á.

Chính vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi thành phố này sở hữu nhiều bãi sạc xe điện "khổng lồ", với quy mô lên đến cả ngàn cổng sạc.

Bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á

Nằm ngay cạnh ga tàu điện ngầm Minle (thuộc quận Long Hoa, Thâm Quyến), bãi sạc Minle xây dựng trên khu đất rộng gần 20.000 mét vuông, chính thức đưa vào vận hành từ năm 2012. Đây đang được xem là bãi sạc ô tô điện lớn nhất tại châu Á.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 2.

Minle hiện là bãi sạc ô tô điện lớn nhất tại châu Á

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Bãi sạc này khiến những ai lần đầu ghé thăm cũng phải "choáng ngợp", khi trang bị đến 637 trụ sạc, mỗi trụ bao gồm 2 cổng (cả sạc chậm và sạc nhanh). Phổ công suất sạc cũng đa dạng, từ các cổng 60 kW, 80 kW, 120 kW, 180 kW, 360 kW, hay thậm chí những cổng công suất lên đến 480 kW hoặc 600 kW.

Với số lượng cổng sạc "khủng" như vậy, bãi sạc Minle có thể cùng lúc phục vụ đến gần 1.300 ô tô điện, đạt công suất sạc trung bình gần 160.000 kWh/ngày và đáp ứng nạp no pin cho gần 5.000 xe điện hoạt động tại TP.Thâm Quyến mỗi ngày.

Minle được thành lập bởi 3 chủ đầu tư, một trong số đó là Công ty Mạng lưới điện Miền Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid). Các chủ đầu tư này vay vốn lãi suất thấp, thuê đất từ nhà nước với giá đãi và tiến hành xây dựng bãi sạc, kèm các dịch vụ trong khi chờ sạc như quán cà phê, siêu thị, khu ăn uống, nhà vệ sinh. Sau đó bàn giao cho các công ty cung cấp giải pháp sạc như Shell, Putian, Nam Heshun, Petro China Kunlun, EV Link, Teld Charging hay EV Power (thương hiệu đã xuất hiện tại Việt Nam) thuê lại. Các công ty này sẽ là bước trung chuyển cuối cùng trước khi phân phối tới người dùng ô tô điện.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 3.

Mỗi ngày, bãi sạc Minle đáp ứng nhu cầu sạc điện của khoảng 5.000 xe năng lượng mới tại Thâm Quyến

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Đáng chú ý, dù có nhiều nhà cung cấp giải pháp sạc, tuy nhiên tài xế lái xe vào Minle hay các bãi sạc công cộng tương tự đều có thể lựa chọn sạc ở cổng sạc bất kỳ (chỉ cần trống là có thể vào sạc). Bởi các cổng này đều sử dụng chuẩn chung và liên kết thanh toán khá tiện lợi. Giá sạc điện tuy có khác giữa các bên, nhưng mức chênh không đáng kể. Tại Trung Quốc, mô hình theo kiểu bãi sạc Minle đang rất phổ biến và được áp dụng ở hầu hết các bãi sạc công cộng.

Trạm sạc "giăng" khắp nơi

Không chỉ có những bãi sạc công cộng ngoài trời, người dùng ô tô điện tại Thâm Quyến còn có nhiều lựa chọn sạc điện khác. Trong đó, sử dụng trụ sạc lắp đặt ngay tại các tòa nhà cao tầng cũng ngày càng khá phổ biến.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 4.

Lắp đặt trụ sạc tại các tầng hầm chung cư, tòa nhà văn phòng cũng là giải pháp được áp dụng nhiều tại Trung Quốc

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Đơn cử như khu chung cư Shuxiang (quận Long Hoa). Tầng hầm chung cư này có một khu vực đỗ xe công cộng đã được EV Power thuê lại và lắp đặt tổng cộng 9 trụ sạc, với 18 cổng sạc. Khác với những bãi sạc công cộng, loại cổng sạc sử dụng tại các chung cư, tòa nhà ở Thâm Quyến và Trung Quốc đa phần sử dụng cổng sạc chậm, với công suất từ 3,5 - 7 kW. Các xe chỉ cần cắm sạc qua đêm khoảng 7 giờ đã có thể tăng quãng đường di chuyển thêm khoảng 200 km.

Đây được xem là giải pháp phù hợp với nhiều ưu thế, từ tiết kiệm chi phí đầu tư, sử dụng tiện lợi, an toàn và không ảnh hưởng tới hoạt động sử dụng điện khác của tòa nhà. Trong khi, việc cấp phép lắp đặt các trụ sạc này cũng dễ dàng hơn. Do đó, khả năng phổ biến của loại hình trạm sạc này cũng cao hơn.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 5.

Các cổng sạc chậm vừa tiện lợi, vừa dễ lắp đặt và sử dụng đang được rất nhiều người sử dụng xe điện ưa chuộng

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Được biết, để khuyến khích phát triển xe năng lượng mới, Chính phủ Trung Quốc từ năm 2013 đã sớm thông qua việc cấp phép cho lắp đặt trạm sạc tại các tòa nhà cao ốc, chung cư và văn phòng. Nhờ đó, chỉ trong khoảng 10 năm, rất nhiều tòa nhà như chung cư Shuxiang ở Thâm Quyến hiện đã phủ đầy hệ thống trạm sạc. Trở thành cơ sở cho mục tiêu phổ cập hóa xe NEV tại đất nước tỉ dân.

Tham chiếu cho Việt Nam?

Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính tăng nhanh, điện khí hóa ô tô đang là mục tiêu của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Việt Nam hiện được xem là "điểm sáng" về xe điện với tốc độ gia tăng lượng xe sử dụng động cơ điện hoặc lai điện (hybrid) nhanh nhất khu vực. Mặc dù vậy, để có thể bắt kịp những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này như Trung Quốc hay châu Âu, chúng ta vẫn cần phát triển song song hạ tầng trạm sạc.

'Lạc' giữa bãi sạc ô tô điện lớn nhất châu Á- Ảnh 6.

Cách phát triển hạ tầng trạm sạc tại Trung Quốc sẽ là tham chiếu cần thiết cho các quốc gia đang "đi sau" về xe điện

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Thực tế, Việt Nam hiện có khoảng hơn 150.000 cổng sạc. Tuy nhiên, các cổng này hầu hết do hãng xe "chủ nhà" VinFast xây dựng, lắp đặt và hiện vẫn chỉ phục vụ riêng cho người dùng xe của VinFast. Trong khi đó, để hạ tầng sạc thực sự "bùng nổ", theo nhiều chuyên gia, cần đến sự tham gia cùng lúc của nhiều hãng xe và cả các đơn vị thứ 3 chuyên về giải pháp sạc. Vì vậy, những mô hình kiểu như tại Thâm Quyến có thể là hình mẫu để tham chiếu.

Cùng với rất nhiều đơn vị chuyên cung cấp giải pháp sạc khác như EV One, EverCharge, GreenCharge; EV Power hiện đang "bắt tay" với hãng xe điện BYD mở rộng hệ thống trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam. Đáng chú ý, bên cạnh những trạm sạc nhanh ở khu vực công cộng, thương hiệu này còn hướng đến chiến lược dài hạn, khi đầu tư xây dựng và vận hành các trạm sạc tại tòa nhà cao ốc, chung cư và văn phòng. Mảng vốn được xem là thế mạnh và đang giúp EV Power trở thành một trong những "ông lớn" về giải pháp sạc tại Trung Quốc, với khoảng 10% thị phần.

Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện EV Power khẳng định, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, thậm chí dự báo sẽ sớm "bùng nổ" về số lượng xe điện; qua đó kéo theo nhu cầu lớn về hạ tầng trạm sạc. Tuy nhiên, để có thể phát triển hiệu quả lĩnh vực này, trước mắt cần giải quyết những khó khăn liên quan đến chính sách, pháp lý và nguồn cung điện.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.