Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, biến động, môn địa lý ở các nước đang hướng học sinh hiểu biết về thế giới cũng như vai trò của từng địa phương.
Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) trong giờ học địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chương trình, sách giáo khoa sắp tới về môn địa lý có giải quyết được những vấn đề trên?
Khơi gợi lòng yêu thích khám phá thiên nhiên
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, địa lý sẽ tích hợp với lịch sử như một môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nội dung cốt lõi của môn địa không phải khoa học xã hội mà liên quan nhiều hơn tới khoa học tự nhiên.
Theo góp ý của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, đối với một số môn học, việc chuyển dần từ tích hợp rộng, tích hợp vừa đến phân hóa là hợp lý. Tuy nhiên, tên các môn học tích hợp nên phù hợp với những quy định hiện hành của UNESCO. Ví dụ, không xếp địa lý tự nhiên vào khoa học xã hội. Môn khoa học tự nhiên nên gồm 4 phân môn: khoa học vật lý (gồm vật lý và hóa học), khoa học đời sống (gồm sinh học, sinh thái, giải phẫu, sinh lý…) và khoa học trái đất (gồm địa chất, địa lý tự nhiên, khí hậu - khí tượng)…
Ông Trần Trọng Hà, chuyên viên cao cấp môn địa lý, cũng cho rằng phần liên quan đến môn lịch sử của môn địa rất ít và có thể dạy thành chuyên đề, ví dụ vấn đề biển đảo và chủ quyền biển đảo.
Theo ông Hà, tuy ít tiết nhưng môn địa lý cung cấp cho học sinh (HS) rất nhiều kiến thức thực tế, vốn sống sau này, quan trọng là khơi gợi cho HS lòng yêu thích, ham muốn khám phá thiên nhiên, đất nước, con người.
Để môn địa lý hấp dẫn HS hơn, ông Hà cho rằng không có cách nào khác là phải thay đổi rất mạnh về chương trình và cách viết sách giáo khoa, tăng kênh hình, giảm tối đa việc yêu cầu HS ghi nhớ một cách máy móc.
Môn học cốt lõi thuộc khoa học xã hội
Cũng theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, lĩnh vực giáo dục khoa học xã hội có ưu thế và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện cũng như phát triển lâu dài của HS. Các môn học này có vai trò nền tảng trong việc giáo dục tinh thần nhân văn, phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và xu thế thời đổi mới, sáng tạo; giúp HS hiểu biết và nhận thức được quy luật khách quan về sự phát triển của xã hội loài người; lý giải quan hệ giữa con người và xã hội, con người và tự nhiên; nhận thức về VN đương đại cũng như thế giới ngày nay.
Thông qua lĩnh vực giáo dục khoa học xã hội, HS bước đầu học được cách quan sát và tư duy về xã hội, cuộc sống, coi trọng chứng cứ và nâng cao năng lực lý giải hiện tượng xã hội, biết cách phân tích và giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội trong không gian và thời gian... Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); tìm hiểu xã hội (các lớp 4, 5); khoa học xã hội (cấp THCS và cấp THPT); lịch sử, địa lý (cấp THPT). Trong tất cả các môn học này, kiến thức về địa lý đều trải rộng.
Cập nhật số liệu sẽ phải thay đổi cấu trúc sách giáo khoa ?
Sau khi Báo Thanh Niên có bài Lạc hậu như sách giáo khoa địa lý, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN đã có văn bản do ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập, ký phản hồi về vấn đề này. Theo văn bản, chương trình, SGK được biên soạn cách đây khá lâu nên số liệu trong sách không tránh khỏi lạc hậu so với thực tế.
Lý giải về việc số liệu không được cập nhật, NXB Giáo dục VN cho rằng: “Nếu tiến hành cập nhật hằng năm thì phải viết lại nhận định đánh giá và sẽ kéo theo cấu trúc sách phải thay đổi”.
Văn bản của NXB còn viện dẫn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và theo hướng dẫn của sách giáo viên, trong quá trình giảng dạy giáo viên cần phải cập nhật số liệu, bổ sung thêm những nhận định, đánh giá cho phù hợp.
|
Bình luận (0)