Sáng chủ nhật cuối tháng 9, tiết trời Sài Gòn se se lạnh, chạy xe máy lên vườn nhà ở tận Củ Chi (TP.HCM), nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bính - Tổng giám đốc Công ty CP SX-TM-DV Nguyễn Bính, hẹn tôi cà phê “trò chuyện trên trời dưới đất ngay trong vườn nhà, cà phê tự chế, nhâm nhi, hít thở khí trời một chút rồi về làm hàng”. Từ ngoài ngõ, bà đã nói như sợ quên mất, rằng nhiều ngày trong tuần, bà vẫn cùng chồng đèo nhau trên xe máy, lên vườn ngủ, không cần máy lạnh, máy quạt, sáng 5 giờ dậy về làm việc. Bà nói: “Ở đây mới có được giấc ngủ của một nhà nông, an yên không mộng mị, không bị ám ảnh bởi những sợi bún dài trắng muốt chảy triền miên...”.
|
Tự chế tạo công nghệ sản xuất bún sạch
Hỏi tại sao lại ám ảnh, bà gật đầu bộc bạch: “Làm bún không còn là cái nghề mà là nghiệp, nghiệp nó vận vào mình, buông không được, bỏ không đành. Nói bún chọn tôi cũng được, mà bảo tôi chọn bún cũng không sai bởi đến giờ này, tôi đã đi qua từng cung bậc cảm xúc với sợi bún. Từ chỗ tuổi thơ ghét cay ghét đắng, sợ do hằng ngày phải làm quá cực. Trong không khí ẩm ướt và mùi hôi nhưng phải miễn cưỡng làm vì nghề của gia đình. Miệt mài như vậy, rồi vào miền Nam, mưu sinh bằng nhiều nghề, tuyên bố không chọn bún, nhưng rồi đi một vòng lại quay về với bún. Tôi nhớ mãi câu người bố đã khuất của mình nói: “Nghề nhà mình cứ đỏ lửa là có tiền. Nhờ nó mà bố mẹ nuôi 9 người con khôn lớn đi học đàng hoàng”. Thế nên khi tôi nói tôi sẽ làm nghề, chính ông là người chặt tre đan tấm phên làm bún, gửi từ Bắc vào, tôi vào nghề đúng 3 tháng 10 ngày thì bố mất...”.
Xúc động khi nhắc đến người bố, ngừng một lát, bà kể tiếp, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề này, những sợi bún tươi không còn là yêu thích mà thực sự đam mê, yêu nó đến chết và muốn nó phải ngày càng đẹp hơn, ngon hơn, sạch hơn. Nghĩ vậy thôi đã lắm trăn trở, làm sao không ám ảnh!
|
Cuối tháng 8 vừa qua, ngay trong thời điểm cả nước còn căng mình vì tái dịch Covid-19, Công ty bún Nguyễn Bính âm thầm khai trương dây chuyền sản xuất bún theo công nghệ hơi và hơi nước, sáng chế độc quyền của chính bà Nguyễn Thị Bính. Bún được sản xuất và rửa bằng hơi nước, không dùng nước lạnh rửa như cách làm thông thường, thêm công nghệ tia UV diệt vi sinh. Bà cho biết dây chuyền sản xuất này do chính bà mày mò tìm hiểu, nghiên cứu trong 10 năm, mất 3 năm để chế tạo thành công. “Tranh thủ dịch bệnh, sản xuất giảm một nửa, chúng tôi tập trung đặt làm hệ thống sản xuất bún cải tiến này, cũng chi tiền tỉ đó. Kế hoạch nhẽ ra xong sớm hơn, nhưng cũng vì tái dịch mà chậm mất 2 tháng. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là rửa bún bằng hơi nước, không xả thải ra môi trường mà vẫn bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất. Nghề bún, nỗi ám ảnh nhất là dùng rất nhiều nước để rửa xả thải. Ðến lúc này đây, tôi tự hào bún Nguyễn Bính không dùng hóa chất để bảo quản, không dùng chất tăng độ dẻo bóng và không sử dụng nước nhiều cho hoạt động sản xuất. Tất cả bằng công nghệ và có thể khẳng định bún Nguyễn Bính là đơn vị đầu tiên dám làm như vậy”, bà nói.
Công suất sản xuất giảm mạnh trong đại dịch, rồi đầu tư đổi mới công nghệ, vậy số công nhân hiện hữu có bị cho nghỉ việc? Bà chủ bún Nguyễn Bính lắc đầu: “Trong khó khăn nhất, công ty cũng không bao giờ cho công nhân nghỉ. Họ gắn bó với mình, từ khi làm ăn được kể cả khi khó khăn, không đòi hỏi, trung thành và yêu công việc, tôi quý mến nhân cách những người như vậy. Nên khi sản xuất giảm mạnh, tôi phải tiếp tục làm thêm sản phẩm khác cho nhân viên có việc làm. Ngoài những sản phẩm đang sản xuất là bún tươi, bún ốc, bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt, bún lá, hủ tíu... sắp tới sẽ làm lá hoành thánh, mì trứng, mì nui...”. “Kế hoạch của chúng tôi là mở rộng đưa sản phẩm vào những bếp ăn trường học, siêu thị, bếp ăn công nghiệp... Tuy nhiên, việc đó không hề đơn giản nếu cứ nghĩ mình bán hàng bằng cái tâm, làm hàng bảo đảm an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm thôi là đủ...”, dừng một lát, bà nói hai từ gọn lỏn: “Không dễ!”.
|
“Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”
Dẫn chứng cho việc không dùng hóa chất, bà Bính khuyên người mua cứ thử mua hai gói bún Nguyễn Bính và một thương hiệu khác hoặc bún bán theo ký không thương hiệu ngoài chợ, bỏ vào tủ lạnh, hôm sau lấy ra chần qua nước sôi để ăn. “Sợi của bún tươi Nguyễn Bính sẽ bị gãy vỡ, thậm chí vụn ra, nhưng nhiều loại bún khác vẫn dẻo dai mềm mướt đẹp như thường. Ðó là hóa chất. Tôi làm bún sạch, sạch từ tâm đến bún. Mục đích lớn nhất là phục vụ người tiêu dùng có sản phẩm an toàn tuyệt đối nên ngay từ đầu chúng tôi nói không với hóa chất”, bà nói tiếp và nhấn mạnh: “Sứ mệnh của tôi là tiếp quản nghề cha ông để lại một cách tử tế, phát triển nó, gìn giữ những điều tốt đẹp, tinh túy của nghề và phải sáng tạo để hội nhập cuộc sống có chất lượng, hiện đại”.
|
Bún sạch là thế, ngon là thế, an toàn là thế, nhưng tại sao khó mua được gói bún tươi Nguyễn Bính trong các kênh siêu thị hiện đại? “Ðã từng vào siêu thị và đã bị “rớt” vì không thể thỏa hiệp làm bún không an toàn. Nếu quá đặt nặng lợi nhuận thì không bán được bún Nguyễn Bính vì giá bán của chúng tôi nhỉnh hơn giá các cơ sở khác khoảng 2.000 đồng/kg. “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” là thế”, bà Bính nói thẳng và cho biết, nhiều chuỗi siêu thị lớn từng lấy bún Nguyễn Bính bán thời gian đầu, khi thị phần tăng lại chuyển sang thương hiệu khác. Cũng có nơi lấy song song, rồi từ 10 kg/ngày giảm còn 2 kg/ngày, 8 kg còn lại lấy hàng khác trộn vào bán. Các công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, trường học cũng vậy. Ban đầu ký kết, họ lấy mấy chục bộ hồ sơ đi ký với các trường học, sau bà phát hiện hợp đồng họ ký với mình, nhưng mua bún bên ngoài giao cho trường học. “Ðầu năm học này, tôi chủ động cắt hợp đồng với hai công ty chỉ vì hành vi làm ăn không đàng hoàng này. Họ ký hợp đồng mua bún Nguyễn Bính bán cho các trường học, nhưng tình cờ tôi biết họ lấy bún không nhãn hiệu ngoài chợ, thấp hơn bún Nguyễn Bính khoảng 2.000 đồng/kg. Tôi không đồng ý lối làm ăn bất chấp an toàn sức khỏe của người tiêu dùng chỉ vì lợi nhuận vậy”, bà bộc bạch và cho biết, bún tươi sạch Nguyễn Bính bán lẻ online giao tận nhà 18.000 đồng/kg, giá sỉ còn thấp hơn nhiều. Trong khi các công ty cung cấp vào trường học có giá từ 28.000 - 31.000 đồng/kg mà ngay cả chất lượng không rõ ràng. Không biết điều này hiệu trưởng và phụ huynh có biết không?
Bình luận (0)