BẤT TỬ Ở Ma Lù Thàng
Ông Lê Đình Thế (64 tuổi, hiện sống ở xã Nhạo Sơn, H.Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhớ lại thời điểm tháng 2.1979, khi đó ông là chiến sĩ Đồn biên phòng (BP) Ma Lù Thàng, được giao bảo vệ đầu cầu biên giới: Rạng sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đưa 1 trung đoàn bộ binh có pháo binh và xe tăng yểm trợ, chia thành nhiều mũi đồng loạt tấn công, hòng bao vây tiêu diệt đồn. Sau 14 giờ liên tục chiến đấu, bộ đội Đồn BP Ma Lù Thàng đã đẩy lùi 12 đợt tấn công của lính Trung Quốc, có lúc ta và địch giành giật nhau từng đoạn chiến hào, từng góc nhà. Ngày 1.3.1979, đồn phối hợp cùng đơn vị bạn tập kích quân Trung Quốc lấn chiếm điểm cao 805 (nằm bên trục đường Ma Lù Thàng - Phong Thổ, cách biên giới 10 km), phá tan âm mưu chiếm đóng lâu dài của chúng…
Chiến tranh biên giới phía bắc kết thúc, các cựu chiến binh Đồn BP Ma Lù Thàng đã nhiều lần quay lại chiến trường xưa, cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu tìm hài cốt các liệt sĩ, đưa về quê nhà an táng nghiêm cẩn. Bên cạnh đó, họ còn cùng Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu tranh thủ, kêu gọi mọi nguồn lực xã hội để xây dựng khu tưởng niệm những người đã ngã xuống, thành điểm tâm linh của khu vực.
Khi tôi đến Đồn BP Ma Lù Thàng, tổ tuần tra bảo vệ biên giới đang vào thắp hương các liệt sĩ trước khi đi làm nhiệm vụ. Thượng tá Hà Đức Long (chính trị viên đồn) cho biết: Anh em vẫn thực hiện "đi báo việc, về báo công" với các liệt sĩ.
SAO XANH Sì Lờ Lầu
Hôm đến Đồn BP Hua Bum, tôi thấy thiếu tá Trần Văn Thế (chính trị viên phó đồn) đang lỉnh kỉnh quà bánh, hỏi mới biết chỉ huy đồn chuẩn bị lên thăm, chúc tết Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lừu A Phừ (nguyên chiến sĩ Đồn BP Sì Lờ Lầu, được phong danh hiệu ngày 19.12.1979 do lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc), hiện ở tít trên bản Nậm Vạc 2 (xã Nậm Ban, H.Nậm Nhùn, Lai Châu). Đi cùng thiếu tá Thế lên nhà ông Phừ, chưa thấy người tôi đã nghe tiếng cười sảng khoái: "Lễ tết nào cũng được BP đến thăm đầu tiên. Thế này thì mình vui, sống lâu lắm".
Ông Lừu A Phừ, năm nay 73 tuổi, nhập ngũ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Lai Châu cuối năm 1974. Sáng 17.2.1979, lính Trung Quốc bao vây tấn công đồn 1 CANDVT tỉnh Lai Châu (nay là Đồn BP 289 - Sì Lờ Lầu, BĐBP Lai Châu), tiểu đội trưởng Lừu A Phừ chỉ huy tổ nuôi quân chốt giữ hướng nam, dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Rạng sáng 18.2.1979, khi đồng đội đã hy sinh, bị thương gần hết, đạn dược cạn kiệt, cấp trên lệnh rút về phía sau, tiểu đội trưởng Lừu A Phừ đã đưa 8 thương binh và khuân vác điện đài, tài liệu vượt vòng vây của địch về phía sau an toàn.
"Trong ngày 17.2.1979, bộ đội đồn Sì Lờ Lầu đã đẩy lùi 10 đợt tấn công của địch. Tổ cơ sở của đồn cùng dân quân các xã Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải liên tục chặn đánh các tổ thám báo Trung Quốc, phá tan ý đồ cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn", ông Phừ nhớ lại và rưng rưng: "Khi hết đạn, anh em đánh giáp lá cà với lính Trung Quốc. Mấy chục năm sau, khi xây dựng lại đồn mới ở trận địa cũ, công nhân đào lên vẫn thấy báng súng, dao găm, lưỡi lê".
Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, chuẩn úy nuôi quân Lừu A Phừ được trao tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, và ngày 19.12.1979 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Do xếp hạng thương binh loại A (hạng 3 vĩnh viễn) với tỷ lệ thương tật 55%, cấp trên cho ông chuyển công tác về Ban Chỉ huy quân sự H.Sìn Hồ (Lai Châu), và năm 1984 ông xin nghỉ.
Về địa phương, ông Phừ làm công an viên xã Tà Phình (H.Sìn Hồ) và năm 1997, khi cấp trên đề nghị, ông vận động gia đình, dòng họ di chuyển sang xã Nậm Ban (H.Nậm Ngùn, Lai Châu), bảo vệ khu vực biên giới ở bản mới Nậm Vạc 1. Năm 2000, bản Nậm Vạc 2 thành lập, cả xã và huyện lại thuyết phục ông thêm một lần nữa di chuyển sang vùng đất mới. Tháng 4.2016, ông Phừ mới chính thức "an cư" với sự hỗ trợ kinh phí dựng nhà sàn của Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu.
Ngồi nói chuyện với tôi, ông Lừu A Phừ bảo: "Trên Sì Lờ Lầu, BĐBP tỉnh đã huy động xây bia tưởng niệm cho các anh em đã ngã xuống. Các cựu chiến binh chúng tôi mừng lắm. Ai cũng chỉ mong cấp trên cho nguồn kinh phí xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ ở các đồn BP. Tôi già rồi, chẳng có tiền, nhưng nếu được thì xin góp chút ít. Trên biên giới Lai Châu này, đâu cũng có người ngã xuống để bảo vệ tấc đất biên cương". (còn tiếp)
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, BĐBP Lai Châu đã hiệp đồng chặt chẽ với quân dân biên giới, anh dũng chiến đấu kìm chân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiêu diệt đánh thắng quân xâm lược. Kết quả đã tiêu diệt 2.434 tên, 2 xe tăng, nhiều phương tiện chiến tranh và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên khác. BĐBP tỉnh Lai Châu đã được tuyên dương đơn vị AHLLVTND. Nhiều tập thể và cá nhân đã chiến đấu lập công xuất sắc được Nhà nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND như: Đồn CANDVT số 5 (nay là Đồn BP Leng Su Sìn), Đồn CANDVT số 15 (nay là Đồn BP Tây Trang), Đồn CANDVT số 13 (nay là Đồn BP Mường Mươn), Đồn CANDVT số 1 (nay là Đồn BP Sì Lờ Lầu), Đồn CANDVT số 33 (nay là Đồn BP cửa khẩu Ma Lù Thàng), Đại đội 2 CANDVT (nay là Đại đội 5 cơ động). Các cá nhân AHLLVTND như: đồng chí Lừu A Phừ, Tòng Văn Kim, Tao Văn Tem, Quàng Văn Liến; Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Vũ Tráng…
(Nguồn: BĐBP Lai Châu)
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, các đơn vị trực tiếp chiến đấu đều đánh giỏi, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận U Ma Ty Khoòng (Thu Lũm), 21 chiến sĩ và 8 dân quân chặn đánh 2 tiểu đoàn địch, diệt 250 tên. Đồn Pa Nậm Cúm có 60 cán bộ, chiến sĩ, đánh lùi 40 đợt tấn công của 2 trung đoàn địch, diệt 600 tên trong 1 ngày. Đồn Sì Lờ Lầu có 60 đồng chí, đánh lùi 12 đợt tấn công của 4 trung đoàn địch…
(Báo cáo thành tích phong tặng danh hiệu AHLLVTND của BĐBP Lai Châu, tháng 12.1979)
Bình luận (0)