Chỉ mới cách đây vài ngày, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn ĐBQH Bình Thuận) khi tiếp xúc cử tri ở các phường Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết) lại tiếp tục nghe bà con kiến nghị nhiều về câu chuyện này.
Theo cử tri, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ vài năm nay. Hằng năm, Mũi Né đón hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt khách. Con số này dự báo sẽ tăng cao khi ở khu vực không còn bao lâu nữa sẽ có một cảng hàng không cấp 4E (sân bay Phan Thiết) được đưa vào sử dụng (hiện đang được thi công khẩn trương). Thế nhưng, cả khu vực vẫn chưa hình thành được một đội ngũ chuyên thu gom rác. Vào mùa gió nam, không chỉ dưới biển, mà các bãi cát trên bờ cũng đầy rác.
Du khách phàn nàn về vệ sinh, rác thải không còn là chuyện mới. Các hình thức thu gom rác hiện nay vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, chủ yếu do các resort tự tổ chức thu gom rác dưới biển; tập kết lại trên đường, sau đó cho xe chuyên dụng chở vào bãi rác Bình Tú, hiệu quả không cao.
Cả TP.Phan Thiết chỉ có một nhà máy xử lý rác ở tận xã Tiến Thành (cách trung tâm du lịch Hàm Tiến - Mũi Né tới hơn 35 km), nhưng nhà máy vừa mới đưa vào hoạt động đã bị đóng cửa vì… thiếu tiền xử lý rác. Một khu du lịch lớn đón biết bao nhiêu khách, doanh thu hàng nghìn tỉ đồng như Mũi Né, nhưng bao nhiêu năm nay vẫn không xây dựng được một nhà máy xử lý rác (chưa nói đến hệ thống xử lý nước thải).
Đây là câu chuyện không mới, người dân, doanh nghiệp và chính quyền đã rất nhiều lần lên tiếng bàn thảo nhưng rốt cuộc vẫn là "biết rồi khổ lắm nói mãi". Có lẽ phải quyết liệt hành động theo tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi" như chỉ đạo thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án trọng điểm, thì Mũi Né mới có thể trở thành điểm du lịch xanh, sạch, đẹp; trở thành điểm đến lý tưởng và không bị phàn nàn bởi câu chuyện rác thải.
Bình luận (0)