UBND tỉnh Quảng Nam cho phép 2 công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn lùi thêm 2 tháng để tìm đối tác bán lại 60 tấn cyanua giả, sau nhiều năm bị một công ty Trung Quốc lừa bán.
Một góc kho chứa của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu - Ảnh: C.T.V |
Tại cuộc họp báo chiều 28.3, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đã thống nhất gia hạn 2 tháng để 2 doanh nghiệp vàng thuộc tập đoàn Besra Việt Nam tìm đối tác bán lại 60 tấn cyanua dỏm.
Cùng ngày, Sở Công thương Quảng Nam cũng chính thức xác nhận lượng “hóa chất” này chính là bột đá vôi, sau nhiều lần tổ chức lấy mẫu giám định tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam) và Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất (Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam).
Do 60 tấn hàng đang lưu trữ tại Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (20 tấn) và Công ty TNHH vàng Phước Sơn (40 tấn) được xác định nằm dưới ngưỡng chất thải nguy hại, nên 2 doanh nghiệp vàng đề nghị được bán lại cho đối tác có nhu cầu. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đồng ý kéo dài thời hạn xử lý đến ngày 24.5.2016.
Đây là “quả lừa” khiến 2 doanh nghiệp vàng khốn đốn sau thương vụ hồi năm 2011. Lô hàng đặt mua từ Công ty hóa chất Tianjin Haina Tianyi Chemical (Trung Quốc) trị giá 12.720 USD, nhưng lúc chuyển đến 2 mỏ vàng, doanh nghiệp mới biết mình bị lừa còn đối tác Trung Quốc “mất liên lạc”. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, thương vụ này mới được công khai.
Kể từ đó, việc lưu kho cả 60 tấn “hóa chất” chưa rõ chất lượng khiến người dân địa phương ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) lo lắng vì sợ ô nhiễm.
“Đây là sự cố nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp. Các địa phương có nhiều đơn thư đề nghị xử lý, nên tỉnh yêu cầu tổ chức giám định. Doanh nghiệp vàng dừng hoạt động nên thậm chí địa phương ứng ngân sách để có tiền giám định. Bây giờ mới gọi đúng tên lô hàng này là… “bột đá vôi”, và công khai để người dân yên tâm”, ông Huỳnh Khánh Toàn nói.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam cũng ràng buộc trách nhiệm nếu không tìm được đối tác để bán lại 60 tấn cyanua dỏm (bột đá vôi), 2 doanh nghiệp vàng phải chịu trách nhiệm ký hợp đồng với cơ quan xử lý chất thải rắn để tổ chức tiêu hủy. Mọi khâu xử lý phải nằm trong sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam ra thời hạn đến 15.10.2015 lô hàng này phải tiêu hủy, nhưng 2 doanh nghiệp vàng đã xin tự xử lý theo hướng “có thể sử dụng cho công nghiệp luyện sắt, thép, xây dựng và đang có kế hoạch tìm kiếm đối tác có nhu cầu sử dụng”.
Bình luận (0)