Lai lịch 'thảm họa' của lô hàng hóa chất gây vụ nổ tàn phá thủ đô Li Băng

07/08/2020 14:36 GMT+7

Vụ nổ kinh hoàng vừa xảy ra tại Beirut có liên quan đến một lô hàng nitrat ammoni bị tịch thu từ một con tàu nước ngoài nhưng bị bảo quản không đúng cách. Cựu thành viên thủy thủ đoàn cho biết chính con tàu chở lô hàng này vốn đã là một thảm họa.

2.750 tấn nitrat ammoni gây ra vụ nổ kinh hoàng, để lại đám khói khổng lồ hình nấm và một bãi đất hoang tàn tại nơi từng là cảng biển của thủ đô Beirut (Li băng). Hơn 135 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Vẫn còn nhiều người bị mất tích.
Quan chức của cảng biển này đã bị giam giữ tại nhà để điều tra. Lô nitrat ammoni khổng lồ này đã cập bến cảng Beirut như thế nào?

Khung cảnh hoang tàn của cảng Beirut (Li băng) sau khi bị vụ nổ phá hủy.

Reuters

Ủy ban Quốc phòng Tối cao Li Băng xác nhận lượng hóa chất này bị tịch thu từ tàu MV Rhosus khi cập cảng Beirut hồi tháng 9.2013. Khi nhìn lại diễn biến vụ việc, con tàu này vốn đã là một thảm họa nổi và rắc rối nó gây ra tiếp tục kéo dài.
Tàu MV Rhosus thuộc sở hữu của công ty Teto Shipping của doanh nhân người Nga Igor Grechushkin, được đăng kí ở đảo Marshall năm 2012. Thành viên thủy thủ đoàn tàu MV Rhosus phần lớn mang quốc tịch Ukraine và Nga.
Theo thông tin đăng tải trên các diễn đàn tiếng Nga năm 2012, các thủy thủ nói tình trạng làm việc trên tàu rất tồi tệ. Tiện nghi nghèo nàn, mức lương cực thấp và luôn trục trặc, và cảnh báo các thủy thủ khác đừng chọn công ty này.

Tàu MV Rhosus thuộc sở hữu của công ty Teto Shipping của doanh nhân người Nga Igor Grechushkin.

Reuters

Semyon Nikolenko, kỹ sư điện trên tàu MV Rhosus, khẳng định con tàu và quản lý từ công ty đều “không tốt". Đáng lo hơn, con tàu còn có nhiều vấn đề kỹ thuật, bao gồm radar và động cơ chính gặp trục trặc. Kỹ sư này cho biết chủ sở hữu chỉ cấp kinh phí sửa tàu khi nhà chức trách tại cảng kiểm tra con tàu.
Con tàu liên tục bị kiểm tra, khiển trách và bị giữ lại tại các cảng châu Âu. Trước khi đến Beirut, con tàu đã bị giữ 2 tuần ở Seville, Tây Ban Nha. Lực lượng chức năng tại cảng yêu cầu công ty lắp đặt máy phát điện dự phòng vì chỉ còn một cụm năng lượng của tàu hoạt động.
Năm 2013, tàu MV Rhosus chất 2.750 tấn nitrat ammoni tại cảng Batumi (Georgia), dự kiến chuyển lô hàng đến Mozambique. Sau khi bị cơ quan Kiểm soát Cảng Nhà nước Li Băng kiểm tra, con tàu bị cấm rời khỏi Beirut.
Vào thời điểm đó, số thủy thủ còn trên tàu được giảm xuống mức tối thiểu vì tính chất “nguy hiểm" của lô hàng trên tàu. Một bản ghi tóm tắt năm 2015 của công ty luật Baroudi & Associates của Li băng cho biết chủ tàu đã tuyên bố phá sản công ty; truyền trưởng và 4 thủy thủ bị giam giữ tại Beirut suốt 11 tháng trước khi được thả. Thuyền trưởng con tàu sau đó đã đệ đơn kiện công ty vì đã đẩy ông và thủy thủ rời tàu trong tình trạng không thức ăn, không lương.

Thuyền trưởng và thành viên thủy thủ đoàn tàu MV Rhosus khi bị chính phủ Li băng bắt giữ.

Reuters

Theo vị thuyền trưởng này, con tàu bị bắt giữ ở Beirut vì không thể trả phí cảng. Ông cho rằng đây là một bước đi sai lầm, “họ nên thoát khỏi nó càng sớm càng tốt". Ngoài ra, ông cũng cho rằng Beirut nên xử lý lô hàng hóa nguy hiểm một cách an toàn.
Lô hàng này sau đó được chuyển đến một nhà kho và tồn tại ở đây suốt nhiều năm. 2.750 tấn nitrat ammoni trên vẫn là nỗi lo đối với nhà chức trách Li Băng trong nhiều năm,
Lực lượng an ninh đã yêu cầu quan chức cảng phá hủy lô hàng vài tháng trước khi vụ nổ xảy ra, theo truyền thông địa phương.
Tuy nhiên, một số hình ảnh về nơi lưu trữ lô hàng cho thấy lực lượng chức năng không đủ hiểu biết về cách thức bảo quản các hóa chất dễ gây nổ. Những túi lớn chứa hàng tấn chất hóa học được chất đầy trong nhà kho. Trong nhà kho kế bên, lô hàng được lưu trữ là pháo hoa, một thứ cũng dễ cháy không kém.

Nitrat ammoni được cất trong những bao tải lớn và lưu kho ở cảng Beirut.

Chụp màn hình Twitter

Trong khi chính phủ Li Băng đã cam kết sẽ công bố kết quả điều tra trong vòng 5 ngày, thảm họa kinh hoàng này đẩy quốc gia vốn đã đầy khủng hoảng vào bờ vực sụp đổ. Vụ nổ lớn đã khiến khoảng 200.000 đến 300.000 người mất nhà tại Beirut, gây tổn thất hàng chục tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.