Lại lùi ngày đấu giá ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo'

31/10/2022 18:07 GMT+7

Lot 101 (lô 101) đấu giá ấn vàng “đẹp nhất của nhà Nguyễn” - Hoàng đế chi bảo đã không có trong phiên đấu ngày 31.10, mà lùi lại như trước đó từng thông báo vào 10.11.

Chiều 31.10 (theo giờ Việt Nam), thông tin đấu giá ấn vàng “đẹp nhất của nhà Nguyễn” vào 31.10 đã không còn trên trang của nhà đấu giá Millon (Pháp). Theo đó, lot 101 của chiếc ấn Hoàng đế chi bảo này đã không còn trong danh sách đấu giá.

Trang của nhà đấu giá Millon thông báo về hoãn đấu giá ấn Hoàng đế chi bào

chụp màn hình

Trên trang cũng có thông báo cả bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt liên quan đến việc lùi đấu giá. Đoạn thông báo có nội dung: “Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101 - chiếc Kim Ấn của Vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng, chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này tới buổi trưa ngày thứ năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022”.

Pháp bán đấu giá ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ niên đại triều vua Minh Mạng

Trước đó, sáng nay 31.10, ấn vàng “đẹp nhất của nhà Nguyễn” - ấn Hoàng đế chi bảo, được thông báo sẽ không hoãn và đấu giá vào 31.10. Ấn Hoàng đế chi bảo được đấu với mức giá dự kiến từ 2 - 3 triệu euro (từ 48 - 72 tỉ đồng). Cũng trong phiên đấu giá này, một số hiện vật nhà Nguyễn khác cũng được đấu giá như: huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng và ấn tín… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.

Buổi sáng 31.10, thông tin về lot đấu này vẫn còn trên trang

chụp màn hình

Theo các nhà nghiên cứu, ấn Hoàng đế chi bảo là cổ vật có giá trị rất cao, thu hút sự quan tâm của giới buôn đồ cổ thế giới. Đó là chiếc kim ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, được đúc bằng vàng vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1823), nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.

Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Thông tin trên website của Millon miêu tả (bằng tiếng Pháp) được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn lược dịch như sau: Ấn vàng (lô số 101/329) cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông (13,8 x 13,7 cm), nặng 10,78 kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ: 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).

Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện: 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).

Mặt dưới của ấn Hoàng đế chi bảo

millon

Trong suốt 143 năm của nhà Nguyễn có hơn 100 ấn tín đã được tạo ra. Chúng được làm bằng vàng, ngọc, ngà, bạc và đồng… thường do các thành viên hoàng gia và quan chức sử dụng. Dưới thời Minh Mạng, người ta đã chế tạo 15 ấn ngọc và ấn vàng, kể cả ấn đang bán đấu giá ở đây. Những ấn tín bằng vàng ròng, được gọi là Kim bửu tỷ (金寶 璽), Kim bảo tỷ (金寶 璽) hoặc Kim tỷ (金 璽) là loại hiếm nhất và quan trọng nhất, chỉ dùng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất. Ước tính giá từ 2 - 3 triệu euro.

Về việc đấu giá này, ngày 26.10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (Hoàng tộc nhà Nguyễn), đã có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên Hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng

ảnh tl

Phía Nguyễn Phúc tộc cho biết đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của Việt Nam, đức vua Bảo Đại “được cho là” đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo.

Văn bản của Nguyễn Phúc tộc có đoạn: “Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại cũng đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào. Do đó, chúng tôi long trọng và khẩn khoản yêu cầu ông hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật nêu trên trong khi chờ các cơ quan hữu trách điều tra”.

Về phần mình, Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản trao đổi với Bộ Ngoại giao nhằm có những biện pháp thương thảo liên quan đến chiếc ấn. Trong đó, Bộ VH-TT-DL khẳng định: “Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn nên có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.