Lại mang chất thải đổ ra biển

13/08/2018 07:39 GMT+7

Bộ TN-MT và UBND tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý chủ trương cho phép nhận chìm 2,5 triệu m 3 bùn cát trong quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch.

Theo thông tin mà Báo Thanh Niên nắm được, Trung tâm điện lực Quảng Trạch (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo ĐTM được duyệt, cát thi công nạo vét làm cảng than với khối lượng 2,5 triệu m3 sẽ được nhận chìm ở khu vực cách bờ hơn 3 hải lý.
Lại mang chất thải đổ ra biển Đồ họa: Đông Xuân - Ảnh: Đ.N.Thạch - H.Cừ - M.Hải - V.Lưu
Đồ họa: Đông Xuân - Ảnh: Đ.N.Thạch - H.Cừ - M.Hải - V.Lưu

Nhiều chuyên gia biển chỉ biết thông tin qua báo chí
Vùng xả thải của dự án nhiệt điện Quảng Trạch cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía tây. Vị trí được xác định ban đầu giới hạn trong vòng tròn bán kính 1 hải lý. Tâm đường tròn cách phao số 0 ở biển Hòn La 4 hải lý về phía tây nam, cách đảo Hòn Gió (đảo Chim) 5 hải lý về phía đông nam. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, việc đổ thải đã được tính toán, đánh giá kỹ càng và sẽ không gây ra ảnh hưởng gì.


Cần được đánh giá kỹ
Theo TS Tô Văn Trường, trước đây chúng ta không quan tâm nhiều lắm đến ĐTM. Nhưng giờ các vật liệu đưa ra biển ngày một nhiều hơn, chính vì vậy vấn đề môi trường cần xem xét cẩn trọng hơn. Về tổng quan, tất cả các dự án được gọi là nhận chìm, hoặc đổ vật liệu, hay đưa một nguồn vật chất xuống biển đều nguy cơ gây ô nhiễm nên cần được đánh giá kỹ.


Đáng nói, nhiều chuyên gia hàng đầu về biển ở VN khi chúng tôi liên hệ đều không biết hoặc chỉ biết thông tin này qua báo chí chứ không biết cụ thể như thế nào. Theo TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường biển VN: Việc xả thải tất nhiên sẽ có hại đến môi trường biển, đến tôm cá mà cụ thể và trực tiếp là sinh kế người dân. “Tôi cũng có nghe nói về dự án này nhưng không ai hỏi, tư vấn gì mình cả thì mình cũng chịu thôi”, ông An nói.
TS Nguyễn Hữu Huân, Viện Hải dương học Nha Trang, cũng thành thật: “Tôi chỉ mới biết thông tin trên qua báo chí. Chưa biết cụ thể thế nào nên không thể phân tích bình luận gì cả. Tuy nhiên, việc xả thải dù là bùn đất nạo vét từ biển, thế giới cũng rất hạn chế. Khu vực ven bờ rất nhạy cảm, nếu có một sự thay đổi nhỏ nào cũng sẽ gây tác động rất lớn đến môi trường và cuộc sống người dân”.
“Về mặt nguyên tắc, thế giới không khuyến khích những việc như vậy. Không phải cái gì thải ra không xử lý được cũng có thể mang đổ sông đổ biển. Vấn đề là phải xem cách thức họ thẩm định, đánh giá ĐTM đó như thế nào? Có mang tính khách quan và khoa học? Và đặc biệt là cần phải minh bạch những thông tin đó để dư luận được rõ”, TS Huân đặt vấn đề.
Biển nào được nhận chìm?
Cũng thời điểm này năm ngoái, dư luận bức xúc về việc Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải nạo vét cảng biển của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Bình Thuận, khu vực gần Hòn Cau. Sau khi bị phản đối mạnh mẽ với những bằng chứng và lập luận xác đáng về sự tác động của việc xả thải đến môi trường và sinh kế của người dân, các cơ quan chức năng đã buộc phải thu hồi quyết định trên.

Vậy nhưng khối lượng bùn thải nhận chìm ở dự án nhiệt điện Quảng Trạch còn lớn hơn rất nhiều so với dự án Vĩnh Tân 1. Phải chăng do vùng biển Hòn Cau (Bình Thuận) là khu bảo tồn biển - giá trị đa dạng sinh học cao, còn vùng biển ở Quảng Bình “nghèo” về tự nhiên nên dễ chấp nhận xả thải hơn? Tại sao lại có vùng biển này được nhận chìm, vùng biển kia không được?
Một chuyên gia về biển phân tích: Về mặt tự nhiên, mỗi vùng biển đều có giá trị riêng mà không nơi nào thay thế được. Không có chuyện vùng biển này “giàu” phải ra sức bảo vệ, còn vùng biển kia “nghèo” để có thể xả thải xuống đó. Cả dải bờ biển VN là một chỉnh thể hoàn chỉnh.
Nếu chúng ta bồi đào nơi này đi đắp nơi khác thì cát đá sẽ theo dòng chảy tự nhiên mang nó đi khắp nơi và vô hình trung tác động tiêu cực đến nơi khác. Đó là quy luật tự cân bằng của tự nhiên. Hàng triệu mét khối bùn cát nhận chìm xuống biển sẽ gây ra ô nhiễm môi trường biển, ít nhất là đục nước làm ảnh hưởng đến tôm cá tự nhiên của cả khu vực. Khi đó, cuộc sống của hàng ngàn người dân sống bám biển ở khu vực ven bờ sẽ bị đảo lộn. Đó là những tác động mà khi cấp phép xả thải cần phải tính đến.
Thời gian gần đây có nhiều cửa sông ở khu vực miền Trung thường xuyên bị bồi lắng, khu vực khác bị sạt lở, nguyên nhân chung cũng do mất cân bằng sinh thái mà chủ yếu là tác động từ các hoạt động kinh tế, xã hội của con người. Nên không có chuyện vùng biển này được nhận chìm, vùng kia thì không. Nhận chìm ở nơi này vẫn ảnh hưởng tới nơi khác, ảnh hưởng tới môi trường biển chung.
Ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng
Khi dự án xả 1 triệu m3 bùn thải của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận bị dừng sau rất nhiều nỗ lực của người dân, các nhà khoa học, dư luận tin rằng một “tiền lệ xấu” đã được gạt bỏ. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, các dự án xin phép xả thải từ đó đến nay vẫn được đệ trình đều đặn lên các cấp chính quyền, ngay cả với nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).
Ông Nguyễn Duy Lương, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và môi trường, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại tỉnh Quảng Bình, nói: “Thực sự mấy hôm nay tôi khá lo lắng cho vấn đề nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải. ĐTM không hiểu dựa vào đâu để nói việc nhận chìm này không ảnh hưởng đến môi trường. Nên nhớ đất cát không phải là một khối bê tông, nhấn chìm rồi nó đứng yên dưới đáy biển mà lan ra rất nhanh, khiến nguồn nước biển ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ven biển... Nguồn cá tôm, san hô, rong và đặc biệt nguồn cá con mới nở… tại bãi Ngang sẽ bị xáo trộn ghê gớm. Chọn giải pháp nhận chìm chất thải là cách làm dễ nhất và ít tốn kém cho nhà đầu tư nhưng ảnh hưởng đến môi trường nhất. Vì vậy, không nên đồng ý cho giải pháp nhấn chìm như vậy. Dọc bờ biển chúng ta có rất nhiều nhà máy nhiệt điện, nếu ai cũng làm rồi thải rồi nhấn chìm như vậy, chắc chắn cái tên VN trên bản đồ xuất khẩu thủy sản, phát triển ngành công nghiệp không khói sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai gần”.
Theo các chuyên gia, khi bùn thải được đổ xuống chỉ sau thời gian ngắn, bờ biển sẽ bị bồi lấp nhanh, các sinh vật biển sinh sống quanh đó không có nơi để trú thân chứ đừng nói là sinh sôi phát triển. Lâu dần, hệ sinh thái ven bờ sẽ chết dần. Biển là một không gian mở, nếu tác động vào một nơi nào đó, nó sẽ lan đi rất nhanh; chính vì vậy sự đánh giá tác động môi trường không phải tại chỗ mà ở cả khu vực. Nếu cơ quan chức năng cấp phép cho xả thải cần phải có cơ chế ràng buộc - ký quỹ môi trường, để có nguồn bồi thường thiệt hại cho người dân trong trường hợp xảy ra sự cố.
Dự án nhiệt điện Quảng Trạch
Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch gồm 2 nhà máy, vốn là dự án của Tập đoàn dầu khí VN (PVN). Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 được khởi công xây dựng tháng 7.2011, công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD. Do Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí gặp vấn đề, sau đó dự án được chuyển giao cho Tập đoàn điện lực VN (EVN). Theo kế hoạch, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ vận hành tổ máy 1 từ năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.