Cam kết bảo hành 1 năm
Với từ khóa "xem trộm tin nhắn", người dùng internet có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục kết quả và các hội nhóm quảng cáo dịch vụ này. PV đã trực tiếp thao tác và nhận được khá nhiều kết quả. FB tên Phan Ngọc Anh quảng cáo "nhận mở khóa tài khoản Facebook, nhận lấy lại mật khẩu Zalo, đăng nhập song song vào tài khoản Facebook, Zalo mà không bị phát hiện, đọc trộm tin nhắn Facebook, Zalo, tin nhắn SMS…", đồng thời cam kết bảo mật thông tin khách hàng.
Một tài khoản Facebook khác tên F.M quảng cáo cung cấp phần mềm theo dõi người yêu, vợ, chồng, con cái đi đâu, làm gì đều biết và chỉ cần có số điện thoại là có thể xem được mọi tin nhắn trò chuyện ở các nền tảng mạng xã hội. Để tạo niềm tin, chủ tài khoản này còn cam kết bảo hành phần mềm 1 năm.
Cùng với dịch vụ xem trộm tin nhắn, nhiều chủ kênh còn quảng cáo khôi phục tài khoản Facebook, thậm chí có kẻ còn mạo danh chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng để tăng mức độ uy tín. Theo thông tin từ dự án Chongluadao.vn, website này vừa nhận được thông tin từ một cô gái báo cáo tài khoản Facebook mạo danh ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) yêu cầu bạn cô này phải chuyển tiền mới giúp đỡ lấy lại tài khoản Facebook. Rất may là bạn nữ đã hẹn chuyển tiền sau để xác minh lại nên chưa bị tổn thất kinh tế.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố 2 bị can N.Q.H và N.V.D (cùng sinh năm 2004), trú tại xã Sơn Hàm, H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, 2 đối tượng đã bàn bạc, thống nhất sử dụng nhiều tài khoản, nhóm đăng thông tin không có thật lên mạng xã hội Facebook để quảng cáo cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát, đọc tin nhắn tài khoản mạng xã hội của người khác. Tại cơ quan công an, H. và D. khai nhận đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng của nhiều người ở nhiều địa phương với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Các đối tượng trên liên hệ với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhận chuyển tiền. Tin tưởng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới tài khoản trên. Sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.
Tiền mất, tật mang
Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu khẳng định: "Đa số dịch vụ quảng cáo hack Zalo, xem trộm tin nhắn, lấy lại tài khoản mạng xã hội đều là lừa đảo. Cho dù có làm được việc này thì các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác, hành vi đọc trộm tin nhắn là vi phạm pháp luật, ngoài ra còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân". Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Hiếu, một bộ phận người dân có nhu cầu theo dõi tin nhắn riêng tư của vợ hoặc chồng hoặc người yêu, vì vậy đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý này để lừa đảo.
Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn cũng phân tích: "Về mặt công nghệ, việc theo dõi vị trí và đọc trộm thông tin trên smartphone khác thông qua một số điện thoại có thể thực hiện qua lỗ hổng zero-day (lỗ hổng chưa được công bố, hoặc chưa có bản vá lỗi) của sản phẩm. Các công cụ cũng thường được trao đổi, mua bán trên diễn đàn kín. Tuy nhiên, các lỗ hổng này không dễ khai thác. Việc rao bán công khai hiện nay đều là giả, ăn theo vấn đề thời sự, người dùng cần cảnh giác để tránh bị lừa tiền hoặc mất tài khoản, mất thông tin cá nhân".
Còn theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), hình thức cung cấp dịch vụ lấy lại tài khoản mạng xã hội là một trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất mà cơ quan này thống kê được. Trong đó, số tiền phí đóng ban đầu có thể là thiệt hại nhỏ, kẻ lừa đảo còn có ý đồ đánh cắp thông tin cá nhân để "móc túi" nhiều hơn.
Cụ thể, các đối tượng này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ email, mã OTP, hoặc thông tin thẻ tín dụng để xác minh danh tính và thực hiện việc lấy lại tài khoản. Hoặc bắt nạn nhân phải đóng một khoản tiền cọc trước và khi đã đạt được mục đích, kẻ lừa đảo khóa chặn cuộc trò chuyện với nạn nhân hoặc xóa luôn tất cả các dấu vết. Facebook không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập của mình thông qua email, tin nhắn hoặc các hình thức liên lạc khác, vì vậy để giảm khả năng bị lừa đảo, người dùng cần hạn chế việc tiết lộ thông tin cá nhân quá nhiều trên mạng xã hội, bao gồm cả Facebook. Facebook thường cung cấp thông tin về các biện pháp bảo mật mới và cách ngăn chặn lừa đảo. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, bạn nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Xuất hiện lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão lũ
Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh vừa phát cảnh báo về những fanpage trên Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo người dân bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tương tự như các trang chính thống để kêu gọi những người có lòng tốt chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo các trang mạng xã hội không thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại địa phương.
Để tự bảo vệ mình, Sở TT-TT Quảng Ninh đề nghị người dân cần: Kiểm tra kỹ thông tin về các tài khoản kêu gọi quyên góp, ưu tiên các nguồn chính thức; chia sẻ thông tin cảnh báo với người thân, bạn bè để cùng nâng cao ý thức cảnh giác; báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện các trang fanpage hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.
Bình luận (0)