Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9 - 10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà thương mại. Họ chỉ có thể vay nếu lãi suất khoảng 5% không thì cả đời đi thuê. Vì thế, theo ông Trương Anh Tuấn, Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải lên tiếng mạnh hơn để đưa ra gói tín dụng như gói vay 4,8% cho công nhân. Ngoài việc có nhà ở cần phải có những chính sách an sinh xã hội khác.
Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, chia sẻ ông nghe nhiều, nhiều lắm về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng toàn nghe trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy thực tế. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại 14%, gần đây giảm còn 12%, để xây nhà ở xã hội. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với thị phần này. Lãi suất như vậy, ngay cả doanh nghiệp cũng không dám vay vì một dự án thường kéo dài mấy năm, nếu cộng lãi suất, chi phí, giá thành cao thì giá sẽ cao. Trong khi thu nhập của người dân ngày càng giảm đi, họ không thể vay để mua nổi nhà ở xã hội. Do đó, phải có gói tín dụng như gói 30.000 tỉ đồng trước đây, với lãi suất khoảng 4,8 - 5%/năm là hợp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hoan nghênh đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Điều này mở ra triển vọng huy động nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người thu nhập thấp và công nhân lao động.
"Trong khi Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023) thì đề án đã có giải pháp tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bố trí Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng. Trong đó, lãi suất cho vay áp dụng đến hết 30.6.2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, lãi suất cho vay áp dụng đến hết 30.6.2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Thế nhưng lãi suất này vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm trong gói 30.000 tỉ đồng trước kia. Đồng thời, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm và lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi thì Ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất có thể dẫn đến rủi ro cho người vay vốn của đề án để mua nhà ở xã hội"- ông Châu phân tích.
Theo ông Châu, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi, người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường. Đây sẽ là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn. Về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội thật căn cơ, hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội theo giải pháp tại điểm b khoản 1 mục III của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bình luận (0)