Lãi suất giảm chậm

12/04/2023 06:29 GMT+7

Bất chấp động thái giảm một số lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn chỉ giảm nhẹ.

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng lên hơn 9%/năm

Sau đợt điều chỉnh giảm lãi suất (LS) từ đầu tháng 4 đến nay, một số ngân hàng (NH) tiếp tục điều chỉnh theo hướng đi xuống. Chẳng hạn, NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mới đây giảm LS huy động thêm 0,2%. Theo đó, LS huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng xuống còn 7,9 - 8%/năm; 12 tháng còn 8,1 - 8,2%/năm. Riêng đối với NH số Cake by VPBank, LS huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,9%/năm, từ 9 tháng trở lên là 9%/năm. NH TMCP Sài Gòn (SCB) đã giảm thêm LS huy động 0,8%/năm ở một số kỳ hạn như 12 tháng còn 8,2%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên còn 7,8%/năm… Đối với tiết kiệm gửi online, kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,25%/năm, 7 - 8 tháng còn 8,05%/năm, 9 tháng còn 8,25%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên lại xuống 7,85%/năm…

Lãi suất giảm chậm - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay vẫn giảm chậm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một điểm khá đặc biệt trên thị trường gần đây là LS ở một số kỳ hạn như 6 tháng cao đột biến so với những kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên. Dẫn chứng tại KienLongBank, LS từ 10 - 13 tháng ở mức 8,6%/năm, 15 tháng là 8,5%/năm, 17 tháng còn 7,7%/năm… Hơn nữa, thị trường vẫn có tình trạng thương lượng LS giữa khách hàng và NH cao hơn so với biểu lãi suất niêm yết.

Anh Quốc Hùng (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình có sổ tiết kiệm 500 triệu đồng đến hạn vào ngày 11.4. Khi nhìn LS niêm yết của NH này chỉ ở mức 5,3%/năm, anh dự kiến chuyển sang NH khác để hưởng LS cùng kỳ hạn 8,8%/năm. Thế nhưng, khi biết anh dự kiến chuyển số tiền này đi, nhân viên tín dụng đã thương lượng mức LS tương tự 8,3%/năm theo đối tượng khách hàng VIP. Lúc này, anh Quốc Hùng đồng ý vì để chuyển qua NH khác cũng mất thời gian. Thậm chí, trên thị trường ở một số NH nhỏ, không những LS được ghi nhận trên sổ tiết kiệm từ 8,3 - 8,7%/năm mà thông qua một số hình thức khác, số tiền lãi mà khách hàng nhận được còn lên đến 9,1%/năm.

Như vậy, LS huy động ở một số nhà băng nhỏ chỉ giảm khoảng 1% so với đầu năm. Tình hình căng thẳng LS huy động xuất hiện trở lại những ngày gần đây khi LS trên thị trường liên NH tăng lên gấp đôi chỉ trong vài ngày. Cụ thể, LS liên NH ngày 7.4 kỳ hạn qua đêm lên 5%/năm, 1 - 2 tháng lên 5 - 5,2%/năm, 1 tháng lên 5,35%/năm, 3 tháng lên 6,58%/năm, 6 tháng 8,57%/năm… Chính NH Nhà nước cũng liên tục bơm tiền ra thị trường trong những ngày qua. Ngày 11.4, nhà điều hành đã bơm hơn 4.588 tỉ đồng cho 4 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, LS ở mức 5%/năm.

Lãi suất giảm chậm - Ảnh 2.

Lãi suất cho vay vẫn giảm chậm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lãi vay giảm từ 0,5 - 1%/năm tùy doanh nghiệp

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp (DN) cho hay đã được giảm lãi vay. Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, DN vừa được giảm LS cho vay xuống còn 9%/năm, thấp hơn 1% so với đầu năm. Dù khá vui nhưng ông cho hay trước đây DN chỉ vay với LS thấp hơn 8%/năm, vì vậy ông mong LS sẽ còn tiếp tục giảm nhanh hơn. Nhất là trong tình hình sức tiêu thụ quá thấp, giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước khiến DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cho biết LS công ty cũng được giảm 0,5% xuống còn 8,5% đối với tiền đồng; LS vay USD cũng giảm tương tự xuống 6%/năm. Tuy nhiên theo ông Việt, đối với các DN xuất khẩu thì LS này vẫn quá cao, nên rất nhiều DN vẫn e dè, không dám vay.

Kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023, các NH kỳ vọng LS huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1% trong quý 2 và giảm nhẹ 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. Điều này hoàn toàn trái ngược với dự báo trước đó. Đồng thời, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 2 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống NH được dự báo tăng 4% trong quý 2 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6% so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Chủ một cơ sở sản xuất tại Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng cho biết vừa được giải ngân hợp đồng vay 1 tỉ đồng với LS 10,5%/năm, thấp hơn 1% so với hợp đồng vay cũ. Tuy nhiên, bà vẫn bị "ép" mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với số tiền 50 triệu đồng/năm. Theo bà, với mức phí như vậy thì LS thực tế không giảm bao nhiêu.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh, vừa có một khoản vay được giải ngân tại NH Eximbank nhưng LS vẫn duy trì 10,2%/năm như đầu năm nay. Ông chưa hiểu vì sao trong khi cuối tháng 3 hỏi thăm thì được NH hứa hẹn sẽ giảm LS xuống dưới 10%/năm. Điều này khiến ông hụt hẫng, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng được giảm LS sau khi NH Nhà nước công bố hạ một loạt lãi suất điều hành trong tháng 3 vừa qua.

Đồng tình, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho hay là công ty xuất khẩu nên có nhu cầu vay ngoại tệ; năm 2021 LS cho vay bằng USD chỉ 2,3%/năm, sang đến năm 2022 tăng lên 6,5%/năm và tháng 3 vừa qua đã bật lên tới 8%/năm. Riêng đối với LS khoản vay tiền đồng, ở NH lớn như Vietcombank thì giảm xuống còn 8,1%/năm, giảm gần 2% so với đầu năm nhưng có hợp đồng vay ở NH thương mại khác LS vẫn lên đến 11%/năm.

Mức LS này theo ông Phan Minh Thông là quá cao. Hơn nữa, không chỉ gánh mức LS USD tăng dữ dội mà nhà xuất khẩu còn phải đối mặt với nỗi lo lỗ tỷ giá. Cụ thể, hợp đồng xuất khẩu ký kết vào tháng 11 - 12.2022, khi đó tỷ giá thu mua của NH dao động 24.000 - 24.600 VND/USD. Thế nhưng đến nay khi đơn hàng hoàn tất, đối tác trả tiền thì tỷ giá rơi xuống quanh ngưỡng 23.400 VND/USD. Như vậy, ước tính so với thời điểm ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác thì hiện công ty lỗ hơn 2% trên doanh thu. Với doanh thu xuất khẩu trung bình đạt 30 triệu USD/tháng, khi tỷ giá giảm 2% đồng nghĩa doanh thu của công ty đã hụt mất 14 tỉ đồng. Điều này càng khiến DN khó chồng thêm khó.

Lãi suất giảm chậm - Ảnh 4.

Cần mạnh dạn cho DOANH NGHIỆP vay, giảm lãi suất hơn nữa

Báo cáo mới đây của bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các thị trường toàn cầu - NH UOB - đưa ra đánh giá việc NH Nhà nước cắt giảm LS điều hành vào đầu tháng 4 không có gì quá bất ngờ, bởi chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UOB dự báo NH Nhà nước có thể sẽ giảm thêm 1% LS trong quý 2/2023. LS tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 0,5% trước thời điểm cuối quý 2/2023. Ngoài ra, NH Nhà nước có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm LS khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước cũng như diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phân tích: LS cho vay là một "mê trận" vì sẽ phụ thuộc vào từng DN khi NH đánh giá trên quy mô, lịch sử tín dụng, mức độ rủi ro, kế hoạch kinh doanh… Tuy nhiên nhìn chung, mặt bằng LS cho vay hiện nay vẫn đang quá cao. Lạm phát trên thế giới có ảnh hưởng đến VN nhưng vẫn còn phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất riêng của nền kinh tế. Kinh tế VN quý 1/2023 đã tăng trưởng khá thấp, nhiều tỉnh, TP lớn như TP.HCM hầu như không tăng trưởng, nhiều ngành nghề bị giảm sút mạnh. Việc thúc đẩy đầu tư công được cho là động lực tăng trưởng kinh tế của VN trong năm nay nhưng cần thời gian dài mới có hiệu quả, tối thiểu sẽ từ 6 - 7 tháng khi bắt đầu thực hiện. 

Trong khi đó, nền kinh tế không thể chờ đợi quá lâu nên cần phải sử dụng chính sách tài chính tiền tệ để thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh hơn. Làm thế nào để DN yên tâm, duy trì hoạt động sản xuất là câu hỏi phải đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc neo LS cao, DN khó vay được vốn từ NH sẽ "bóp nghẹt" hoạt động của DN, kinh tế càng khó khăn hơn. Đặc biệt khi hoạt động xuất khẩu của VN phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường thế giới thì cách nhanh nhất là thúc đẩy thị trường nội địa. Do đó, TS Huỳnh Thanh Điền kiến nghị Chính phủ cần xem xét để có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng nguồn cung vốn cho thị trường.

Chuyển động kinh tế ngày 12.4: Mở đường cho nông sản Việt sang Israel | Trung Quốc chạy đua cạnh tranh ChatGPT


Chờ lãi suất giảm còn khoảng 7%/năm

Lãi suất giảm chậm - Ảnh 6.

ĐỘC LẬP

Chúng tôi hiểu rằng hiện nay các NH vẫn đang huy động tiền gửi tiết kiệm cao đến trên 8%/năm nên LS cho vay sẽ chưa thể giảm nhiều. Nhưng các DN đang gồng gánh nhiều khó khăn. Ngay cả DN xuất khẩu dù được xem là đối tượng ưu tiên, khuyến khích nhưng cũng không thể được vay vốn với LS thấp như trước đây. Bản thân các DN đều mong LS tiền đồng sẽ giảm nhanh về còn khoảng 7%/năm và riêng LS USD về 3 - 4%/năm như trước đây. Chỉ khi đó DN mới mạnh dạn vay vốn để gia tăng sản xuất, mở rộng đầu tư.

Ông Phan Minh Thông (Tổng giám đốc Phúc Sinh Group)

4 ngân hàng thương mại quốc doanh là đầu tàu kéo giảm lãi suất

Lãi suất giảm chậm - Ảnh 7.

NVCC

Trong bối cảnh các NH vẫn còn huy động tiền gửi tiết kiệm với LS quanh 8%/năm thì LS cho vay dao động ở mức 9 - 10%/năm là hợp lý. Việc giảm LS gần đây là một tín hiệu tích cực. Chúng ta kỳ vọng LS đến hết quý 3/2023 sẽ giảm về như mặt  bằng năm 2019 - năm trước khi có đại dịch Covid-19. Khi đó, LS tiết kiệm xoay quanh 6 - 7%/năm và LS vay cho phổ biến 8 - 9%/năm. Để kéo giảm mặt bằng LS trên thị trường, 4 NH thương mại quốc doanh có vai trò rất quan trọng, là đầu tàu đi tiên phong để giảm LS cả tiết kiệm lẫn cho vay. Bởi các NH này có nguồn vốn lớn, huy động được tiền gửi từ người dân nhiều nhất trên thị trường nên từ đó cũng có điều kiện tiên phong giảm LS. Bên cạnh đó, các NH thương mại cũng không chỉ tập trung cho DN vay mà cần phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Từ đó vòng quay nguồn vốn sẽ gia tăng, quay lại thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ hoạt động sản xuất. NH Nhà nước cũng có thể linh hoạt trong chính sách tiền tệ và tôi cho rằng đến hết quý 2 khi hệ thống NH ổn định, việc cung tiền sẽ mạnh hơn. Cung tiền là mối tương quan kép giữa bên cho vay và người đi vay như kiểu con gà quả trứng. Khi NH thấy DN có sản xuất, bán được hàng thì mới cho vay nhưng DN cũng cần có vốn để duy trì sản xuất. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh linh hoạt từ phía cơ quan quản lý để giúp kinh tế hồi phục trong bối cảnh VN vẫn muốn duy trì ổn định vĩ mô, lạm phát thấp.

TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế)


"Duy trì chính sách tiền tệ thận trọng thì DN sẽ khó vay vốn, càng khó phục hồi và kinh tế càng khó tăng trưởng trở lại. LS cho vay cần phải kéo xuống khoảng 6 - 7% thì DN mới mạnh dạn vay tiền, thúc đẩy sản xuất. Người lao động có thu nhập, thậm chí vay tiêu dùng thì kích thích được thị trường nội địa và từ đó lại thúc đẩy quay vòng trở lại cho hoạt động sản xuất", TS Huỳnh Thanh Điền nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc mong muốn giảm LS cho vay để hỗ trợ kinh tế là điều cần thiết khi kinh tế đang vô cùng khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, để giảm được LS cho vay thì LS huy động phải giảm xuống. Thế nhưng với tình hình thực tế LS huy động của các NH thực tế cao hơn niêm yết cho thấy nhu cầu thu hút vốn của các nhà băng vẫn cao. 

Vì vậy, ông cho rằng NH Nhà nước cần giảm trần LS huy động kỳ hạn 6 tháng để "đẩy" LS huy động của các nhà băng đi xuống. Thế nhưng, ông cũng cho rằng nhiệm vụ này là khó khi hiện nay lãi suất USD của Mỹ 5%/năm, không thấp hơn nhiều so với LS đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng dưới 5,5%/năm, LS huy động những kỳ hạn trên 6 tháng từ 7 - 9%/năm. Trong thời gian tới, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm LS lần nữa thì điều kiện để giảm LS tiền đồng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.